Chuyện về người phụ nữ khuyết tật đóng phim ngày ấy…

Nguyễn Ngọc Chiến |

Nơi góc phố Đông Hà, cạnh một trường tiểu học, mới sáng ra người ta đã thấy một người phụ nữ thường có mặt rất sớm ngày ngày bán hàng ăn cho các em học sinh

i góc phố Đông Hà, cạnh một trường tiểu học, mới sáng ra người ta đã thấy một người phụ nữ thường có mặt rất sớm ngày ngày bán hàng ăn cho các em học sinh. Đó là chị Trần Thị Bé - người phụ nữ khuyết tật (cụt cả hai chân) từng đóng vai nhân vật Hảo có hoàn cảnh tương tự trong phim Đời cát nổi tiếng, được chuyển thể từ truyện ngắn Ba người trên sân ga của nhà văn Hữu Phương, do nhà văn Nguyễn Quang Lập viết kịch bản và NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn. Phim ra đời đến nay đã hơn hai mươi năm và đã giành được nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước.

Hình ảnh chị Trần Thị Bé (người bên phải) trong phim “Đời cát”
Hình ảnh chị Trần Thị Bé (người bên phải) trong phim “Đời cát”
Nội dung phim là câu chuyện tình cảm xảy ra ở một làng chài ven biển miền Trung sau ngày đất nước thống nhất, khi ông Cảnh từ miền Bắc trở về. Tại quê, ông gặp lại bà Thoa, người vợ mà ông đã kết hôn trước khi tập kết ra Bắc. Người vợ ấy hai mươi năm xa cách vẫn ở vậy chung thủy chờ chồng. Ngày đoàn tụ, ông Cảnh không giấu việc ở Bắc ông đã có vợ và một con gái. Rồi Tâm, người vợ trẻ và con gái họ từ miền Bắc vào thăm. Bà Thoa dù vui mừng đón hai mẹ con, nhưng trong lòng vẫn mong muốn được xây đắp hạnh phúc cùng chồng. Ngày mẹ con Tâm trở ra Bắc, ông Cảnh sau những giây phút đấu tranh với chính mình đã quyết định ở lại với vợ cũ, nhưng tình cảm ông luôn giành cho người vợ trẻ và con gái nhỏ.

Câu chuyện đầy tính nhân văn, gây xúc động mạnh mẽ. Các tác giả làm phim đã từng bước giải quyết các mối quan hệ trong tình yêu, tình vợ chồng một cách bao dung, nhân ái, đầy sự cảm thông và chia sẻ. Không lên án, nhưng cũng không phủ nhận, không làm nhức nhối thêm vết thương chiến tranh, mà tìm cách cứu chữa, băng bó vết thương trong mỗi con người, cố gắng tạo ra cho họ một cuộc sống mới yên lành, hướng về tương lai tươi sáng.

Trong phim, ngoài những diễn viên quen thuộc như Mai Hoa (vai Thoa), Đơn Dương (vai Cảnh), Hồng Ánh (vai Tâm), Công Ninh (vai Huy), còn có hai vai phụ khác là vai bé Gianh do cháu Lan Hà đóng, đặc biệt vai Hảo, cô gái khuyết tật cụt cả hai chân do chị Trần Thị Bé, hiện sống tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, thủ vai. Tuy chỉ là những diễn viên “bất đắc dĩ” nhưng cả hai đã diễn xuất rất thành công, để lại những ấn tượng đẹp, xúc động trong lòng người xem. Đã xem phim Đời cát nhiều lần, tôi đặc biệt có ấn tượng đối với chị Trần Thị Bé. Biết chị là người Quảng Trị, nhưng mãi gần đây tôi mới có dịp gặp, nghe chị tâm tư chuyện đóng phim ngày ấy và cuộc sống của chị bây giờ.

Giữa trung tâm thành phố Đông Hà, cạnh Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, chị Bé đang bận bịu bên chiếc xe tự chế vào mỗi buổi sáng, bán đồ ăn sáng cho các em học sinh tại đây. Với hoàn cảnh hiện tại, đây là công việc phù hợp với chị hơn cả, dù không kém phần vất vả. Đã hơn hai mươi năm nay, chiếc xe tự chế trở thành người bạn đồng hành cùng chị, là kế mưu sinh đầy nhọc nhằn, giúp chị chăm lo cuộc sống cho cả gia đình.

