45 mùa hoa bên Lăng Bác

Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng ban Ban quản lý Quảng Trường Ba Đình |

“Trên quảng trường Ba Đình lịch sử, Lăng Bác uy nghi mà gần gũi. Cây và hoa khắp miền đất nước về đây tụ hội, đâm chồi, phô sắc, tỏa ngát hương thơm...”.

Để cây và hoa bên Lăng Bác luôn xanh tươi, toả ngát hương

Suốt 45 năm qua, có một đơn vị đã âm thầm, lặng lẽ làm mọi việc để cây và hoa bên Lăng Bác luôn xanh tươi và tỏa ngát hương thơm. Đó là Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình - đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu vực Lăng Bác có cảnh quan sạch đẹp, xứng tầm trung tâm văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Ảnh Thuý Hà
Khu vực Lăng Bác có cảnh quan sạch đẹp, xứng tầm trung tâm văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Ảnh Thuý Hà

45 năm trước, để duy trì, tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng Bác xanh, sạch, đẹp phục vụ nhân dân khách quốc tế về Lăng viếng Bác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/TTg ngày 15.10.1975 về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình; Ủy ban Hành chính TP Hà Nội (nay là UBND TP Hà Nội) đã ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TC ngày 16.12.1975 về việc thành lập Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình.

Nhiệm vụ ban đầu đặt ra đối với đơn vị là: “chăm sóc cây, cỏ, vườn hoa và trồng cây trong Quảng trường theo thiết kế”. Mọi công việc giữ gìn, tôn tạo, bố trí hàng ngàn cây cảnh, cây thế, cây hoa ở nơi Bác Hồ yên nghỉ phải đảm bảo tính khoa học với những yêu cầu nghiêm ngặt, công phu và tỉ mỉ nhằm làm nổi bật nội dung tư tưởng của kiến trúc Lăng Bác, thể hiện tính dân tộc, hiện đại, giản dị và trang nghiêm.

Sau nhiều lần cải tạo lớn và nhiều lần điều chỉnh, vườn Lăng đã được cải tạo và nâng cấp ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Năm 1995, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ khánh thành. Vườn hoa, cây cảnh của Đài tưởng niệm đã được bài trí theo thiết kế. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, duy trì chăm sóc cây hoa, cây cảnh đúng quy trình và biện pháp kỹ thuật;

Tháng 3 năm 1997, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã bàn giao nguyên trạng Ban quản lý Quảng trường Ba Đình cho Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giai đoạn này, nhiệm vụ duy trì chăm sóc vườn hoa cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới. Nhiều máy móc, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng được đưa vào sử dụng, góp phần giảm thiểu sức lao động thủ công, tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng lao động. Sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học đã góp phần nâng cao chất lượng cây trồng. Hệ thống tưới phun tự động các vườn thuộc khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình đã được triển khai thi công lắp đặt.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động được kiện toàn và ngày càng trưởng thành, cùng với sự tận tâm, tận tụy đã dần làm chủ trong trong các quy trình chăm sóc, cắt tỉa vườn hoa, cây cảnh. Ban luôn chú trọng cải tạo đổi mới phương thức trang trí cây hoa, cây cảnh, tổ chức xén tia tạo dáng, tạo thế các loại cây hoa, cây cảnh đạt tính thẩm mỹ cao, kỹ thuật cao, góp phần tôn tạo khu vực Lăng Bác và Quảng trường ngày càng đẹp hơn so với trước. Đồng thời, Ban tổ chức tiếp nhận an toàn các đôn chậu và chăm sóc tốt nhiều cây hoa, cây cảnh quý hiếm của các địa phương tổ chức và cá nhân trao tặng để phục vụ tôn tạo, trang trí khu vực Lăng.

