Người Việt tại Lào: Giữ Tết cổ truyền là giữ gìn văn hóa dân tộc

PV |

Với phần đông người Việt sinh sống tại Lào, ngày Tết cổ truyền luôn hết sức thiêng liêng. Tết là ngày của đoàn viên. Với bà con Việt kiều, Tết còn là để hướng về nguồn cội. Đón Tết cổ truyền là dịp để nhắc nhở cháu con về văn hóa, phong tục truyền thống của cha ông. Để, dù đi đâu, làm gì, bà con vẫn nhớ mình là người Việt.

Hơn 80 tuổi, sống trọn cuộc đời ở Lào với một gia đình con cháu mấy mươi thành viên, nhưng chưa năm nào ông Bùi Công Tuyến – Việt kiều ở bản Xayxavan, mương Sasettha, thủ đô Vientiane không tổ chức Tết cổ truyền theo phong tục quê nhà. Tết ở nhà ông lúc nào cũng có bánh chưng xanh, câu đối đỏ chúc mừng năm mới, đèn lồng; có năm còn được bà con ở quê nhà Nam Định gửi đào sang biếu. Không khí ngày Tết cổ truyền trong nhà ông thật đầm ấm. Con cháu về chúc tết, cầu mong cho ông bà nhiều sức khỏe; ông bà lì xì mừng tuổi cho các cháu và nhận lại những tiếng cười giòn tan, kèm lời chúc ông bà sống lâu.

Buổi gói bánh chưng tập thể tại nhà anh Đỗ Văn Nam để đón Tết Tân Sửu
Buổi gói bánh chưng tập thể tại nhà anh Đỗ Văn Nam để đón Tết Tân Sửu

Ông Tuyến nói: “Gia đình tôi sinh sống ở Lào cũng đã bảy tám chục năm. Theo cổ truyền, bố mẹ tôi từng làm cho chúng tôi biết, trong ba ngày tết thì gói bánh chưng, bàn thờ ông bà tổ tiên phải sửa soạn chu đáo, hoa quả, bánh trái mua sắm cho đầy đủ. Hằng năm, chúng tôi tổ chức tết cho con cháu có chỗ sum vầy, vui vẻ; để con cháu nhớ về cội nguồn của ông bà, cha mẹ”.

Với bà con người Việt sinh sống tại Lào, bên cạnh việc dùng tiếng Việt trong giao tiếp để giữ gìn tiếng mẹ đẻ, thì việc gìn giữ phong tục, lễ tết là cách tốt nhất để giáo dục cho con cháu về đạo đức làm người, về truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc. Bởi ai cũng hiểu rằng, mất văn hóa là mất cội nguồn.

Tôi gặp bà Biện Thị Kỷ – Việt kiều quê gốc Nghệ An – khi bà đang mua hương hoa ở chợ Tết Phonexay về cúng Tết. Bố mẹ sang Lào lập nghiệp từ những năm 1930 và sinh ra anh chị em bà. Là thế hệ thứ hai sinh sống tại Lào, bà Kỷ luôn nhớ như in những lời dạy của cha mẹ về văn hóa, phẩm cách làm người. Gặp bà nhiều lần ở các hoạt động cộng đồng như quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, làm từ thiện, việc gì bà cũng tham gia rất nhiệt tình. Tết này, bà ủng hộ 2 tạ gạo nếp, 70 Kg đỗ xanh để Hội người Việt gói bánh chưng tặng người nghèo ăn tết. Với bà Kỷ, đi đâu, làm gì, phải luôn nhớ mình là con dân nước Việt. Mà việc duy trì những phong tục, lễ tết là cách tốt nhất để giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc.

Áo dài dân tộc luôn là nét đẹp văn hóa của người Việt tại Lào
Áo dài dân tộc luôn là nét đẹp văn hóa của người Việt tại Lào


Bà Kỷ chia sẻ: “Bố mẹ sinh chúng tôi trên đất nước Lào. Bố mẹ luôn luôn dạy chúng tôi giữ truyền thống của con người Việt Nam, sống với bạn cho trọn tình trọn nghĩa, cống hiến cho nước bạn cũng như cho Tổ quốc mình. Luôn luôn giữ gìn truyền thống, không bỏ một thứ gì, từ giỗ tết trong gia đình đến Giỗ Tổ Hùng Vương, vẫn phải nhớ đến đất nước quê hương mình. Dù có học văn hóa của đất nước bạn nhưng con cháu chúng tôi vẫn học chữ Việt, trong nhà vẫn nói tiếng Việt.Trong trái tim của chúng tôi luôn tự hào mình mang dòng máu Việt, một đất nước Việt Nam anh hùng và dũng cảm”.