Gặp tôi chị kể, ngày ấy, do kịch bản phim Đời cát có nhân vật Hảo, cô gái cụt cả hai chân vì bom Mỹ, nên bắt buộc đạo diễn phải tìm cho bằng được người có hoàn cảnh tương tự để vào vai nhân vật này. Sau chiến tranh, phụ nữ có hoàn cảnh như trên không phải hiếm. Nhưng cái khó là người phụ nữ ấy phải dưới tuổi ba mươi, không quá trẻ, nhưng cũng không quá già, chưa có chồng con càng tốt. Người ấy phải cụt cả hai chân, nhưng vẫn đi lại được bằng hai đầu gối. Yêu cầu kịch bản đặt ra như vậy, nên không phải ngày một ngày hai tìm được người này. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân vừa phải cất công đi tìm, vừa phải nhờ giới truyền thông vào cuộc giúp đỡ. Hỏi thăm, gặp gỡ, tìm kiếm nhiều nơi, từ Quảng Bình, Quảng Trị, vào đến Huế, Đà Nẵng. Cuối cùng, nhờ các bác sĩ ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng - bệnh viện chuyên khoa về cơ xương khớp lớn nhất miền Trung lúc ấy - giới thiệu, đoàn làm phim mới phát hiện ra chị Bé là người khuyết tật hội đủ những yếu tố như kịch bản yêu cầu. Chị Bé bị bom Mỹ năm 1973, cụt cả hai chân lúc chỉ mới năm tuổi, và đã nhiều lần vào điều trị, phục hồi chức năng, làm chân giả, tại bệnh viện này. Tên tuổi, địa chỉ, cùng tình trạng thương tật của chị vẫn còn lưu giữ trong hồ sơ của bệnh viện. Thế là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân ra ngay Quảng Trị tìm gặp chị. Ban đầu, khi được mời đóng phim, chị Bé rất ngại, vì thấy đóng phim là việc lạ, khó, là việc mình chưa từng làm bao giờ, nên một hai từ chối. Nhưng rồi với ước muốn được một lần xuất hiện trên màn ảnh, cùng sự động viên, khích lệ nhiệt tình của đoàn làm phim, chị đã vui vẻ nhận lời.

Phim được quay trên một số địa bàn ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, lại diễn ra đúng giữa mùa hè, tiết trời nắng nóng, khắc nghiệt nên rất vất vả. Chị Bé phải đi theo đoàn làm phim suốt mấy tháng trời, cho đến khi bộ phim hoàn tất. Do hoàn cảnh khuyết tật nên chị là người vất vả hơn cả so với anh chị em trong đoàn. Diễn viên Công Minh sau gần hai mươi năm êkíp làm phim Đời cát gặp lại nhau trong chương trình Ký ức vui vẻ của VTV, đã thừa nhận: “Nhớ lại thời làm phim Đời cát, tôi thấy Bé là người vất vả nhất ngày ấy, có hôm em bị ốm, có những cảnh quay em đã phải hết sức cố gắng…”. Trong phim, chị Bé vào vai Hảo xuất hiện không nhiều, nhưng là những lần chị phải hóa thân vào nhân vật, phải sống đời sống của nhân vật; phải diễn xuất, biểu hiện tình cảm của nhân vật theo đúng yêu cầu của đạo diễn. Chị nói, trước khi quay, chị không phải tập nhiều, không phải diễn thử nhiều lắm! Cơ bản, chị đã đọc khá kĩ kịch bản, nên hiểu được tâm trạng của nhân vật Hảo qua mỗi tình huống. Chị diễn xuất rất đạt, thể hiện rất thật đời sống cùng những niềm vui, nỗi buồn của nhân vật Hảo. Mỗi cảnh phim có chị là những thước phim hấp dẫn, để lại cảm xúc sâu sắc, khó quên. Chẳng hạn như đoạn phim nhân vật Hảo xuất hiện với vẻ mặt cùng nụ cười tươi, khi chị bắt gặp Huy trong đêm khuya chống nạng đến tán tỉnh Thoa, người có chồng tập kết ra Bắc, nhưng bị Thoa từ chối, đóng sập cửa, đành lủi thủi ra về. Sở dĩ Hảo vui vì cô cũng đang có cảm tình với Huy, muốn xây đắp hạnh phúc cùng Huy. Hay như tình huống Hảo có thai với anh thợ mộc, bị vợ anh ta kéo cả họ hàng đến đánh ghen, cùng lúc công an xã đến nhà bắt Hảo phải khai ra cha của đứa bé, lúc ấy mặt Hảo trở nên buồn tủi, đầy đau thương. Gương mặt chị biểu cảm niềm vui, nỗi buồn của Hảo trong từng cảnh quay rất thật, chẳng ai nói chị đang “diễn”. Trên trảng cát của làng chài ven biển, “đôi chân” cụt của chị vẫn bước những bước khoan thai bằng hai đầu gối của mình. Cảnh ấy khiến người xem vừa xót thương vừa xúc động. Trong phim còn nhiều cảnh khác được chị nhập vai rất tự nhiên, khá chuyên nghiệp. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân rất hài lòng và luôn khuyến khích, cổ vũ vai diễn của chị trong suốt quá trình làm phim.

