Hai mươi năm dạy học tại địa bàn miền núi từ huyện Hướng Hóa đến Gio Linh (Quảng Trị), cô giáo Hồ Thị Bình (sinh năm 1981), người dân tộc Vân Kiều, luôn được phụ huynh, học sinh xem như người mẹ hiền. “Gia tài” cô để lại là các thế hệ học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết chữ. Nhiều trong số họ khôn lớn, trưởng thành, trở về góp sức xây dựng quê hương.
Tình nguyện dạy học nơi xa nhất
Chúng tôi gặp cô giáo Hồ Thị Bình tại buổi họp phụ huynh đầu năm học mới 2024 -2025 của Trường Tiểu học Linh Trường, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, ngôi trường có hơn 99% học sinh người dân tộc thiểu số Vân Kiều. Năm học này, cô Bình tiếp tục được tín nhiệm phân công làm Tổ trưởng Tổ giáo viên khối 4, 5 của trường và chủ nhiệm lớp 5.
Giọng nói nhẹ nhàng, lưu loát, cô Bình kể lại ngày đầu mình mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Nhà có điều kiện nhưng không vì thế mà cô cậy nhờ xin một suất dạy học ở thị trấn hoặc vùng ven trung tâm, ngược lại tình nguyện đến dạy học ở xã Hướng Lập, địa phương xa nhất của huyện. Tại Hướng Lập, cô xung phong vào điểm lẻ Cù Bai cùng ăn, cùng ở với người dân để dạy học. Nhiều hôm có công việc, từ điểm lẻ ra đến trường trung tâm phải đi bộ mất 4 đến 5 tiếng, rồi mất từng ấy thời gian nữa để đi bộ về đến điểm lẻ mình đang công tác.
Tuổi thanh xuân của cô Bình là những tháng ngày gian nan, vất vả và dành trọn yêu thương cho học sinh Hướng Lập. Để các em học sinh đến trường học, không quản mưa nắng, cô đến từng nhà dân, vận động học sinh rời nương rẫy, xuống núi theo học. Mong muốn phụ huynh đồng lòng, học sinh nghe lời, cô hòa mình vào cuộc sống của dân bản. Sự gần gũi đó giúp cô chia sẻ với về các gia đình ý nghĩa của việc cho con em đi học, từ đó động viên con em mình đến lớp đều đặn hơn mỗi ngày.
Để công tác vận động đạt hiệu quả, cô đến nhà từng cán bộ thôn, bản trình bày nguyện vọng, mong muốn của mình, từ đó nhờ những người này tác động để thay đổi nhận thức của người dân. Nhờ vậy mà học sinh đến trường nhiều hơn trong niềm vui, hạnh phúc của cả cô lẫn trò.
Càng sống và dạy học, cô được dân bản thêm yêu thương, quý mến. Nhiều hôm, trời mưa lũ lớn, giao thông chia cắt nhiều ngày, dân bản lội suối, băng rừng đưa lương thực đến cho cô và đồng nghiệp.
Dạy học ở điểm trường Cù Bai 2 năm, cô được phân công đến công tác ở bản Cợp, cũng là điểm trường lẻ. Cũng như các bản làng khác của người dân tộc thiểu số, do cuộc sống khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên nhiều học sinh nơi đây không hứng thú đến trường học. Những ngày đầu ở điểm trường mới, cô Bình gặp không ít khó khăn.
Nhưng niềm mong mỏi được thấy học sinh đến trường đông đủ đã thôi thúc cô kiên trì với công tác vận động người. Cô Bình chia sẻ, vận động học sinh đến trường đã khó, dạy học sinh lớp 1 lại càng khó hơn.
Do các em chưa quen nền nếp của trường lớp, khả năng tiếng Việt chưa tốt nên giáo viên phải biết tiếng Vân Kiều hoặc lớp học phải có người biết tiếng để hỗ trợ. Dạy học chính khóa vào buổi sáng, buổi chiều cô dạy kèm miễn phí cho học sinh. Chiều nào học sinh bận đi rẫy cùng bố mẹ thì tối cô lại đến từng nhà để củng cố kiến thức cho các em.