Bà Biện Thị Kỷ – Việt kiều tại Lào mua hương về cúng Tết
Bà Biện Thị Kỷ – Việt kiều tại Lào mua hương về cúng Tết

Không chỉ lớp người lớn tuổi, nhiều người trẻ sang Lào lập nghiệp chừng vài mươi năm trở lại đây cũng luôn ý thức gìn giữ văn hóa, phong tục truyền thống dân tộc. Buổi gói bánh chưng, bánh tét do anh vợ chồng anh Đỗ Văn Nam ở bản Na xay, mương Saysettha tổ chức dịp tết năm nay với sự tham gia của khoảng mười gia đình trẻ thật đông vui và ý nghĩa.

Anh Đỗ Văn Nam cho biết: “Năm nay không về quê ăn tết, tôi tổ chức gói bánh chưng để bà con quây quần, một phần là để gắn kết bà con người Việt Nam sinh sống tại Lào, một phần cũng để bà con nhớ về cái Tết quê hương, nhớ về ông bà tổ tiên, đất nước Việt Nam. Tôi xin chúc bà con Việt Nam mạnh khỏe, nhà nhà hạnh phúc. Chúc đất nước luôn phát triển phồn vinh. Mong sao dịch Covid-19 chóng hết để bà con được về thăm quê hương”.

Phụ nữ Việt Nam ở Hội chợ Tết Tân Sửu tại Lào
Phụ nữ Việt Nam ở Hội chợ Tết Tân Sửu tại Lào

Ngoài Tổng hội người Việt Nam tại Lào, Thành hội người Việt Nam thủ đô Vientiane, các Câu lạc bộ Mekong, Câu lạc bộ đồng hương Xiêng khoảng, Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghệ – Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình… cũng là nơi để bà con Việt kiều tại Lào giao lưu, gắn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, qua đó nhắc nhở nhau gìn giữ phong tục tập quán, văn hóa truyền thống dân tộc. Thật trân quý làm sao khi ở xa Tổ quốc, chúng ta vẫn được nhìn thấy những phụ nữ Việt Nam duyên dáng trong chiếc áo dài thướt tha, hay hình ảnh các bà, các chị giản dị, mặn mà trong chiếc áo bà ba, nón lá ở phiên chợ Tết được tổ chức nhân dịp đón năm mới. Với người Việt xa quê, gìn giữ nét đẹp của Tết cổ truyền chính là gìn giữ văn hóa truyền thống, gìn giữ hồn cốt quê hương.

(Nguồn: Truyenhinhdulich)

TAGS

Thấy bánh chưng là thấy Tết!

Lan Hạ |

Bánh chưng không chỉ là bánh chưng, nó còn là sự thách thức độ vững bền của cả nền tảng văn hóa trước sự biến động của thời cuộc.

Chiếu rượu Tết của người Vân Kiều Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Giữa đại ngàn Trường Sơn thâm u ở miền tây Quảng Trị, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều có nhiều tập tục còn giữ nguyên dù trước những đổi thay của cuộc sống…

Chiều mùng 2 Tết, có 53 ca mắc COVID-19, riêng trong nước ghi nhận 49 ca

Thái Bình |

Bản tin 18h ngày 13/2 - tức chiều mùng 2 Tết của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có 53 ca mắc COVID-19, trong đó 49 ca ghi nhận trong nước tại Hải Dương (47 ca), TP Hồ Chí Minh (2 ca); có 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Phóng sự ảnh: Đón Tết thời COVID-19

Trần Tuyền |

Chỉ còn hai ngày nữa là đến tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong không khí giao mùa của những ngày cuối năm, nhà nhà, người người tất bật đón Tết. Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, người dân trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đón Tết cổ truyền bằng tinh thần tự giác  tuân theo khuyến cáo, hướng dẫn phòng, chống dịch của cơ quan chức năng…