Buồn vui nghề “làm đẹp cho đời”

Thu Thảo |

Kinh doanh hoa tươi là một nghề khá phát triển ở các đô thị hiện nay. Hoa theo người đi vào ngõ ngách của từng ngôi nhà, vào các bữa tiệc rượu đầm ấm, hoa mang cả tấm chân tình, lòng nhiệt thành của người tặng xen lẫn những xúc cảm buồn vui của người nhận quà. Gói gọn trong hoa còn là sự thổn thức, niềm tâm huyết của người bán hoa, những người được ví là “làm đẹp cho đời”.

Mỗi bó hoa, mỗi câu chuyện

Nằm ở một góc đường Hàm Nghi, TP. Đông Hà (Quảng Trị), quầy hoa tươi của chị Nguyễn Thị Tuyết luôn tấp nập khách hàng ghé mua hoa mỗi dịp lễ đến. Ngoài nghề làm đẹp vốn có, chị Tuyết chỉ bày bán hoa vào những ngày lễ quan trọng với nhiều người như ngày lễ tình nhân 14/2, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hơn 15 năm trải nghề là khoảng thời gian đủ để chị có những chiêm nghiệm đầy thú vị.

Tỉ mẫn trang trí những lẵng hoa đẹp nhất để trao đến tay khách hàng, chị Tuyết tâm sự với chúng tôi về những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống, thông qua số phận của những bó hoa.

Chị Trần Huyền, chủ quán hoa Hana 74 tỉ mẫn trang trí những lẵng hoa tươi cho khách -Ảnh: T.T
Chị Trần Huyền, chủ quán hoa Hana 74 tỉ mẫn trang trí những lẵng hoa tươi cho khách -Ảnh: T.T

Theo chị Tuyết, mỗi một dịp lễ, việc tặng hoa lại đi kèm với những câu chuyện mang ý nghĩa riêng. Là một quầy hoa nhỏ, bình dân, chủ yếu phục vụ cho học sinh, chị Tuyết nhớ lại hình ảnh những bạn học sinh nhỏ tuổi vừa lựa hoa, vừa căng thẳng cân đo, đong đếm xem mua sao cho đủ tiền mà vẫn có hoa đẹp tặng thầy cô. Có những khi bó hoa có giá 100.000 đồng, mà những cô cậu học trò nhỏ thì cầm một xấp tiền lẻ với các tờ mệnh giá từ 1.000-2.000 đồng khiến chị vừa buồn cười, vừa thấy thương, đành phải giảm giá cho các cháu.

Nghe chị tâm sự, tôi lại bồi hồi nhớ về một thời, lũ học sinh cấp 2 chúng tôi tất tả đạp xe quanh thị xã Đông Hà thời đó để tìm được một bó hoa đủ đẹp, đủ to nhưng phải đảm bảo rẻ để đến thăm nhà thầy cô. Đứa nào đứa nấy đèo nhau mồ hôi nhễ nhại, nhưng trong lòng ngập tràn sự hào hứng, phấn khởi. Hay hình ảnh những em bé vùng sâu, vùng xa hái bông lau, cỏ dại tặng thầy cô với ánh mắt long lanh, chứa chan bao niềm thương mến.

Khác với dịp lễ 20/11, những ngày lễ dành cho phụ nữ, hay lễ tình nhân là thời gian để cảm nhận rõ nhất những hỉ, nộ, ái, ố của bức tranh cuộc sống. Theo chị, thông qua những ngày lễ đó mới hiểu được người phụ nữ được yêu thương, được trân quý đến nhường nào. Có những bạn cấp 1, cấp 2 còn rất nhỏ, chạy đến hỏi giá 1 bông hoa để mua tặng mẹ, tặng chị. Giá mỗi bông hồng nhung đỏ chỉ có 10.000 đồng nhưng có lần, có một cậu bé mếu máo “Con chỉ còn 7.000 đồng thôi dì ơi!”, khiến chị bật cười rồi miễn phí cho cậu bông hoa mang về tặng mẹ.

Lần khác, chị gặp một người đàn ông trẻ tuổi, trên tay đang bế con thơ. Anh bảo: “Chị bán cho em một bó hoa cho con em mang về thắp hương cho mẹ nó”. Chị Tuyết giật mình, nghĩ người thanh niên này nói đùa, thì anh tiếp lời: “Vợ em vừa mất, nhưng em không biết trước đó vợ mình hay mua hoa gì nên nhờ chị chọn cho em một bó”. Chị vừa gói hoa, vừa trò chuyện, rồi hai hàng nước mắt lăn dài trên má lúc nào không hay, người đàn ông vì thế òa lên nức nở.

Có những người chồng và đứa con trai không biết cắm hoa, nên mang cả bình đến nhờ chị cắm để mang về tặng vợ, tặng mẹ. Cũng có những người đàn ông, phụ nữ đầu tóc hoa râm đến mua lẵng hoa hồng trắng rực rỡ để đặt lên bàn thờ người bà, người mẹ quá cố của mình. Những lúc như thế, chị tự nhủ thầm: “Cuộc đời này thật dễ thương và đáng sống biết bao!”.

