20 năm “đưa đò” nơi miền ngược

Trúc Phương |

20 năm bám bản dạy học, chính tình yêu con chữ của những học sinh nghèo nơi rẻo cao Đakrông (Quảng Trị) là động lực lớn nhất để thầy giáo Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1975), Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) A Vao quyết tâm vượt khó gắn bó với nơi này. Đến nay, thầy vẫn luôn giữ cho mình nhiệt huyết như thuở ban đầu, cùng các đồng nghiệp từng ngày miệt mài “gieo chữ”, không ngừng đóng góp vào sự đổi thay của các bản làng ở vùng cao.

Bám bản dạy học

“Ngày Nhà giáo năm nay với tôi thật đặc biệt, bởi đây là năm thứ 20 tôi gắn bó với sự nghiệp giáo dục miền núi ở huyện Đakrông”, thầy Nguyễn Thanh Bình đã chia sẻ với tôi như thế khi chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình từ thị trấn Cam Lộ lên xã A Vao, huyện Đakrông.

Thầy Bình sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn tại thôn Cam Vũ 3, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhìn cách thầy cô truyền đạt kiến thức mỗi ngày, cậu bé Thanh Bình đã ao ước sau này lớn lên được trở thành một người thầy giáo, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Ước mơ đó của thầy rồi cũng trở thành hiện thực. Ngôi trường đầu tiên trong sự nghiệp trồng người của thầy Bình là Trường PTCS Húc Nghì (nay là Trường TH&THCS Húc Nghì). Nhưng Trường PTCS A Vao (nay là Trường PTDTBT TH&THCS A Vao) mới thực sự là nơi thầy gắn bó từ năm 2003 cho đến bây giờ.

Thầy Nguyễn Thanh Bình luôn quan tâm, sâu sát quá trình học tập của học sinh - Ảnh: T.P
Thầy Nguyễn Thanh Bình luôn quan tâm, sâu sát quá trình học tập của học sinh - Ảnh: T.P

Nhớ lại những ngày đầu lên đây công tác, thầy Bình không khỏi xúc động: “Dù đã xác định tâm lý từ trước là dạy học ở địa bàn miền núi sẽ khó khăn hơn nhiều so với đồng bằng nhưng khi đặt chân đến đây, tôi mới cảm nhận hết được sự khó khăn của các giáo viên vùng khó mà trước đó chỉ có dịp đọc trên báo hay xem ti vi. Tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa”.

Xã A Vao ngày ấy thiếu thốn, khó khăn trăm bề, nhất là hệ thống giao thông, đường sá đi lại vào những ngày mưa lũ, ngày mùa đông. Từ trung tâm xã Tà Rụt muốn vào điểm chính của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS A Vao phải đi men theo lối mòn giữa rừng rồi trèo đèo, lội suối mất gần nửa ngày trời. Tuy gọi là điểm trường chính nhưng nơi đây cũng chỉ có 3 phòng học được xây dựng bằng bê tông bán kiên cố. Các phòng học còn lại đều được dựng lên bằng tranh tre nứa lá. Vào được điểm trường chính đã khó, từ đó lên các điểm trường lẻ như Kỳ Nơi, Pa Ling hay A Sau... còn gian nan hơn. Thầy cô phải vượt hết ngọn đồi dốc cao dựng đứng này đến những vực sâu thăm thẳm khác mới đến nơi.

Nhưng ngần ấy chưa là gì so với việc vận động các em học sinh đi học. Do đời sống còn khó khăn nên phụ huynh nơi đây chưa quan tâm tới việc cho con em đến trường, vì thế các thầy cô phải cùng với ban cán sự thôn luôn tăng cường công tác vận động. Nhiều năm gắn bó với vùng khó A Vao, thầy Bình dường như đã quá quen với những cung đường dẫn xuống bản, vào từng ngôi nhà sàn. Đến nay, thầy không nhớ rõ đã bao nhiêu lần ngược suối, băng rừng vận động học sinh đi học. Chỉ biết rằng, sau đó, nhiều học sinh đã quay lại trường, tiếp tục theo đuổi con chữ.

Chúng tôi hỏi thầy Bình: “Khó khăn như thế, sao thầy vẫn tiếp tục ở lại?”, thầy cười hiền lành, nói: “Lắm lúc cũng muốn bỏ cuộc nhưng rồi tôi không đành lòng. Nhìn thấy sự vất vả, thiệt thòi của học sinh vùng cao và những đôi mắt “khát chữ” ấy, tôi lại tự động viên mình cố gắng, quyết tâm bám bản dạy học”.