5 năm dạy học ở các điểm lẻ của xã Hướng Lập đọng lại trong cô Bình nhiều kỷ niệm. Ngày chia tay về công tác ở Trường Tiểu học Linh Trường, huyện Gio Linh, dân bản và học sinh quyến luyến không nỡ chia xa. Mọi người tiễn cô ra đến trung tâm xã để đón xe về.
Luôn giữ lửa nghề
Chồng của cô Bình ở xã Linh Trường, là người dân tộc Vân Kiều. Ngôi nhà vợ chồng cô ở gần trường nên có thêm điều kiện để cô tập trung dạy học. Có kinh nghiệm dạy học lớp 1 nên nhiều năm liền, cô Bình được phân công làm Tổ trưởng Tổ giáo viên khối 1, 2 và chủ nhiệm lớp 1.
Tuy môi trường công tác gần nhà hơn nhưng thời gian này, Trường Tiểu học Linh Trường đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của giáo viên và hội đồng nhà trường. Môi trường làm việc gần nhà giúp cô có điều kiện tập trung cho việc dạy học. Từng quyển sách, quyển vở của học sinh đều được cô bao bọc, dán nhãn để đảm bảo em nào cũng có đủ sách vở đến trường.
Phụ huynh, học trò cảm động, thương quý cô nên ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm đều mang củ sắn, mụt măng, bó rau rừng đến làm quà. Đây là thời gian cô Bình cảm thấy mình hạnh phúc nhất. Nhưng rồi những ngày hạnh phúc trọn vẹn bên gia đình của cô không được như mong đợi. Chồng cô không may mắc bệnh nan y qua đời để lại cho cô và gia đình nỗi đau không thể bù đắp.
Cô Bình tâm sự nỗi đau nhiều lúc khiến mình gục ngã. “Nhưng tôi là đảng viên, lại còn gánh nặng nuôi hai con nhỏ nên phải mạnh mẽ tiến về phía trước. Hơn nữa, vào những lúc khó khăn, tôi lại nghĩ đến đồng nghiệp luôn chia sẻ yêu thương, nghĩ đến ánh mắt ngây thơ của học sinh đang chờ mình trong mỗi tiết học. Lửa nghề là động lực để tôi cố gắng gượng tiếp tục công tác”, cô Bình chia sẻ.
Dù điều kiện không hề dư dả nhưng cô thường trích tiền lương của mình để mua sách vở, bút mực, cặp sách tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tình yêu thương đó của cô đã lay động biết bao trái tim học sinh. Công tác vận động học sinh đến trường cũng vẫn được cô duy trì để đảm bảo việc học cho các em.
Mười lăm năm dạy học ở quê chồng, biết bao nhiêu học sinh được cô dạy chữ, rèn nết đã trưởng thành, có em trở thành cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước, các nhà máy, xí nghiệp. Nhìn học sinh khôn lớn từng ngày, cô Bình như có thêm động lực để cống hiến, để vượt qua những nhọc nhằn, vất vả mà cô gặp phải. Trong công tác giảng dạy, cô đã tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và nhiều hoạt động khác được hội đồng nhà trường đánh giá cao.
Năm học 2024, cô Bình là người trực tiếp bồi dưỡng, phụ trách nội dung cho học sinh của trường tham dự giao lưu tiếng Việt học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số cấp tỉnh và đoạt giải Nhất hùng biện, giải Ba toàn đoàn. Với nhiều đóng góp nổi bật trong dạy học, đặc biệt thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô được các cấp tặng giấy khen.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Trường Lê Thị Liên cho biết: Cô giáo Hồ Thị Bình rất tâm huyết với học sinh, có chuyên môn và năng lực quản lý tốt. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cô luôn năng động, dấn thân, không quản mọi thách thức, được đồng nghiệp quý trọng.
Từ ngày về công tác tại trường đến nay, cô đã dạy học ở các bản lẻ rồi đến điểm trường trung tâm, ở đâu và trong hoàn cảnh nào, cô Bình cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)