Dù tốc độ tăng trưởng đầu tư nước ngoài (FDI) đang có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng dòng vốn chảy vào các dự án tăng trưởng xanh vẫn ghi nhận khá tích cực.
Dù tốc độ tăng trưởng đầu tư nước ngoài (FDI) đang có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng dòng vốn chảy vào các dự án tăng trưởng xanh vẫn ghi nhận khá tích cực.
Đặc biệt, thông qua các tổ chức tín dụng trong nước, các định chế tài chính quốc tế đang đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn vốn cho phát triển lĩnh vực kinh tế xanh ở Việt Nam.
Tài trợ vốn xanh vẫn “xanh” trong mùa dịch
Mới đây, Tổ chức Tài chính phát triển của Pháp Proparco đã cấp khoản vay 50 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) để phục vụ các dự án xanh nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Đây là lần đầu tiên HDBank hợp tác vay vốn từ Proparco nhưng trước đó, từ năm 2018, HDBank đã bắt đầu triển khai tài trợ cho các dự án xanh tại Việt Nam.
Các dự án được nhận vốn từ HDBank đều đáp ứng các tiêu chí xanh như: giảm năng lượng tiêu thụ, giảm khí thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường; giấy phép đầu tư dự án, phương án phù hợp với mục đích vay vốn và mục tiêu tăng trưởng xanh.
Theo ước tính của HDBank, các dự án xanh này sẽ tạo ra hơn 1.350 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong thời gian tới, mang lại cơ hội nghề nghiệp và đảm bảo thu nhập cho người lao động tại các địa phương liên quan. Tính đến ngày 31/8/2021, dư nợ cho vay đạt gần 13.500 tỷ đồng tài trợ cho các dự án xanh.
Vào tháng 7/2021, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng đã cung cấp khoản cho vay dài hạn trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xanh và bền vững tại Việt Nam.
Mục đích của khoản tín dụng này là hỗ trợ mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là thúc đẩy tài trợ cho các dự án thân thiện với khí hậu tại Việt Nam, tạo ra những lựa chọn mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh thông qua việc nâng cao hiệu quả nền tảng ngân hàng công nghệ số và phát triển các sản phẩm theo nhu cầu của phân khúc này.
Cuối tháng 5/2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng nhận được khoản vay dài hạn trị giá 100 triệu USD và hỗ trợ kỹ thuật trị giá 300.000 EUR từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Nguồn vốn này sẽ được dành hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Trước đó, một loạt ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á… cũng nhận được các khoản vay dài hạn từ các định chế tài chính quốc tế để tài trợ vốn cho các dự án tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Ngoài việc rót vốn hỗ trợ các dự án xanh, các định chế tài chính cũng tham gia hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp vạch chiến lược đầu tư phát triển.
Chẳng hạn, vào đầu tháng 9/2021, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc Việt Nam (Britcham) ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam và ứng dụng các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong doanh nghiệp.
Hoạt động mở đầu cho sự hợp tác này là việc ra mắt chuỗi 6 hội thảo trực tuyến tập trung các chủ đề về ESG và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp và tổ chức tham dự có thể vạch ra các chiến lược hiệu quả cho mục tiêu phát triển bền vững của mình. Britcham đã thành lập một nhóm công tác để hỗ trợ các sáng kiến ESG của các doanh nghiệp thành viên.
Theo bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, việc áp dụng tư duy về bền vững và ESG trong đầu tư và kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền lâu và có khả năng duy trì hoạt động một cách hiệu quả. Điều này cũng sẽ mang đến những lợi ích về xã hội, môi trường và kinh tế cho Việt Nam.
“Standard Chartered hướng tới giúp các thị trường mới nổi như Việt Nam giảm lượng khí thải carbon nhanh nhất có thể mà không làm chậm quá trình phát triển, đóng góp vào mục tiêu đưa mức phát thải carbon ròng trên thế giới về 0 vào năm 2050. Chúng tôi sẽ hỗ trợ huy động nguồn vốn hoặc cung cấp nguồn vốn cần thiết để mang đến nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy các loại hình vận tải không phát thải carbon và khử carbon trong lĩnh vực sản xuất,” bà Michele Wee cho biết.
Cơ hội gọi vốn cho các dự án xanh
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất do phần lớn dân số sống ở các vùng trũng ven biển.
Ước tính, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm thu nhập quốc dân của đất nước lên tới 3,5% vào năm 2050; 37% dân số sống ở các vùng trũng, vốn chỉ chiếm 15% diện tích đất của cả nước.
Với mức độ ảnh hưởng này, các dự án tài trợ vốn cho tăng trưởng xanh đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Một nghiên cứu của IFC cho thấy, tài trợ khí hậu ở Việt Nam (tính theo tỷ lệ phần trăm tổng danh mục cho vay của các ngân hàng) mới chỉ ở mức khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới.
IFC cho rằng, việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ đồng thời mang lại cơ hội đầu tư khí hậu trị giá 753 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2016-2030.
Trong khi đó, một khảo sát của Tổ chức xếp hạng quốc tế MSCI cho thấy, 79% nhà đầu tư ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng đầu tư vào ESG một cách đáng kể vào năm 2020 nhằm đối phó với những bất ổn của dịch COVID-19; 57% có kế hoạch đưa ESG ở mức độ lớn hơn vào phân tích và quy trình quyết định đầu tư vào cuối năm 2021.
Xu hướng đầu tư tăng trưởng xanh của các tổ chức đầu tư quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội gọi vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để nhận tài trợ vốn quốc tế, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực nhiều hơn, kiên định với chiếc lược mục tiêu phát triển để đề ra.
Báo cáo “ESG - những bước đi đầu cho một thị trường cận biên châu Á” của Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố mới đây nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua, là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự tăng trưởng. Để duy trì mức tăng trưởng này, Việt Nam sẽ cần phát triển thị trường vốn và vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng.
HSBC đánh giá, các sáng kiến chống biến đổi khí hậu đang được thực hiện ở Việt Nam và các chương trình tài chính xanh vẫn còn đang non trẻ. Tuy nhiên, thị trường cận biên này đang dần bắt kịp các yếu tố quản trị và xã hội.
Nhiều nhà đầu tư đã rất ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam đã có bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp chi tiết và đang đi đúng hướng với việc đáp ứng khá nhiều trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Đơn cử, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo.
Tuy vậy, với tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đầu tư vào ESG, các chuyên gia của HSBC cũng cho rằng, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG, tập trung vào tăng trưởng bền vững và công bố nhiều hơn về các vấn đề ESG.
“Các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi cao hơn từ các doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thải nhiều carbon, họ cần suy nghĩ lại về các mô hình và chiến lược kinh doanh. Đối với các ngành công nghiệp, cần có các giải pháp giảm thải carbon cải tiến hơn. Đối với tất cả các phân khúc của nền kinh tế, cần chuẩn bị cho các tác động của biến đổi khí hậu,” ông Wai-Shin Chan, Giám đốc Trung tâm Biến đổi khí hậu và Giám đốc toàn cầu về Nghiên cứu ESG của HSBC lưu ý.
(Nguồn: TTXVN)