Có lẽ chính niềm say mê với nghề và tình yêu học sinh ấy đã giúp thầy Bình vượt qua mọi khó khăn, cản trở. Nhiều năm đứng trên bục giảng, thầy vẫn dạy học một cách hăng say, luôn tìm những cách truyền đạt mới mẻ, phương pháp dạy học sáng tạo để tạo nên những tiết học lý thú, bổ ích, thu hút các em học sinh. Nơi miền sơn cước ấy tuy khó khăn nhưng cả thầy Bình và các thầy cô giáo khác luôn cảm nhận trọn vẹn tình cảm yêu thương, kính trọng của người dân bản làng. Từ người già đến người trẻ đều gọi một tiếng cô, hai tiếng thầy, trong nhà có gì ngon đều đem biếu nên bao nhiêu gian khó, nhọc nhằn cũng như tan biến đi.

Nỗ lực mang đến đổi thay

Được biết những năm trở lại đây, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các tổ chức, chính quyền cùng người dân địa phương, hệ thống giao thông, cơ sở vật chất tại xã A Vao đã được cải thiện đáng kể. Diện mạo của Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao cũng dần thay đổi so với trước. Từ năm 2007, khi được bổ nhiệm làm hiệu phó nhà trường (đến tháng 7/2019 được bổ nhiệm làm hiệu trưởng), thầy vẫn luôn nỗ lực cống hiến, thường xuyên tham mưu với chính quyền địa phương và các ban, ngành cấp trên tạo mọi điều kiện để giáo viên, học sinh của trường có được một môi trường dạy - học tốt nhất.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao có nhiều sự thay đổi về diện mạo - Ảnh: T.P
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao có nhiều sự thay đổi về diện mạo - Ảnh: T.P

Cùng với đó, thầy Bình cũng đã tận dụng các mối quan hệ của mình để kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ lắp đặt trang thiết bị dạy học, xây dựng công trình vệ sinh, nhà ở nội trú cho giáo viên và học sinh tại các điểm trường lẻ... 

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao hiện có 7 điểm trường, bao gồm 1 điểm trường chính, 6 điểm trường lẻ với tổng cộng 738 em học sinh và 64 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hầu hết các điểm trường đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp; các phòng học tại điểm trường chính được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị như ti vi 55 inch, máy tính bàn, máy chiếu... để phục vụ tốt cho việc dạy và học. Những ngôi nhà công vụ trước đây được người dân dựng bằng tre, nứa cho giáo viên ở nay đã được xây dựng lại cao ráo, kiên cố. Để ngôi trường có được diện mạo như ngày hôm nay nhờ một phần đóng góp không nhỏ của thầy giáo Nguyễn Thanh Bình.

Giới thiệu với tôi về ngôi nhà bán trú học sinh của trường, rộng 300 m2 do các cá nhân hảo tâm tại Hà Nội trao tặng vào năm 2018 với tổng trị giá 600 triệu đồng, thầy Bình cho hay: “Là một người có nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao, tôi hiểu rằng, việc vận động các em học sinh đến trường đã khó, giữ các em ở lại học tập lại càng khó hơn. Vậy nên để con đường đến trường của các em được thuận lợi, chúng tôi đã tổ chức cho 61 em học sinh người dân tộc thiểu số Pa Kô sống tại các bản xa được ở lại trường. Đồng thời hỗ trợ, trích kinh phí để thuê người nấu ăn cho các em; phân công các nhóm giáo viên quan tâm, theo dõi sâu sát, đảm bảo chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ… của các em học sinh”.

Nhà của em Hồ Thị Trang, lớp 9C ở tận thôn Pa Ling, cách trường hơn 20 km. Trước đây em chỉ có thể đi học đầy đủ vào mùa nắng, những hôm trời mưa lớn quá, đường lầy lội thì đành phải ở nhà. Từ khi được ở lại trường, con đường theo đuổi cái chữ của Trang trở nên thuận lợi hơn. Trang tâm sự với chúng tôi: “Mấy hôm đầu ở lại, em rất nhớ nhà nhưng giờ thì quen rồi. Ở đây không chỉ có các thầy, cô mà cả thầy hiệu trưởng cũng rất để ý, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của chúng em. Ai thiếu sách vở hay các đồ dùng sinh hoạt khác thầy đều hỗ trợ ngay. Chúng em cảm thấy rất vui và hạnh phúc”.