Thông qua những câu chuyện chị Tuyết kể, tôi cảm tưởng những đóa hồng gai, cẩm tú cầu, hướng dương hay thạch thảo dường như không còn là những cánh hoa vô tri vô giác, mà chan chứa bao tình cảm của người mua nó để tặng cho những người mình yêu quý nhất. Đôi khi dù chỉ một bông hoa cũng chứa đựng một biển cả tình thương bao la.

Nghề nhiều rủi ro

Kinh doanh hoa tươi là một nghề khá bấp bênh và nhiều rủi ro. Bởi không phải lúc nào, các chủ cửa hàng hoa cũng tiêu thụ hết số lượng hoa, hoặc không phải dịp nào cũng nhập đủ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Các chủ kinh doanh luôn phải cân nhắc về thời tiết, tình hình kinh tế, trừ hao những sản phẩm không dùng được do vận chuyển để tính toán lượng hàng nhập về hay trường hợp phát sinh.

Chị Trần Huyền, chủ quầy hoa Hana 74 nằm trên đường Tôn Thất Thuyết, TP. Đông Hà chia sẻ: “Thẩm mỹ, thị hiếu của người dân ngày càng cao, đòi hỏi những bông hoa phải to, đẹp, sang trọng, nhã nhặn, nên đôi khi mình phải ưu tiên chọn hoa nhập ngoại, hoặc hoa từ các vựa lớn ở Đà Lạt là chủ yếu, bởi ở Quảng Trị không có nguồn cung thực sự chất lượng. Do đó, hoa phải được vận chuyển bằng xe lạnh từ Đà Lạt về, trường hợp vận chuyển bằng xe khách thường, hoa dễ bị rụng cánh và hư hỏng”.

Theo chị, mỗi lượt hoa sau khi chuyển về sẽ phải bỏ đi khá nhiều, mỗi bó tầm 50 bông thì cũng phải loại bỏ đến 8-9 cành. Hơn nữa, thời tiết ở khu vực miền Trung khá khắc nghiệt. Mùa hè trời nóng, khô do gió Lào khiến hoa dễ hư hỏng, còn mùa đông nếu không xử lý kịp thời hoa sẽ nhanh bị lầy. Đặc biệt, thời tiết ở Đà Lạt đang vào giai đoạn chuyển mùa, rất thất thường nên chất lượng hoa giảm, bị sâu rầy, dịch bệnh, hoa om cánh nên các thương lái từ miền Bắc hay miền Tây thường tranh giành đấu hoa khiến giá cả đội lên rất nhiều.

Ngày nay, mọi người thường có xu hướng tặng quà sớm. Nắm bắt được nhu cầu đó, các chủ nhà vườn đẩy giá lên cao, chẳng hạn như từ ngày 14 đến 18 của dịp lễ 20/10 hay 20/11, giá hoa bị đẩy lên cao chóng mặt. Một bó hoa bình thường chỉ dao động trong khoảng 200 - 300 ngàn đồng, dịp này có giá đến tận 500 - 700 ngàn đồng/bó vào dịp lễ. Nhưng theo suy nghĩ mặc định của nhiều khách hàng, do chưa vào lễ nên với giá như vậy là đắt đỏ. Đến chiều 19 khi giá hoa bắt đầu hạ vì các mối bán hoa ở hai đầu đất nước không nhập nữa thì lúc đó nhu cầu mua hoa của khách hàng đã hạ nhiệt.

Đặt nhu cầu khách hàng lên đầu

Trên thực tế, lượng mua hoa của người dân ở TP. Đông Hà còn thấp, trong khi nhiều quầy hoa cùng cung cấp dịch vụ nên sự cạnh tranh khá cao. Muốn phát triển được sản phẩm của mình, các quầy hoa tươi lớn phải đẩy mạnh việc quảng cáo, làm hình ảnh, giao hàng miễn phí cho khách. Điều này đòi hỏi cửa hàng phải chi một khoản tiền lớn để làm thương hiệu ngoài những chi phí cố định phải trả như thuế, nhân viên và mặt bằng kinh doanh.

So với những cửa hàng lớn đã có uy tín, đa số những quầy hoa nhỏ thường kinh doanh theo hình thức tự phát, không bài bản nên chỉ bày bán vào một vài ngày lễ lớn trong năm. Chị Phan Thị Mỹ Nhung, kinh doanh hoa thời vụ ở một góc chợ Phường 5, TP. Đông Hà, cho hay: “Có những lúc hoa đắt do dịch bệnh, do thời tiết, vận chuyển khó khăn buộc người bán phải tăng giá để có lời nhưng nhiều khách hàng không hiểu nên ra sức kỳ kèo từng đồng một. Có hôm ngồi cả buổi chiều vẫn không bán được bông nào nên tôi phải dọn dẹp về sớm”.

