Cơn bão giá xăng, dầu “quét qua” nhiều làng biển thời gian vừa qua khiến nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải la liệt nằm bờ. Tuy nhiên, nghề câu vàng ở rạn biển, lừ lưới… đánh bắt thủy hải sản gần bờ ở các làng biển của xã Gio Việt vẫn có đất sống. Bởi ngư dân ở đây sử dụng thuyền có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ nên chi phí xăng, dầu ít, nhưng thu nhập sau mỗi chuyến biển khá, từ 3 - 5 triệu đồng. Để tìm hiểu nghề câu vàng ở rạn biển, tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt (Gio Linh, Quảng Trị).
Gần 30 năm cùng chồng vượt sóng gió, dong thuyền tìm rạn biển để thả câu vàng, chị Nguyễn Thị Thu (54 tuổi) ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, không nhớ nổi mình đã bao lần vật lộn hàng giờ đồng hồ để đưa những con cá đuối, bớp, mú nghệ, nghéo… nặng 50 - 80 kg lên chiếc thuyền câu nhỏ. Khoảnh khắc đối mặt với loài cá sống ở rạn biển có kích thước lớn, được coi như “thủy quái” của biển ấy khó mà quên trong suốt cuộc đời của những người làm nghề câu vàng ở rạn biển như chị…
Vợ chồng chị Thu gắn bó gần nửa đời người với nghề đi câu vàng ở rạn biển. Năm 1988, chị Thu kết duyên với anh Võ Ngọc Đoán (58 tuổi). Lúc ấy, chị chưa biết đến nghề này. Nhưng rồi, cuộc sống của ngư dân ở các làng biển khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nên dù con còn thơ dại, chị Thu vẫn lên chiếc thuyền nhỏ cùng chồng chèo ra rạn biển để giăng câu vàng. Hằng ngày, cứ 3 giờ chiều là vợ chồng chị Thu bắt đầu chèo thuyền rời bến cho đến tận tối mịt mới ra đến vùng rạn biển xã Vĩnh Thái hoặc thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) để thả câu.
Đến gần trưa hôm sau anh chị mới chèo thuyền vào đến bến cá thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt. Nhiều hôm gặp giông lốc bất ngờ, vợ chồng chị Thu chỉ biết cật lực chèo thuyền đến khi cập vào bất cứ bờ bến nào gần nhất để cứu lấy tính mạng. Nhưng rồi, không vì vậy mà vợ chồng chị bỏ nghề câu vàng ở rạn biển.
Bây giờ đang là mùa biển lặng, sóng êm nên vợ chồng chị Thu tranh thủ dong thuyền ra khơi. Khoảng 4 giờ chiều, chiếc thuyền máy 40 CV của vợ chồng chị Thu bắt đầu rời bến cá thôn Xuân Lộc luồn lách qua từng đợt sóng tung bọt trắng xóa tiến ra biển. Anh Đoán cầm lái, chị Thu ngồi chỉnh sửa lại vàng câu cho “thông suốt” để khi thả câu không bị rối. Chị Thu chia sẻ: “Làm nghề câu vàng ở rạn biển hiện tại đỡ vất vả hơn ngày xưa rất nhiều.
Bởi hầu hết ngư dân làm nghề câu vàng ở rạn biển đều mua sắm thuyền máy có công suất khoảng 40 - 50 CV. Trên thuyền ngoài các vàng câu, ngư dân còn trang bị thêm máy định vị vệ tinh… Sở dĩ, làm nghề câu vàng nhưng lại ưu tiên trang bị máy định vị vệ tinh là để khi thả vàng câu xong sẽ bật định vị xác định tọa độ của vàng câu ở vùng rạn đá. Sau đó, thuyền sẽ tiếp tục di chuyển sang vị trí rạn biển khác để thả vàng câu khác.
Khi thả xong 2 - 3 vàng câu, thì thuyền sẽ quay lại vị trí thả vàng câu đầu tiên để kéo câu, bắt cá. Lúc ấy, chỉ việc bấm tọa độ là có thể tìm thấy ngay vị trí thả vàng câu mà không phải mò mẫm tìm kiếm phao bìa vàng câu trong đêm tối mịt mùng giữa đại dương mênh mông”. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ thì thuyền của vợ chồng chị Thu mới ra đến địa điểm để buông câu (cách bờ khoảng 6 - 8 hải lý). Ra đến nơi, cũng là lúc ánh nắng yếu ớt cuối chiều bắt đầu dần khuất dưới mặt biển mênh mông. Vợ chồng chị Thu bắt đầu tỉ mẩn móc gần 2 kg tôm đất đã chuẩn bị sẵn vào lưỡi câu rồi cho thuyền chạy chầm chậm để thả câu. Câu vàng là một đoạn dây to bằng que tăm, có chiều dài khoảng 15 - 200 m và ở các đầu đoạn dây được gắn phao đánh dấu.
