Cha nghèo nuôi 4 con ăn học nên người

Trúc Phương |

Người dân thôn Nhĩ Trung, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) rất quý mến và ngưỡng mộ ông Nguyễn Văn Lượng (sinh năm 1962), bởi ông là người rất nghị lực. Ròng rã 25 năm trời, ông Lượng vừa gánh vác kinh tế gia đình, vừa chăm sóc người vợ bệnh tật, không có khả năng lao động và nuôi dạy 4 người con trai ăn học nên người.

Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi nhanh chóng tìm được nhà của vợ chồng ông Lượng nằm yên tĩnh trong xóm nhỏ thuộc thôn Nhĩ Trung. Những ngày này, tranh thủ trời nắng to, ông đưa lúa ra sân phơi khô để cất đặt kịp thời trước khi mưa xuống. “Trước làm nhiều, chứ giờ tôi chỉ làm chưa đầy một mẫu ruộng.

Thu hoạch được chừng nào, phơi cất chừng đó để qua mùa còn có cái mà ăn”, vừa cào lúa, ông Lượng vừa vui vẻ cho biết. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh nhưng vì biến cố gia đình, ông buộc phải đưa vợ con và các em vào quê nội Gio Thành, nay là xã Gio Hải sinh sống từ năm 1995.

Gắn bó với miền đất mới hơn 2 năm thì người vợ đang khỏe mạnh của ông bỗng nhiên đổ bệnh, được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt. Vậy là một mình ông vừa lo gánh vác kinh tế gia đình, vừa chăm sóc vợ và 4 người con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Có người nói ông Lượng số khổ nhưng ông lại lạc quan cho rằng “cuộc đời đang thử thách mình, tận cùng khổ cực ắt có ngày cam lai”.

Tranh thủ nắng to, ông Lượng đưa lúa ra sân phơi - Ảnh: T.P
Tranh thủ nắng to, ông Lượng đưa lúa ra sân phơi - Ảnh: T.P
Nhớ lại quãng thời gian ấy, ông Lượng cho hay: “Để có tiền trang trải cuộc sống, việc gì tôi cũng làm. Không chỉ chăn nuôi gà, lợn, tôi đi khai hoang đất, mượn ruộng của người ta để trồng lúa, một mình làm đến 4 - 5 mẫu/năm là chuyện bình thường.

Đi làm từ sáng sớm đến tối muộn mới về, “phơi” người cả ngày ngoài nắng to, lắm lúc tôi cũng thấy mệt. Nhưng nghĩ đến cảnh không có tiền mua thuốc cho vợ, tiền nộp học phí cho con, tôi lại tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn”.

Ông Lượng tự nhận mình không phải là người cha hoàn hảo nhưng ông luôn nỗ lực hết mình để mang đến cho các con những điều tuyệt vời nhất. Vất vả từ nhỏ, hơn ai hết, ông hiểu được rằng, chỉ có học tập mới là con đường ngắn nhất để đổi đời. Thế nên, dù trải qua bao khó khăn, ông vẫn động viên các con cố gắng học tập.

“Nhà dù không có điều kiện nhưng tôi luôn chủ động chuẩn bị những phần quà nho nhỏ như que kem, cuốn sách, đưa con đi thăm Địa đạo Vịnh Mốc, các nhà thờ, đình làng... để làm phần thưởng khi con đạt điểm cao”, ông Lượng nói.

May mắn thay, cả 4 người con trai của vợ chồng ông không chỉ chăm ngoan, luôn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để giúp bố chăm sóc mẹ, làm việc nhà mà còn có tinh thần tự giác cao, luôn chủ động bảo ban nhau trong học tập. Thương bố vất vả, trước và sau giờ đến lớp, các con của ông đều dậy sớm giúp bố gặt, phơi lúa, nấu ăn, giặt giũ.

Ngày nhận được thông báo cậu con trai đầu Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1994) đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ông đã không kìm được giọt nước mắt hạnh phúc của mình.

Niềm vui nối tiếp niềm vui khi liên tục những năm sau đó, ông Lượng hay tin con trai thứ hai Nguyễn Văn Anh (sinh năm 1996) đỗ vào Trường Đại học Y, Đại học Huế; con trai thứ ba Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1997) đỗ vào Học viện Quân y Hà Nội; con trai út Nguyễn Văn Linh (sinh năm 2004) là thủ khoa đầu vào ngành Nông nghiệp Công nghệ cao, Đại học Nông lâm, Đại học Huế.

Đến nay, 3 người con đầu của ông đều đã có việc làm ổn định khi công tác lần lượt tại Công ty Bảo hiểm PVI, Tập đoàn dầu khí Việt Nam; Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Trị và không ngừng cống hiến cho quê hương. “Nhìn thấy các con hôm nay được học hành, ra trường có việc làm ổn định, tôi hiểu rằng những nỗ lực trong quá khứ của mình được đền đáp”, ông Lượng bộc bạch.

Vì lý do sức khỏe, giờ ông Lượng không còn làm ruộng nhiều nữa mà chuyển dần sang chăn nuôi lợn. Buổi đầu tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ cần cù, chăm chỉ, chịu khó học hỏi thêm kiến thức từ sách báo, những người có kinh nghiệm trong vùng mà đến nay, ông đã nuôi thành công rất nhiều lứa lợn.

Công việc này không chỉ mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm mà còn giúp ông có thêm nhiều thời gian chăm sóc vợ.

Mấy năm qua, nhờ điều trị tốt mà tình trạng bệnh của vợ ông ngày càng tiến triển tốt hơn. Đặc biệt, đầu năm 2020, gia đình ông chính thức thoát nghèo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Để hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn “an cư lạc nghiệp”

Trần Tuyền |

Nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ổn định sản xuất, cải thiện đời sống, ngày 18/7/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/ NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 - 2022 (Nghị quyết 10). Tuy nhiên, đến nay tại một số địa phương vẫn chưa hoàn thành việc cấp giấy CNQSD đất cho người dân vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tặng ngan giống cho hộ nghèo ở biên giới Đakrông

Hoàng Lâm |

Ngày 09/5/2023, Công đoàn Ban Dân tộc Quảng Trị phối hợp với nhóm Ong Chăm (Hà Nội), Đồn Biên phòng A Vao  tặng 1.000 con ngan giống thức ăn và thuốc thú y cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Trao 164 suất quà cho hộ nghèo, người có công xã Vĩnh Sơn

Hiền Lương |

Sáng ngày 17/1/2022, UBND xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) tổ chức chương trình trao quà Tết sum vầy Xuân Quý Mão 2023 cho các hộ nghèo, người có công ở xã Vĩnh Sơn.

Tặng 100 suất quà cho hộ nghèo ở vùng biển Hải Lăng

Phan Vĩnh |

Ngày 04/01/2023, Đồn Biên phòng Hải An (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) phối hợp với Hội từ thiện Thiện Duyên tổ chức Chương trình Tặng quà cho hộ nghèo ở khu vực biên giới biển xã Hải An và Hải Khê (Hải Lăng).