Tuổi đã ngoài lục tuần, bà Trần Thị Nhì (67 tuổi) - Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy Trẻ mồ côi – Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng vẫn làm mẹ của hàng trăm đứa con bị bỏ rơi.
Không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ những đứa còn sống, mắc phải bệnh tật bẩm sinh mà những đứa đã mất, bà Nhì cũng lo cho chúng “mồ yên mả đẹp”.
Trung tâm Nuôi dạy Trẻ mồ côi (Trung tâm) – Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng được thành lập và đưa vào hoạt động từ tháng 3.1995, có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và tìm mái ấm gia đình cho trẻ. Trung tâm hoạt động theo cơ chế tự chủ 100% về nguồn kinh phí.
Người mẹ nhân hậu
Những đứa trẻ mồ côi đang sống ở Trung tâm đa phần là trẻ bị bỏ rơi tại cổng chùa, các cơ sở y tế, công viên… và được chính quyền sở tại, ngành chức năng làm thủ tục đưa về Trung tâm - nơi bà Trần Thị Nhì đang là Giám đốc.
Đã gần 26 năm kể từ ngày Trung tâm thành lập cho đến nay, bà Nhì và các cô bảo mẫu đã nhận nuôi dưỡng 466 cháu, trong đó tìm mái ấm gia đình cho gần 400 cháu làm con nuôi trong và ngoài nước, 21 cháu được đoàn tụ gia đình, 21 cháu hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm.
Bên cạnh đó, không phải đứa trẻ nào được đưa về đây cũng nguyên vẹn hình hài, trong số 21 cháu đang được nuôi dưỡng có 7 cháu khuyết tật nặng, phải chăm sóc suốt đời như não úng thủy, bại liệt, bại não, câm điếc, động kinh, tâm thần,...
Ngoài ra, đa phần các cháu mắc phải bệnh khuyết tật nặng bẩm sinh, đều nằm một chỗ từ khi chào đời, rồi đón vào Trung tâm cho đến lúc mất. Điều đặc biệt của Trung tâm là cháu nào được chuyển vào đây, bà Nhì cũng đều giao cho các cô bảo mẫu, hoặc trực tiếp đưa các cháu đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng để khám, kiểm tra sức khỏe tổng quát, điều trị những bệnh cấp tính.
Trăn trở về những công việc còn gặp nhiều khó khăn, bà Nhì trải lòng: “Làm quản lý ở đây hơn 20 năm rồi, có nhiều lúc tôi muốn buông tay. Song vì tương lai của các cháu, cán bộ, nhân viên và bảo mẫu ở Trung tâm chúng tôi động viên nhau vượt qua khó khăn".
Theo bà Nhì, dẫu đã có một số cơ quan, tổ chức đoàn thể, cá nhân… đến thăm, chia sẻ và cưu mang song bà mong muốn rằng, có thêm nhiều vòng tay nhân ái cùng chung tay giúp đỡ để lo cho các cháu và các cô bảo mẫu có điều kiện yên tâm chăm sóc các cháu…
Kết nối – vận động để duy trì
Không chỉ chăm lo, nuôi dưỡng, tìm các “mái ấm mới” cho “các con” mà bà Nhì còn quản lý đội ngũ cán bộ, nhân viên và bảo mẫu tại Trung tâm. Song song đó, bà còn ngược xuôi nỗ lực bằng nhiều cách để tiếp cận, kết nối và vận động nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức, cơ quan, cá nhân trong và ngoài nước.
Mỗi ngày, bà Nhì và cán bộ Trung tâm vẫn đi kêu gọi khắp nơi, để mong kiếm thêm vài hộp sữa, ít tã giấy hay thuốc chữa bệnh cho các con. Song, để có được lòng tin hay sự biết đến của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân không phải là một việc dễ dàng, càng không thể trong một sớm một chiều.
Bà Nhì cho biết, tất cả các nguồn kinh phí thu được, đều phải công khai minh bạch, bảo đảm đầy đủ cho việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, đảm bảo chi lương và các khoản cho người lao động và tích lũy cho những năm sau.
Từ năm 2015 – 2019, Trung tâm đã vận động được tổng kinh phí 5 tỉ 36 triệu đồng bao gồm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho trẻ, máy móc, nhà vệ sinh, nhà vòm phơi áo quần cho trẻ… và hàng năm vận động trên 1 tỉ đồng để duy trì hoạt động.
Bà Lê Thị Như Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng, nhận xét, trong nhiều năm qua, bà Trần Thị Nhì cùng tập thể cán bộ, nhân viên và bảo mẫu tại Trung tâm là những con người rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc. "Qua đây, tôi hy vọng những tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân hãy mở rộng vòng tay nhân ái mà hỗ trợ lâu dài, đồng hành cùng Trung tâm, cùng những mảnh đời bé nhỏ bất hạnh, thương tâm" - bà Lê Thị Như Hồng nói.
Vừa qua, bà Trần Thị Nhì được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Đây là phần thưởng xứng đáng sau bao cống hiến cho công việc đầy nhân văn, vất vả của bà Nhì.
(Nguồn: Báo Lao Động)