Trên đoạn dây ấy, cứ khoảng cách 2 m thì buộc một sợi dây câu nhỏ hơn có gắn lưỡi câu. Mỗi lần ra khơi, vợ chồng chị Thu có thể thả từ 3 - 4 vàng câu tùy thuộc vào điều kiện biển lặng, sóng êm… Thả câu vàng cần đến sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, nếu không dây câu bị rối là không thả câu được. Thả câu vàng thường bắt các loại cá như bớp, hồng, dưa, mú nghệ, đuối, nghéo…
Anh Đoán góp chuyện, nghề thả câu vàng ở vùng rạn biển diễn ra quanh năm nhưng tùy thuộc vào từng tháng trong năm để thả câu vàng ở rạn biển vào ban ngày hay ban đêm. Ví như từ tháng 8 năm nay đến tháng 1 âm lịch năm sau là quãng thời gian thả câu vàng ở vùng rạn biển vào ban đêm.
Còn từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch hằng năm thì thả câu vàng ở vùng rạn biển vào ban ngày. Nghề câu vàng mặc dù mang lại nguồn thu nhập khá, cũng là nguồn thu nhập chính của vợ chồng anh Đoán nhưng để đạt hiệu quả thì đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm và quan trọng nhất là chịu khó, bởi nghề này lắm gian nan, vất vả. Đi thả câu vàng ở vùng rạn biển cần ít nhất 2 người, một người chuyên lái thuyền, một người thả câu.
Việc thả câu luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro. Khi thả câu nhất thiết bên mình phải mang theo dao, bởi khi lưỡi câu không may mắc vào tay thì lập tức cắt bỏ lưỡi đó, nếu không dưới sức kéo căng của cả vàng câu, lưỡi câu sẽ găm sâu vào da thịt khó mà gỡ ra được. Rồi trong quãng thời gian thả câu, vợ chồng anh Đoán phải thức trắng đêm dong thuyền để kéo, thả câu để gỡ cá, móc mồi vào lưỡi câu và bảo vệ vàng câu, bởi trên biển có rất nhiều tàu, thuyền qua lại sẽ kéo đi mất. Ngư trường mà vợ chồng anh Đoán chuyên thả câu vàng là xung quanh khu vực rạn biển đảo Cồn Cỏ, khu vực rạn biển vùng biển xã Vĩnh Thái, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh.
Chị Thu cho biết, nghề câu vàng vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng có rất nhiều điều thú vị, hấp dẫn với ngay chính người làm nghề lâu năm như vợ chồng chị. Cách đây chưa lâu, vợ chồng chị thả câu vàng ở vùng rạn biển cách đảo Cồn Cỏ khoảng 1 hải lý thì trúng con cá nghéo (có tên gọi khác là cá nhám) nặng gần 60 - 70 kg.
“Khi kéo vàng câu, thấy con cá nghéo mắc câu nổi lên gần mặt nước, tôi hơi hoảng bởi kích thước quá lớn của cá vùng rạn biển này. Nhưng rồi, với kinh nghiệm nhiều lần đụng các loại cá lớn, tôi lấy lại bình tĩnh để bắt đầu thao tác nới lỏng hoặc kéo xiết vàng câu theo từng đợt vùng vẫy của con cá. Phải mất gần 2 - 3 giờ đồng hồ, vợ chồng tôi mới kéo được cá mệt lử vì vùng vẫy vào gần thuyền để dùng câu liêm móc vào thân cá sau đó kéo lên thuyền.
Gần nửa đời người vào lộng, ra khơi làm nghề câu vàng ở rạn biển, tôi đã nhiều lần “đụng” hàng chục con cá mú nghệ, đuối, bớp, nghéo có trọng lượng hàng chục kilogam. Những lần ấy, tôi phải dùng hết kinh nghiệm tích lũy mới đưa được những con cá này lên thuyền. Nếu không, chỉ cần sơ suất trong giây lát là chúng sẽ tuột khỏi lưỡi câu rồi mất hút xuống đáy đại dương”.
Gần 5 giờ sáng, thuyền của vợ chồng chị Thu kéo tất cả vàng câu đã thả lên thuyền rồi nhổ neo bắt đầu vượt sóng trở về đất liền. Thành quả sau một đêm lênh đênh trên biển của vợ chồng chị là hơn chục con hồng, dưa, mú, đuối… Khi đặt chân lên bến cá thôn Xuân Lộc, cả buổi sáng sau đó là giấc ngủ thay đêm của vợ chồng chị Thu. Đầu giờ chiều, công việc chuẩn bị cho chuyến ra rạn biển thả câu vàng của vợ chồng chị lại bắt đầu…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)