Cô giáo vùng cao tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”

Lê An |

Gần 20 năm trong nghề, với lòng yêu nghề, nhiệt huyết và năng lực chuyên môn vững vàng, cô Lê Thị Hồng, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, đạt nhiều thành tích trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi, trở thành tấm gương sáng, được học sinh và đồng nghiệp tin tưởng, yêu quý.


Sinh năm 1982, ngay từ nhỏ, cô Hồng đã có tình cảm đặc biệt với nghề “phấn trắng, bảng đen”. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, cô được phân công giảng dạy môn Hóa học tại Trường Phổ thông cơ sở Hướng Linh và đến năm 2015, cô chuyển công tác về Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng.

Với nhiệt huyết, lòng yêu nghề, cô Hồng luôn trăn trở, tìm tòi các phương pháp mới để có những bài giảng hay, lôi cuốn học sinh. Cô chú trọng đến việc đổi mới và linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học theo đặc thù bộ môn, phù hợp với đối tượng học sinh từng lớp nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực tự học của học sinh.

Cô Hồng đang ôn luyện cho em Trịnh Hồng Tiến để chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh sắp tới -Ảnh: L.A
Cô Hồng đang ôn luyện cho em Trịnh Hồng Tiến để chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh sắp tới -Ảnh: L.A

Chia sẻ về phương pháp giảng dạy, cô Hồng cho biết, Hóa học vốn là môn khoa học thực nghiệm. Để học sinh hứng thú trong các giờ học và từ đó trở nên yêu thích môn học, giáo viên phải thiết kế các bài giảng gắn liền với thực tế đời sống, phải cho học sinh thấy mối liên hệ giữa cái được học với ứng dụng thực tế của nó. Đặc biệt, với mỗi bài tập Hóa, cô thường hướng dẫn phương pháp, sau đó để các em tự tìm lời giải, đồng thời lồng ghép lý thuyết với thực hành thực tế, qua đó, giúp các em hiểu sâu và nhớ kỹ hơn kiến thức được học.

“Hóa học không phải là môn học khô khan, nếu có phương pháp thì sẽ dễ dàng chinh phục được môn học này. Quan trọng là giáo viên cần thấu hiểu, đồng hành với học sinh để khơi dậy niềm đam mê học tập trong các em. Vì vậy, với mỗi đối tượng học sinh, tôi đều có phương pháp riêng giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ”, cô Hồng cho hay.

Bên cạnh công tác giảng dạy, cô Hồng còn được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi bộ môn Hóa học. Bằng sự tận tâm, phương pháp giảng dạy khoa học, đội tuyển Hóa học do cô Hồng bồi dưỡng nhiều năm liền đoạt giải cao và xếp tốp đầu trong khối các trường THCS của huyện Hướng Hóa tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Tiêu biểu như em Trần Thị Liễu đoạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm học 2016 - 2017; em Trần Như Thuận đoạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, giải Ba tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2018 - 2019... Đặc biệt, năm học 2023 - 2024, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, em Trịnh Hồng Tiến, hiện chỉ mới học lớp 8 do cô trực tiếp bồi dưỡng đã xuất sắc đoạt giải Nhất.

Cô Hồng cho biết, theo chương trình sách giáo khoa mới, từ năm học này học sinh lớp 8 không còn học riêng môn Hóa học mà được tích hợp lại thành môn Khoa học tự nhiên trong khi kiến thức thi học sinh giỏi lại nằm chủ yếu trong chương trình Hóa học lớp 9. Tuy nhiên, qua thực tế trực tiếp giảng dạy, cô đã phát hiện em Tiến có tố chất học tốt và niềm đam mê với môn Hóa nên đã đề xuất tuyển chọn em vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Hiện tại, 2 cô trò đang tập trung ôn luyện để sẵn sàng cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh sắp tới.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Hồng cho hay, bồi dưỡng học sinh giỏi là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các em học sinh phải có sự bền bỉ, dung nạp được kiến thức nhiều và chịu được áp lực.

Ngoài ra, các em trong đội tuyển cũng phải có học lực đều giữa các môn, có thái độ nghiêm túc và tự giác trong học tập. Giáo viên phụ trách đội tuyển phải có tinh thần trách nhiệm cao, có kỹ năng lập kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi trong những giai đoạn tình huống cụ thể; phải là những người có kỹ năng phân tích tổng hợp kiến thức từ các nguồn tài liệu, kỹ năng chuẩn bị các chuyên đề chuyên sâu về bồi dưỡng học sinh giỏi.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm của mình, giáo viên còn đóng vai trò định hướng, khơi dậy sự sáng tạo; vừa đào tạo, vừa dẫn dắt, tác động tích cực đến học sinh, tránh không để học sinh cảm thấy chán nản; đặc biệt là khi gặp những kiến thức mới, những chuyên đề “khó nhằn”. Chính vì thế, mỗi khi đứng trên bục giảng, cô luôn đem hết kiến thức truyền đạt cho các em, đồng thời dày công tìm tòi những phương pháp dạy học sinh động, linh hoạt, hấp dẫn trong từng bài giảng để khơi gợi sự hứng thú, sáng tạo, tự học của học sinh.

Sự quan tâm của cô Hồng với học sinh không chỉ ở những giờ lên lớp mà còn được thể hiện ngay trong cuộc sống thường nhật. Tranh thủ thời gian những giờ ra chơi, cô thường hỏi han, chia sẻ với các em học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số để có thể hiểu hơn về các em.

“Trường nằm ở địa bàn vùng cao, khó khăn, sự quan tâm của phụ huynh còn ít nên giáo viên càng phải có trách nhiệm trong việc định hướng, giúp đỡ các em tiến bộ hơn trong học tập và vươn lên trong cuộc sống”, cô Hồng cho hay.

Nhận xét về cô Hồng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng Đinh Anh Công khẳng định: không chỉ vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy học; tận tụy trong bồi dưỡng học sinh giỏi mà cô Hồng còn rất gương mẫu trong công tác cũng như trong các hoạt động do ngành, địa phương phát động.

Với niềm nhiệt huyết, yêu nghề của mình, cô Hồng đã lan tỏa, truyền được cảm hứng học tập cho học sinh, giúp các em nỗ lực rèn luyện, phấn đấu vươn lên giành nhiều thành tích cao trong học tập. Đồng thời, cô luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cho những giáo viên trẻ, là nhân tố tích cực xây dựng và lan tỏa các phong trào thi đua của nhà trường.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cô giáo lặng thầm làm việc thiện

Trúc Phương |

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tận tâm với công việc, được đồng nghiệp tin tưởng, học sinh yêu quý mà cô giáo Phan Thị Hoa (sinh năm 1975), Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) còn có một trái tim ấm áp, nghĩa tình. 

Cô giáo vùng cao tiết kiệm tiền mua tặng 2.200 đầu sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh

Tú Linh |

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THPT Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Nguyễn Thị Thúy Phụng không chỉ là quản lý đầy trách nhiệm, cô còn có nhiều hoạt động thiện nguyện hiệu quả giúp đỡ học sinh nghèo là con em người dân tộc thiểu số ở ngôi trường cô đang công tác. Cô luôn được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh quý mến.

Cô giáo mắc bệnh hiểm nghèo

Hà Trang |

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, cô giáo Lê Thị Tường Vi (sinh năm 1998), ở thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, được ký hợp đồng làm việc, giảng dạy tại Trường Trưng Vương. TP. Đông Hà (Quảng Trị).