Sau mỗi lần xem lại phim Đời cát, tôi thường nghĩ, nếu như phim thiếu đi nhân vật Hảo, có lẽ phim sẽ thiếu đi sự hấp dẫn, cuốn hút như vốn có. Và chắc chắn sẽ không bao giờ có một chị Bé xuất hiện trên màn ảnh, để rồi tiếng tăm cùng dư âm về chị lắng đọng như bây giờ. Vai diễn của chị đã thực sự góp phần làm nên sự thành công của bộ phim.

Mới đó đã hai mươi ba năm trôi qua. Thời đóng phim Đời cát chị Bé vừa tròn tuổi ba mươi, nay chị đã ngoài năm mươi. Hồi ấy, chị hãy còn trẻ trung, chưa vướng bận gì. Nay, chị đã có một gia đình, đã là người mẹ của ba đứa con, cùng lúc vừa phải lo cho mình, vừa phải lo cho các con học tập. Và chị đã đứng vững, vượt qua tất cả những khó khăn để vươn lên, hòa nhập với cuộc sống. Nhớ ngày đóng phim, chị hóa thân vào nhân vật Hảo, chỉ mong sao vai diễn của mình thành công. Và chị đã làm được điều tưởng như không thể làm được ấy. Nhưng chính từ những gì diễn ra trong cuộc đời Hảo, không thể không làm chị suy nghĩ. Chị thấy nhân vật Hảo có nét gì đó giống chị cả về thể chất lẫn tâm hồn. Ngược lại chị cũng thấy mình giống Hảo. Nhất là về sau Hảo có được Huy, người du kích cụt một chân, trước đó luôn từ chối tình cảm của Hảo chỉ với lý do “Tôi với cô hai người, nhưng ngó đi ngó lại chỉ có một chân, sao sống nổi…” đã nhen lên trong lòng chị niềm khát khao về tình yêu, về một mái ấm gia đình. Trở về với cuộc sống hiện tại, nhiều lúc chị cũng tỏ ra mặc cảm với bản thân. Chị mong mình có được hạnh phúc như Hảo, như bất cứ người phụ nữ nào. Cái điều tưởng như dễ dàng ấy, hóa ra lại quá khó khăn đối với một phụ nữ khuyết tật như chị. Có những đêm chị thầm khóc một mình, buồn cho tình cảnh của mình. Tuổi chị cũng không còn trẻ nữa. Xuân sắc sẽ trôi qua rất nhanh. Chị nghe người ta nói rằng, trong tình yêu, cứ gặp nhưng đừng tìm. Bởi tìm sẽ không bao giờ gặp, cái gì đến, nó sẽ tự đến. Rồi bến bờ hạnh phúc cũng đã đến với chị.

Sau “Đời cát”, chị Bé trở về với cuộc đời của mình, giản dị và lặng lẽ - Ảnh: H.N
Sau “Đời cát”, chị Bé trở về với cuộc đời của mình, giản dị và lặng lẽ - Ảnh: H.N
Ba đứa con, hai trai, một gái, lần lượt ra đời. Hơn hai mươi năm chị làm bạn với chiếc xe tự chế, ngày ngày vất vả làm lụng nuôi con ăn học. Cả ba đứa con của chị đã lớn lên bên chiếc xe lăn cùng chị, lớn lên theo mỗi vòng quay của bánh xe trên từng vỉa hè, góc phố, nơi phố phường Đông Hà đầy nắng gió. Hàng ngày chị phải thức dậy lúc gà chưa gáy để lo cho các con đi học. Rồi phải chuẩn bị đồ ăn sáng, khi thì bún, khi thì xôi, bán cho các cháu học sinh và người dân quanh vùng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ít khi chị vắng mặt. Sáng ra người hàng phố đã thấy chị có mặt ở góc phố quen thuộc rất đúng giờ. Các em học sinh nhiều thế hệ ở Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, khách cùng phố, từng ăn sáng bên chiếc xe của chị đã quen với chị Bé “cụt” hơn hai mươi năm nay. Họ tỏ ra yêu mến và thông cảm với hoàn cảnh của chị. Khi biết chị là người đã đóng vai Hảo “cụt” trong phim Đời cát ngày nào, mọi người càng tỏ ra quý mến chị hơn, khách đến ăn sáng đông hơn. Nhiều người không gọi chị là chị Bé nữa, mà gọi chị là “chị Hảo” một cách vui vẻ, thân mật.

