Nỗ lực giữ rừng từ những việc làm nhỏ

Nam Phương |

Không chỉ là tấm gương về nỗ lực thoát nghèo, anh Hồ Văn Toàn (sinh năm 1985), ở thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông còn tiên phong trong việc bảo vệ tài nguyên xanh cho quê hương. “Rừng cho chúng tôi cây măng, cây thuốc. Giữ rừng là giữ “hơi thở”, nguồn sống của thế hệ hôm nay và mai sau”, anh Toàn bộc bạch.

 
  Anh Hồ Văn Toàn trong một chuyến đi tuần tra rừng -Ảnh: N.P

Khuôn mặt tôi đỏ gay, mồ hôi làm ướt một mảng áo sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt quãng đường gập ghềnh, lội qua con suối lởm chởm đá to, đá nhỏ để đến khu rừng “gần nhất” theo lời giới thiệu của anh Toàn. Trái lại, anh vẫn bước băng băng về phía trước và cho biết: “Đây mới chỉ là đoạn đường rất ngắn so với những chuyến tuần tra rừng định kỳ mà anh em chúng tôi đã thực hiện trong mấy năm qua”.

Sinh ra và lớn lên ở miền núi, anh Toàn không chỉ quen thuộc từng ngóc ngách bên trong những cánh rừng sâu hun hút mà còn hiểu rõ giá trị của rừng. Do đó, anh luôn nỗ lực giữ rừng bằng việc làm nhỏ nhất.

Từ nhành hoa, ngọn cỏ đến cây cổ thụ lâu năm đều được anh nâng niu gìn giữ. Sau khi được Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông hợp đồng khoán trồng, bảo vệ rừng rồi tiếp tục tham gia vào Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Gia Giã, anh càng miệt mài tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân trong vùng, biến họ trở thành những người bạn đồng hành giữ rừng cùng mình.

Được biết, Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn được thành lập từ năm 2019 với 40 thành viên, chia làm 8 nhóm nhỏ. Đều đặn 4 lần/tháng, tổ này có nhiệm vụ thực hiện tuần tra rừng nhằm kịp thời phát hiện các cá thể sinh vật mới trong rừng; đồng thời ngăn chặn các đối tượng có hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. “Việc tuần tra thường kéo dài từ 2 - 3 ngày/lần, phải ở lại qua đêm trong rừng nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì được chung tay bảo vệ lá phổi xanh của cộng đồng”, anh Toàn tâm sự.

Trong những năm tháng thực hiện nhiệm vụ của mình, anh từng đối mặt với nhiều hiểm nguy xảy ra bất ngờ trong rừng sâu. Đến nay, anh Toàn vẫn nhớ như in một lần cùng lực lượng chức năng truy quét các đối tượng phá rừng vào cuối năm 2019. Thời điểm đó, anh đang cùng các thành viên thực hiện tuần tra rừng như thường lệ thì gặp một nhóm người đang khai thác lâm sản trái phép. Ngay lập tức, anh đã báo cáo với cán bộ kiểm lâm, tham gia cùng lực lượng chức năng chặn bắt các đối tượng tại Khe Luồi. Thành công trong cuộc truy đuổi hôm ấy đã giúp anh có thêm niềm tin, động lực để thực hiện tốt hơn công việc của mình.

Không chỉ nêu gương trong bảo vệ rừng, anh Toàn còn được người dân trong thôn yêu mến, quý trọng bởi tinh thần vượt khó, quyết không để cái nghèo khuất phục. Trưởng thôn Gia Giã Hồ Văn Vinh nhận xét: “Anh Toàn là người cần mẫn, luôn nỗ lực hết mình trong công việc lẫn cuộc sống. Nhờ vậy mà từ trong khó khăn, anh đã thành công vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2024. Đây là tấm gương được nhiều người dân địa phương học hỏi”.

Được biết sau kết hôn, cuộc sống của vợ chồng anh Toàn đối mặt với nhiều thách thức. Thu nhập từ việc làm nương, làm rẫy chỉ đủ trang trải cho những chi phí sinh hoạt thường nhật. Không cam chịu đói nghèo mãi, anh đầu tư công sức, tiền của vào trồng tràm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, chỉ sau 5 năm, anh đã có nguồn thu lớn từ mô hình kinh tế này.

Theo anh Toàn, kỹ thuật trồng tràm đơn giản, thời gian đầu chỉ cần chăm chỉ bón phân, làm cỏ để cây phát triển tốt. Trung bình 5 năm, tràm cho khai thác 1 lần. Từ vài héc ta rừng nhỏ lẻ, đến nay vợ chồng anh mở rộng diện rừng tràm lên 7 ha, đã cho thu hoạch 2 lần.

Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn làm chuồng trại nuôi 20 con dê; nuôi thêm gà, vịt để tăng thu nhập, cải thiện bữa ăn. Để dê phát triển đàn tốt, anh làm chuồng trại, chăm chỉ cùng vợ hái lá rừng về cho dê ăn.

Đến nay, tổng thu nhập của gia đình anh Toàn đạt từ 60 - 70 triệu đồng/năm. “Tôi nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe thì phải phấn đấu để thoát nghèo, để phần hỗ trợ của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân hảo tâm cho những mảnh đời bất hạnh khác. Cuộc sống của gia đình tuy chưa dư dả song tôi có đủ điều kiện để chăm sóc 3 người con đang tuổi ăn, tuổi học của mình”, anh Toàn nói.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

250 ha đất rừng xâm canh của người dân Hải Chánh sắp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Quang Hải |

Ngày 10/6, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Quang Sinh cho biết, đơn vị đo vẽ đã phối hợp các hộ dân có đất rừng xâm canh trên đất xã Phong Mỹ, phường Phong Điền, TP. Huế đo vẽ để tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Lê An |

Chiều ngày 3/6, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh (Ban Chỉ đạo 809) đã đi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2025.

Hợp tác về quản lý bảo vệ rừng khu vực biên giới

Tân Nguyên |

Tỉnh Quảng Trị có 187,864 km biên giới giáp với nước bạn Lào. Là khu vực có tiềm năng lớn về lâm nghiệp, chỉ số đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, trên tuyến biên giới này có 2 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu phụ và 84 đường mòn, lối mở, nơi đi lại, giao lưu, trao đổi thương mại hàng hóa giữa cư dân 2 nước. Với địa hình và hệ thống giao thông khá thuận lợi, khu vực này cũng là điểm tập kết, trung chuyển buôn bán nhiều loại lâm sản và động vật hoang dã.

Chuyển đổi mục đích sử dụng 39,23 ha rừng trồng để thực hiện 3 dự án

Quang Hải |

Ngày 2/6, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam ký quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển mục đích sử dụng 39,23 ha rừng trồng để thực hiện 3 dự án trên địa bàn thị xã Quảng Trị.