Cũng giống như Trang, Hồ Văn Đúp, nhà ở thôn A Sau phải đi bộ 21 cây số để đến trường. Em cho biết nếu không có sự động viên kịp thời của thầy Bình cùng các thầy cô khác, có lẽ em đã nghỉ học từ lâu. “Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này được đi dạy như các thầy cô”, Đúp nói. Ngoài ra, em cũng tự hào khoe với tôi mình là “giáo viên” dạy tiếng Pa Kô cho thầy cô trong trường. Thông thường tranh thủ giờ giải lao hoặc sau giờ cơm tối, thầy Bình cùng các thầy cô và một số học sinh tập trung trước sân để trò chuyện bằng tiếng Pa Kô.

Nếu thầy Bình xem A Vao như ngôi nhà thứ 2 của mình mà nỗ lực cống hiến, thì với các đồng nghiệp, thầy như một người anh cả luôn quan tâm, yêu thương các em. Thầy giáo Hà Ngọc Hiếu, giáo viên tiểu học của trường cho biết: “Thầy Bình không chỉ là một người giỏi chuyên môn, có tinh thần cầu thị mà còn luôn tạo môi trường, cảm hứng để chúng tôi thực hiện tốt nhất mục tiêu dạy và học của mình. Trong cuộc sống thường ngày, thầy Bình cũng rất mực quan tâm đến đội ngũ giáo viên của trường. Sự động viên, chia sẻ kịp thời của thầy đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn để bám bản dạy học, tiếp tục sứ mệnh mang con chữ đến với trẻ em vùng khó”.

Tranh thủ giờ giải lao, thầy Nguyễn Thanh Bình cùng học sinh trò chuyện để hiểu hơn về cuộc sống của các em - Ảnh: T.P​
Tranh thủ giờ giải lao, thầy Nguyễn Thanh Bình cùng học sinh trò chuyện để hiểu hơn về cuộc sống của các em - Ảnh: T.P​

Suốt 20 năm công tác tại A Vao, dù đảm nhiệm bất kỳ vị trí nào, thầy giáo Nguyễn Thanh Bình cũng đều hết lòng tận tâm, tận tụy với công việc, được sự yêu quý của đồng nghiệp, học sinh và người dân thôn bản. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông Nguyễn Sỹ Huấn đánh giá: “Cũng như nhiều giáo viên khác, thầy Bình đã có một khoảng thời gian dài gắn bó với địa phương vùng khó A Vao. Trong quá trình công tác, thầy đã luôn nỗ lực hoàn thiện về chuyên môn, nâng cao bản lĩnh chính trị, có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục của xã A Vao nói riêng và toàn huyện nói chung. Thầy chính là một trong những tấm gương để các thế hệ giáo viên học tập và làm theo”.

Tuy đạt được nhiều thành tích quan trọng trong suốt những năm tháng cống hiến tại vùng cao nhưng niềm vui lớn nhất của thầy Bình chính là được nhìn thấy các thế hệ học trò lớn lên, thành đạt trên con đường học vấn. “Với tôi, A Vao như là quê hương thứ 2 của mình nên tôi muốn nỗ lực hơn nữa để đưa những học sinh nơi đây vươn xa tới những chân trời tri thức mới”, thầy Bình bộc bạch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

‘Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi’

Nguyễn Đức |

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi! Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để các em nỗ lực học tập tốt, rèn luyện tốt..."

Chia sẻ cùng thầy cô - Tôn vinh những hy sinh thầm lặng

Nhật Nam |

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay tập trung tuyên dương các giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch COVID-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Nguyễn Hồ Tây Phương - Người thầy đặc biệt

Nguyễn Trang |

Giáo viên mầm non là công việc của nữ giới, điều đó không có quy định nhưng gần như là mặc định. 

Người thầy tình nguyện ở lại các điểm trường khó khăn

Nam Phương |

Trong chuyến công tác gần đây tại xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị), chúng tôi xúc động khi nghe thầy Nguyễn Hoài Phương (sinh năm 1979), giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) A Vao tâm sự: “Nếu chúng tôi không xung phong lên dạy tại các điểm trường lẻ, những đứa trẻ tội nghiệp nơi miền biên giới này sẽ mãi không biết đến con chữ”. Có lẽ vì lý do đó mà suốt mười mấy năm qua, dù có cơ hội thuyên chuyển công tác nhưng thầy vẫn tình nguyện ở lại, nỗ lực bám bản, bám lớp để giúp học sinh vùng cao có một tương lai tươi sáng hơn.