Nâng cao chất lượng giáo dục để xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển mạng lưới trường lớp học, góp phần tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

 
 Trường Tiểu học và THCS A Ngo, huyện Đakrông được đầu tư xây dựng khang trang -Ảnh do cơ sở cung cấp
      

Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm: Tiêu chí số 5 Trường học và tiêu chí số 14 Giáo dục và đào tạo. Việc triển khai thực hiện nội dung thành phần giáo dục và đào tạo thuộc chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương; sự chia sẻ, phối hợp của các tổ chức, đoàn thể các cấp; sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, cá nhân và các tầng lớp nhân dân.

Nhờ vậy, quy mô mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp theo hướng khoa học, tinh gọn, thuận lợi cho công tác huy động học sinh trong độ tuổi đến trường, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường đầu tư nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa; thiết bị dạy học được mua sắm bổ sung, đáp ứng tốt hơn cho công tác dạy và học. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì vững chắc và từng bước được nâng lên. Các yếu tố này góp phần quan trọng để hoàn thành tiêu chí giáo dục trong bộ tiêu chí xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao.

Cụ thể, thời gian qua, khối các trường mầm non, Tiểu học, THCS, Tiểu học và THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng bổ sung các phòng chức năng, phòng học, thư viện, phòng bộ môn... nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học tại các địa phương. Cụ thể, khối mầm non đã được đầu tư xây dựng bổ sung 43 phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; 90 phòng vệ sinh, 14 phòng giáo dục thể chất, 12 phòng giáo dục nghệ thuật, 22 phòng đa chức năng, 15 phòng tin học, 24 thư viện. Khối các trường tiểu học được đầu tư xây dựng bổ sung 37 phòng học kiên cố, 33 phòng học bộ môn âm nhạc - mỹ thuật, 18 phòng học bộ môn khoa học công nghệ, 5 phòng học bộ môn tin học, 10 phòng học bộ môn ngoại ngữ, 17 phòng đa chức năng. Khối các trường THPT đã được đầu tư xây dựng bổ sung 7 phòng học kiên cố; 14 phòng học bộ môn âm nhạc; 12 phòng học bộ môn mỹ thuật, 10 phòng học bộ môn khoa học công nghệ, 7 phòng học bộ môn ngoại ngữ, 1 phòng học bộ môn vật lý, 2 phòng học bộ môn hóa học, 11 phòng học bộ môn khoa học xã hội, 2 thư viện...

Cùng với đó, ngành tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục ở nông thôn, trong đó, chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở. Duy trì, củng cố chất lượng biết chữ mức độ 1; từng bước nâng cao tỉ lệ biết chữ mức độ 2 cho người lớn trong độ tuổi 15 - 60 tuổi. Nhờ vậy, tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi; đạt mức độ 3 về phổ cập giáo dục tiểu học; đạt mức độ 1 về phổ cập giáo dục THCS...Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến cuối năm 2025 dự kiến đạt 70%. Đến nay, toàn tỉnh có 75 xã đạt tiêu chí Trường học; 95 xã đạt tiêu chí Giáo dục và đào tạo; 75 xã đạt cả 2 tiêu chí Trường học, Giáo dục và đào tạo; 4 huyện đạt tiêu chí Giáo dục...

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các nội dung thành phần giáo dục và đào tạo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Đó là cơ sở vật chất của nhiều cơ sở giáo dục chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định, ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng, duy trì xã đạt chuẩn NTM, xây dựng xã NTM nâng cao và huyện NTM. Nguyên nhân chủ yếu do các văn bản quy định của cấp trên về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có yêu cầu cao hơn so với các quy định trước đây.

Do đó, sau khi rà soát, đánh giá lại, nhiều cơ sở giáo dục không đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định, nhất là đối với các trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác đầu tư cơ sở vật chất để hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn cần có nhiều thời gian và nguồn lực, không thể hoàn thiện trong một thời gian ngắn.

Một hạn chế nữa là chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ một số xã ở các huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa chưa cao, ảnh hưởng đến tiêu chí về giáo dục và đào tạo. Nguyên nhân chủ yếu là sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều học sinh trực tiếp tham gia lao động sản xuất, không tham gia tuyển sinh vào lớp 10 hệ phổ thông cũng như hệ giáo dục thường xuyên.

Trong thời gian tới, mục tiêu mà ngành giáo dục hướng tới là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn, tiêu chí về trường học, giáo dục và đào tạo trong bộ tiêu chí xã, huyện NTM, NTM nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao trên địa bàn.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành giáo dục và đào tạo đề xuất một số giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đảm bảo 100% phòng học ở tất cả các cấp học kiên cố hóa hoàn toàn, chống chịu được thiên tai, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Phấn đấu tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên 80%; tỉ lệ trường phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia trên 72%.

Trong quản lý, điều hành sẽ tập trung giao nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất trường học cho chính quyền địa phương cấp xã trên cơ sở chỉ tiêu nhiệm vụ do cấp tỉnh giao, gắn liền việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ với chỉ tiêu xây dựng tiêu chí trường học trong nội dung thành phần giáo dục. Ngành giáo dục tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu tỉ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi đạt từ 99-100% ở tất cả các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong dạy và học, xây dựng trường học xanh- thân thiện. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn chương trình mục tiêu xây dựng NTM cho thành phần giáo dục, đảm bảo tỉ lệ tối thiểu 20% theo quy định của pháp luật; đối với các nguồn vốn khác thực hiện theo nguyên tắc chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% chi ngân sách...

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Vĩnh Linh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Lê An |

 Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã tập trung chỉ đạo các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng để tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm địa phương.

Quan tâm nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số

Ngọc Trang |

Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Dự án 7 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) (viết tắt là Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, bước đầu có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy sự phát triển KT-XH ở địa phương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Võ Thái Hòa |

Tình hình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra và tăng dần hàng năm. Do đó, để đảm bảo quyền SHTT được thực hiện công bằng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các ngành hữu quan, các cấp chính quyền triển khai có hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm sản xuất, lưu thông, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản

Thiện Long |

Truy xuất nguồn gốc lâm sản là một trong những công cụ hữu hiệu giúp minh bạch nguồn gốc gỗ nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản, đồng thời ngăn ngừa tình trạng gian lận mua bán, khai thác, vận chuyển và cất giữ lâm sản trái pháp luật.

Nâng cao vai trò hoạt động quan trắc tài nguyên và môi trường đối với đời sống

Tân Nguyên |

Thực hiện Quyết định số 3532/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã giao Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tổ chức hoạt động quan trắc tài nguyên và môi trường theo mạng lưới quan trắc được phê duyệt.