Ông được được ví như "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 20/12, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) đã diễn ra lễ trao Giải thưởng VinFuture 2023. Giải thưởng vinh danh các nghiên cứu khoa học, phát minh và sáng chế khoa học công nghệ nhằm đóng góp vào giải quyết các thách thức chung của nhân loại. Hạng mục Giải thưởng VinFuture năm nay tiếp tục gồm 1 Giải thưởng Chính và 3 Giải Đặc biệt.
Hạng mục đầu tiên được trao giải là Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển (trị giá 500.000 USD) đã xướng tên GS.Gurdev Singh Khush (Mỹ gốc Ấn) và GS.Võ Tòng Xuân (Việt Nam). Như vậy, sau 3 mùa giải, lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam đã được vinh danh tại giải thưởng VinFuture, giải thưởng đang ngày càng tạo được tạo được uy tín trên phạm vi toàn cầu.
Phát biểu tại lễ trao giải, GS. Võ Tòng Xuân bày tỏ: "Tôi được vinh dự thay mặt người vợ quá cố, đồng nghiệp, sinh viên của tôi tại trường Nông nghiệp - Trường ĐH Cần Thơ và hàng triệu người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi vô cùng vinh dự và vui mừng với sự công nhận từ Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2023 với việc nghiên cứu của tôi cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ trong đưa vào ứng dụng các giống gạo mới để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nỗ lực này giúp đạt năng suất lúa cao hơn cũng như cải thiện sinh kế cho nông dân khu vực này. Vì thế, chúng ta đã đóng góp vào sự vươn lên của Việt Nam, trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới".
GS. Võ Tòng Xuân là nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam. Ông được ví như "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, giáo sư còn là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam, chuyên hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.
Cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS. Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở ĐBSCL, đồng thời hợp tác với nông dân áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.
Nhờ các sáng kiến này, GS. Xuân đã góp phần thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận hạt giống lúa chất lượng, tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại. Ông được phong giáo sư Nông học (1980), Anh hùng Lao động (1985) và là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền (II, III, IV). Hiện nay, GS. Võ Tòng Xuân là hiệu trưởng danh dự của Trường đại học Nam Cần Thơ.
(Nguồn: Phụ nữ mới)