Chị sinh cháu gái đầu lòng năm 2001, đặt tên con là Nguyên Khai. Trong phim Đời cát, chị vào vai Hảo, cô gái có cảm tình với Huy, nhưng bị Huy từ chối. Sau, Hảo có thai với anh thợ mộc, bị vợ anh ta ghen, rồi còn bị công an tra hỏi. Huy cũng biết điều đó, nhưng anh im lặng. Chỉ đến lúc Hảo bị dồn đến chân tường, thì Huy xuất hiện đúng lúc, nhận đứa con trong bụng Hảo là của mình. Câu chuyện kết thúc thật có hậu. Mọi éo le, góc khuất được giải tỏa. Vợ anh thợ mộc không có lý do gì ghen với Hảo nữa. Công an cũng không có lý do gì tra hỏi, bắt bẻ Hảo nữa. Còn Hảo và Huy được chung sống hạnh phúc bên nhau.

Chị Bé có hoàn cảnh tương tự như nhân vật Hảo, nhưng hạnh phúc ở mỗi người có khác nhau. Chị không muốn nói, thậm chí còn muốn giữ kín, không muốn giãi bày với bất cứ ai về người cha của các con chị. Nhưng chị cho biết đó là một người đàn ông rất thương yêu và tôn trọng chị, biết chia sẻ cùng chị và các con những vui buồn trên mỗi bước đường đời.

Niềm vui lớn nhất của chị là các con chị đã lớn lên, ngoan ngoãn, hiểu mẹ và thương mẹ hết mực. Đặc biệt, các cháu đứa nào cũng học giỏi, cho dù cuộc sống, điều kiện học tập gặp nhiều khó khăn. Càng thương mẹ, các cháu càng cố gắng trong học tập. Cháu Nguyên Khai những năm học phổ thông, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc, được thầy cô, bạn bè quý mến. Rồi những năm theo học ở Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cháu luôn là sinh viên học giỏi, giành nhiều thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học. Hiện nay Nguyên Khai đã tốt nghiệp đại học ra trường, và vẫn đang tiếp tục học cao học ngành nghiên cứu khoa học tự nhiên. Cháu trai thứ hai là Thanh Nhuệ cũng là sinh viên luôn chăm chỉ, chịu khó trong học tập, giống tư chất người chị gái của mình. Thanh Nhuệ cũng đang học năm thứ hai tại Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cháu trai út là Đức Anh năm nay học lớp Ba, là học sinh chăm ngoan, học giỏi, nuôi mơ ước sau này được như anh chị mình.

Một phụ nữ khuyết tật, cụt hai chân, làm nuôi mình đã khó, nuôi thêm ba đứa con ăn học, trong đó có hai con học đại học, quả là điều không dễ. Nhưng chị Trần Thị Bé đã làm được điều không đơn giản ấy. Đôi khi tôi tự hỏi, hay chị nhận được nguồn tài trợ lớn nào đó để chăm lo cho sự học của các con? Không, không có nguồn tài trợ lớn nào cả, ngoài những suất học bổng của các tổ chức, cá nhân giành cho các cháu do có thành tích vượt khó học giỏi như bao bạn bè của các cháu. Cái chính là sức lực, mồ hôi của chị đổ ra bên chiếc xe tự chế bán hàng ăn mỗi ngày. Chị còn thi đấu thể thao giành cho người khuyết tật, nuôi thêm con gà con vịt… Để rồi chị chắt chiu, tiết kiệm từng đồng, “góp gió thành bão” lo cho các con. Nhưng hơn tất cả là chỗ dựa, tình thương, nguồn khích lệ, động viên về mặt tinh thần, lúc nào cũng bao la, dạt dào như biển cả của tình mẹ luôn hết mình vì con. Và tôi nghĩ, quanh chúng ta, không hiếm những người cha, người mẹ đã biết vượt qua hoàn cảnh bất trắc của số phận, tảo tần làm ăn, nuôi con ăn học thành đạt. Chị Trần Thị Bé - người phụ nữ khuyết tật đóng phim ngày ấy là một người như vậy.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Khánh Hòa xây dựng phim trường, phát triển du lịch qua điện ảnh

Tiên Minh |

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Khánh Hòa sớm xây dựng, hoàn thiện, triển khai hiệu quả cơ chế chính sách thu hút đầu tư về điện ảnh, du lịch một cách khẩn trương và bền vững.

Đà Nẵng có cơ hội để xuất hiện trên bản đồ làm phim thế giới

Nguyệt Nhi |

Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) là cơ hội quý giá để Đà Nẵng “khoe” tiềm năng trở thành trường quay của các đoàn phim trong và ngoài nước.

Khai mạc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng

PV |

Tối 9/5, tại Nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất, năm 2023 (DANAFF I).

25 sự thật khán giả ít biết về phim 'Titanic'

Thanh Mai |

Mới đây, tạp chí GQ tổng hợp những câu chuyện hậu trường ít được nhắc đến của bộ phim kinh điển 'Titanic'.