Đóng góp thầm lặng, bền bỉ

Năm 2011, triển khai thực hiện Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ về “giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, nhiệm vụ chính trị của Ban đặt ra yêu cầu ngày càng cao, khối lượng công việc nhiều hơn. Ban đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, tôn tạo cảnh quan, duy trì, chăm sóc cây hoa, cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ; sản xuất cây hoa, cây cảnh, trang trí, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, đường Bắc Sơn, Khu đón tiếp nhân dân và các khu vực có liên quan, đã từng bước tạo dựng lên một quần thể không gian kiến trúc đồng bộ, bộ mặt cảnh quan khu vực đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân và du khách đến viếng Bác và tham quan, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Công nhân, người lao động chăm sóc hệ thống vườn Lăng và cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ. Ảnh Thuý Hà
Công nhân, người lao động chăm sóc hệ thống vườn Lăng và cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ. Ảnh Thuý Hà


Từ năm 2013, nhiệm vụ trang trí cảnh quan ở khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, chủ động xây dựng các phương án thiết kế, trang trí hoa trên các khu vực; nghiên cứu sắp đặt, bài trí đôn chậu cảnh, đưa các bồn hoa, chậu hoa vào trang trí tạo được điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn du khách, đặc biệt là tại khu vực trước Lăng và các tuyến phố đi bộ.

Những điểm mới trong trang trí ở khu vực Lăng thời gian vừa qua đã đảm bảo được sự hài hoà của vườn hoa, cây cảnh với công trình kiến trúc tuân thủ đúng tư tưởng chung được chỉ đạo từ khi xây dựng Công trình Lăng là đảm bảo tính "hiện đại, dân tộc, trang nghiêm và giản dị” tạo cảnh quan khang trang, hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều du khách đến viếng Bác và tham quan khu vực.

45 năm qua, việc duy trì, chăm sóc cây hoa, cây cảnh, cây xanh qua nhiều lần cải tạo, đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp, tính trang nghiêm của quần thể kiến trúc cảnh quan khu vực. Giờ đây, hệ thống vườn Lăng và cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ đã được quy hoạch, cải tạo hết sức khoa học, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ cao vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đến nay, Lăng Bác có cảnh quan sạch đẹp, xứng tầm trung tâm văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Ngày ngày, dòng người nối nhau đi trên Quảng trường Ba Đình thành kính vào Lăng viếng Bác, trong niềm xúc động được một lần nhìn thấy Bác, người dân Việt Nam và du khách quốc tế còn có thêm niềm vui vì được tận hưởng không gian văn hóa Quảng trường Ba Đình với không khí trong lành, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Cây và hoa của non sông gấm vóc cùng từng ngày dâng niềm tôn kính thiêng liêng theo đoàn người vào Lăng viếng Bác. Để góp phần tạo nên không gian văn hóa-chính trị đặc biệt đó, không thể không kể đến công lao đóng góp lặng thầm và bền bỉ của những cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Chùm ảnh: Nghi lễ thượng cờ chào mừng Quốc khánh 2/9 ở Lăng Bác

Minh Tú |

Hôm nay 2/9, nghi lễ thượng cờ chào mừng Quốc khánh 2/9 đã diễn ra tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiếu phim, văn nghệ mừng 74 năm đồng bào Vân Kiều – Pa Kô mang họ Bác Hồ

K.K.S |

Ngày 26/6/2020, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa, UBND xã Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị) tổ chức chiếu phim và giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 74 năm đồng bào Vân Kiều – Pa Kô mang họ Bác Hồ (1946 – 2020).

Lăng Bác Hồ - nơi hội tụ tình cảm, niềm tin

PV |

Thể theo ý nguyện thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, trong phiên họp sáng 29/11/1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định: Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Những di tích gắn với năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ ở Huế

PV |

Thừa Thiên-Huế tự hào là mảnh đất đã gắn bó với thời gian niên thiếu của Hồ Chủ tịch trong khoảng 10 năm (1895-1901 và 1906-1909), khi Bác và gia đình đến sinh sống, lao động, học tập tại Kinh đô.