Dân gian có câu “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, quả đúng không sai. Hoa tươi là một thứ gì đó rất mỏng manh, dễ hư hỏng, khó bảo quản và cũng nhanh tàn. Gặp thời tiết bất lợi thì hoa khó mà giữ lâu được. “Như dịp 20/10 vừa rồi, ngày 18 thì chưa đến lễ, 19 lại mưa tầm tã, ngày 20 thì nghe tin bão vào. Thế là hết luôn cái lễ. Cuối cùng chỉ biết đem hoa đi cho, tặng. Những người có cửa hàng thì tránh mưa, tránh gió cũng đỡ vất vả, những người ngồi ngoài đường như mình thì mưa đến mặt nắng đến đầu nên vận chuyển nhiều cũng không có sức, có khi để mặc cho hoa “tắm” nước mưa luôn. Người kinh doanh hoa tươi cũng như nông dân vậy, luôn mong cho mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi”, chị Nhung lắng giọng kể.

Những đóa hoa hồng ngoại ngày càng được nhiều khách hàng tại TP. Đông Hà ưa chuộng -Ảnh: T.T
Những đóa hoa hồng ngoại ngày càng được nhiều khách hàng tại TP. Đông Hà ưa chuộng -Ảnh: T.T

Đồng cảm với những khó khăn của nghề bán hoa tươi, chị Trần Huyền chia sẻ thêm: “Có những lúc khách điện đặt hoa lúc 22 giờ để gửi đi xa vào sáng sớm hôm sau. Lúc đó, hoa tươi không đủ nên mình phải gom hoa từ các shop lân cận, thế là loay hoay suốt đêm chuẩn bị để kịp cho khách lấy sớm vào sáng mai. Làm nghề dịch vụ, phải đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu”.

Có những hôm, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, chị Huyền phải tất bật chuẩn bị hoa từ tối đến đêm, rồi từ đêm đến sáng, có những lúc hai vợ chồng chị thức trắng 2 đêm liền để chuẩn bị hoa cho dịp 27/7. Nhớ đến những lần như thế, chị chia sẻ: “Chỉ có đam mê mới dẫn dắt mình vượt qua được những vất vả ấy. Ai đam mê mới làm được, không đam mê thì không làm được và không thể theo được nghề này”. Mỗi lần cắm được một lẵng hoa có hồn, khách hàng nhận hoa vui vẻ, hài lòng, chị Huyền lại thấy mình có thêm nhiều hứng thú và tâm trạng thoải mái hơn để tiếp tục say sưa cắm hoa, làm đẹp cho đời.

Nghề kinh doanh hoa tươi là một công việc đầy tính sáng tạo, khéo léo và những người cắm hoa được ví như những “nghệ sĩ”. Qua lăng kính của người thợ cắm hoa, bức tranh cuộc sống hiện lên một cách thật rõ nét, sinh động với đầy đủ những gam màu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống

PV |

Bao đời nay, cùng với các lễ hội truyền thống, dệt thổ cẩm cũng là niềm tự hào đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Nghề thả câu vàng ở rạn biển

Hải An |

Cơn bão giá xăng, dầu “quét qua” nhiều làng biển thời gian vừa qua khiến nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải la liệt nằm bờ. Tuy nhiên, nghề câu vàng ở rạn biển, lừ lưới… đánh bắt thủy hải sản gần bờ ở các làng biển của xã Gio Việt vẫn có đất sống. Bởi ngư dân ở đây sử dụng thuyền có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ nên chi phí xăng, dầu ít, nhưng thu nhập sau mỗi chuyến biển khá, từ 3 - 5 triệu đồng. Để tìm hiểu nghề câu vàng ở rạn biển, tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt (Gio Linh, Quảng Trị).

Lựa chọn học nghề dần trở thành xu hướng của một bộ phận giới trẻ

Thu Thảo |

Chuyển sang học nghề hay tiếp tục học trung học phổ thông (THPT), đại học luôn là câu hỏi khiến nhiều học sinh băn khoăn trước ngưỡng cửa nghề nghiệp. Với một tấm bằng cao đẳng, đại học, các bạn trẻ có thời gian theo đuổi chương trình học tập chuyên sâu. Bên cạnh đó, nếu có một bằng nghề trong tay, học sinh lại sớm tích lũy cho mình một bề dày kinh nghiệm công việc thực tế. Do vậy, trước tình trạng thiếu hụt nguồn lao động lành nghề như hiện nay, đã có khá đông thanh thiếu niên lựa chọn đi học nghề từ bậc THPT để sớm có cơ hội lập thân, lập nghiệp. Trong bối cảnh “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay, xu hướng này rất cần được hỗ trợ, khuyến khích.

Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề

BA |

Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống,… gắn với du lịch nông thôn.