Phát triển giá trị thương hiệu

Võ Thái Hòa |

Chỉ dẫn địa lý không chỉ là công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mà còn là minh chứng cho chất lượng, uy tín và danh tiếng của những sản phẩm gắn liền với vùng đất, khí hậu, con người - nơi sản phẩm được tạo ra. Đối với tỉnh Quảng Trị, những sản phẩm như: tiêu Quảng Trị, chè vằng Quảng Trị, cà phê Khe Sanh... không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn hàm chứa chiều sâu văn hóa, lịch sử và bản sắc địa phương.

 
Nông dân xã Cam Chính, huyện Cam Lộ tiếp tục mở rộng vùng trồng tiêu tạo sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý - Ảnh: V.T.H 
      

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, đăng ký bảo hộ và quảng bá các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị việc phát huy giá trị thương hiệu từ chỉ dẫn địa lý vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Công tác tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị... vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập ngày càng sâu rộng.

Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phát triển đối với các thương hiệu đã được công nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các hoạt động về lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: hội thảo (tháng 4/2025, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo nhân Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4 với chủ đề “Giá trị thương hiệu của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý: tiêu Quảng Trị, chè vằng Quảng Trị và cà phê Khe Sanh”) nhằm lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để hiểu rõ hơn giá trị thương hiệu từ chỉ dẫn địa lý; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các hợp tác xã, doanh nghiệp, địa phương.

Đề xuất các giải pháp thiết thực để quản lý, khai thác và phát triển hiệu quả các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của tỉnh, hướng đến thị trường trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động này, Sở Khoa học và Công nghệ ghi nhận được thêm nhiều sáng kiến, giải pháp và sự kết nối giữa các bên để cùng nâng cao vị thế cho nông sản Quảng Trị trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện tỉnh Quảng Trị có nhiều nông sản được xây dựng thương hiệu qua các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong đó, tiêu Quảng Trị, chè vằng Quảng Trị, cà phê Khe Sanh là những sản phẩm tiêu biểu đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý - một hình thức bảo hộ có giá trị cao và lâu dài. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của tỉnh vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần phải tập trung tháo gỡ.

Đó là việc quản lý, phát triển và quảng bá chỉ dẫn địa lý vẫn còn nhiều bất cập; chuỗi giá trị sản phẩm chưa được tổ chức đồng bộ; việc kết nối thị trường, áp dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu còn hạn chế; sự liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân vẫn chưa thật sự hiệu quả. Chính những khó khăn này làm cho một số thương hiệu loay hoay tìm hướng phát triển sau khi đã được cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý.

Hội thảo với chủ đề “Giá trị thương hiệu của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý: tiêu Quảng Trị, chè vằng Quảng Trị và cà phê Khe Sanh” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đã tạo ra được diễn đàn trao đổi học thuật và thực tiễn giữa các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất. Tại hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá khá toàn diện giá trị thương hiệu của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh.

Các ý kiến cũng chỉ rõ những rào cản, vướng mắc trong công tác quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, các chuyên gia, nhà quản lý đã đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao giá trị thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ - không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Ngọc Lân thông tin: Để phát triển tốt hơn các giá trị thương hiệu đã được cấp bằng bảo hộ sở hưu trí tuệ, nhất là các sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển hệ sinh thái tài sản trí tuệ tại địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản. Đồng thời, tăng cường năng lực bảo vệ và khai thác giá trị chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả và bền vững.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng hành của các chuyên gia, đặc biệt là sự hợp tác tích cực, đồng thuận từ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong tỉnh, hy vọng các nông sản thế mạnh của tỉnh đã được cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý sẽ phát triển giá trị thương hiệu bằng những giải pháp căn cơ và bền vững.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Cần bảo tồn và phát huy giá trị một di tích lịch sử cấp tỉnh

Minh Tuấn |

Di tích lịch sử về vụ thảm sát Hướng Điền, xã Tà Rụt, nơi ghi dấu một trong những chương bi thương và anh dũng nhất của lịch sử kháng chiến chống Pháp, lại đang dần rơi vào quên lãng giữa đại ngàn Trường Sơn. Nơi đây, Đảng Đại Việt thân Pháp đã tàn sát 94 đồng bào 2 thôn Tân Hiệp và Tân Lập, huyện Hướng Hóa năm 1955, trong đó có 7 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, những người tiên phong trong phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương. Dù đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, nhưng di tích này dường như mơ hồ trong tâm trí của người dân địa phương và thế hệ trẻ.

Cam Lộ, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử

Thanh Hải |

Trong dòng chảy lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mảnh đất và con người Cam Lộ vốn giàu truyền thống yêu nước, kiên trung, nghĩa tình, đã vinh dự hai lần được chọn mang sứ mệnh to lớn “Kinh đô kháng chiến”, đó là thành Tân Sở ở xã Cam Chính-nơi vị vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp và thành Vĩnh Ninh ở thị trấn Cam Lộ- nơi đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Cam Lộ là “miền sương ngọt”, đất lành nuôi dưỡng các phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng, nơi những người dân quê hiền lành, chất phác đã hóa thành anh hùng, dũng sĩ trên trận địa chống quân thù.

Phát huy tầm vóc, giá trị lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975, Quảng Trị vững bước đi lên

NGUYỄN ĐĂNG QUANG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị |

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh. Từ mốc son chói lọi này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị qua các thời kỳ đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng nỗ lực vượt khó, dựng xây quê hương ngày càng phát triển.