Cô giáo vùng cao tiết kiệm tiền mua tặng 2.200 đầu sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh

Tú Linh |

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THPT Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Nguyễn Thị Thúy Phụng không chỉ là quản lý đầy trách nhiệm, cô còn có nhiều hoạt động thiện nguyện hiệu quả giúp đỡ học sinh nghèo là con em người dân tộc thiểu số ở ngôi trường cô đang công tác. Cô luôn được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh quý mến.

Những ngày này, cô Thúy Phụng cùng với các giáo viên nhà trường bắt đầu hành trình đến tận gia đình người dân trong xã nhắc nhở học sinh chuẩn bị tựu trường.

Đặc biệt, hôm qua 21/8, cô Phụng tổ chức chương trình trao tặng 2.200 đầu sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho các em học sinh thân yêu của mình ngay trước thềm năm học mới từ chính số tiền tiết kiệm của bản thân.

Hơn 15 năm dạy học ở miền núi, vùng khó, hơn ai hết, cô Thúy Phụng hiểu rõ những khó khăn của học sinh nơi đây.

Cô Thúy Phụng tặng sách và đồ dùng học tập cho học sinh đầu năm học mới 2023-2024 -Ảnh: TÚ LINH
Cô Thúy Phụng tặng sách và đồ dùng học tập cho học sinh đầu năm học mới 2023-2024 -Ảnh: TÚ LINH

Ngay từ những ngày đầu đến công tác, cô đã luôn tâm niệm mình sẽ giúp đỡ các em bằng tất cả tâm sức. Trường Tiểu học và THPT Hướng Việt nơi cô đang công tác đa số là học sinh người Vân Kiều, hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên các em đến lớp luôn thiếu sách vở, cơm ăn trưa, áo quần...

Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, người dân không đủ tiền trang bị sách giáo khoa vào đầu năm học cho con em. Vì vậy, mỗi lớp chỉ có vài học sinh có sách giáo khoa mới.

Việc thiếu sách giáo khoa ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của nhà trường, nên từ nhiều năm qua, cứ mỗi đầu năm học, cán bộ, giáo viên nhà trường đều tranh thủ kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để trang cấp sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt Nguyễn Văn Tý cho biết, trước tình hình khó khăn này, nhờ sự kết nối của cô Thúy Phụng, Tập đoàn Công nghệ MK (TP. Hà Nội) và Công ty Mỹ phẩm Tùy Tâm (TP. Hồ Chí Minh) 3 năm qua đã tài trợ đồ dùng học tập, sách vở, cặp đi học, áo ấm cho học sinh trị giá hàng trăm triệu đồng.

Năm học mới này, nhà trường đã thống kê nhu cầu mua 131 bộ sách giáo khoa của học sinh khối tiểu học và THCS với tổng trị giá 45 triệu đồng. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn nên không thể tiếp tục tài trợ.

Không có khoản hỗ trợ này thực sự là khó khăn đối với công tác dạy học cho học sinh, đặc biệt là các em khối 4 và khối 8, do đây là năm đầu tiên áp dụng sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Biết được sự khó khăn của học sinh và nhà trường, cô Thúy Phụng đã sử dụng số tiền mình gom góp từ nguồn thu kinh doanh mỹ phẩm online ngoài giờ tặng nhà trường để đủ mua 131 bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho các em.

Ngoài ra, cô còn chuẩn bị sẵn 5 triệu đồng để hỗ trợ thêm bữa ăn trưa tại trường vào đầu năm học cho các cháu.

“Thay mặt học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên nhà trường, tôi cảm ơn tấm lòng của cô Thúy Phụng. Ngoài việc tặng sách giáo khoa và đồ dùng học tập, vào tháng 5/2023, cô còn tặng nhà trường 1 giếng khoan lấy nước sinh hoạt và bể lọc nước trị giá 25 triệu đồng; đồng thời kết nối để tặng nhà trường thêm 1 giếng khoan khác trị giá 25 triệu đồng”, thầy Nguyễn Văn Tý chia sẻ.

Dạy học ở mảnh đất ở phía Bắc huyện Hướng Hóa từ năm 2007, khi còn là giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng, cô Thúy Phụng luôn nỗ lực trong việc dạy và rèn luyện để học sinh học tốt.

Ngày đó, cô vận động học sinh chậm tiếp thu bài hơn các bạn ở lại ăn cơm trưa tại trường để buổi chiều học thêm tiếng Việt, luyện kỹ năng miễn phí.

Không phải gia đình nào cũng chuẩn bị cơm đầy đủ cho con mang theo ở lại, vì vậy đa số tiền ăn cơm trưa của học sinh cô Phụng vận động các thầy cô giáo khác cùng hỗ trợ. Mô hình học tập này được Phòng GD&ĐT Hướng Hóa khuyến khích các trường áp dụng.

Khi được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt từ năm 2018 thì trách nhiệm của cô càng nặng nề hơn. Cô tâm niệm, không chỉ lo cho học sinh của một lớp mà cần lo cho học sinh toàn trường.

Thấy học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày nhưng các em chỉ đi học vào buổi sáng và thường xuyên nghỉ học buổi chiều nên chất lượng giáo dục chưa được như mong muốn, cô lại tiếp tục thực hiện mô hình học tập “Bán trú dân nuôi”.

Cô Thúy Phụng đã kêu gọi, vận động từ phích nước, thực phẩm, mì ăn liền đến chăn màn, sạp ngủ… để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho học sinh bán trú buổi trưa tại trường. Đến năm học này thì mô hình “Bán trú dân nuôi” do cô Phụng khởi xướng đã bước qua năm thứ 6. Nhờ đó, những năm qua chất lượng giáo dục của trường ngày càng đi lên.

Cũng tại ngôi trường này, cô Thúy Phụng tiếp tục các hoạt động thiện nguyện mà cô bén duyên từ những ngày đầu là một giáo viên để hỗ trợ học sinh.

Đặc biệt, đợt mưa lũ lịch sử năm 2020 ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, cô đã kết nối rất nhiều cá nhân tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ, hỗ trợ cho các em học sinh, giáo viên, nhà trường từng bước vượt qua khó khăn.

Với sự chăm lo và tình yêu thương vô hạn đối với học sinh, dù ở vị trí công tác nào cô Thúy Phụng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quan tâm chăm lo đến học sinh cũng như đời sống của giáo viên nhà trường. Với cô, phần thưởng lớn nhất là kết quả học tập ngày càng tiến bộ của các em học sinh người dân tộc thiểu số nơi biên cương xa xôi.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cô giáo mầm non hết lòng với người dân vùng khó

Trần Tuyền |

Thấu cảm trước sự thiếu thốn, khó khăn của học sinh và người dân nơi vùng khó, cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non A Dơi, xã A Dơi, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) ngoài công tác chuyên môn đã tích cực kêu gọi, kết nối nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ các em nhỏ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn... với những món quà thiết thực, ý nghĩa.

Cô giáo Quảng Trị đoạt giải Nhì cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến

Quang Hiệp |

Ngày 1/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 với chủ đề: “Sách và khát vọng cống hiến”. Lựa chọn giới thiệu cuốn sách “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa – 1972)”, cô giáo Phạm Thị Thúy Hồng, công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP. Đông Hà vinh dự đoạt giải Nhì.

Cô giáo như mẹ hiền

Trần Tuyền |

Hiện nay, nhiều trẻ nhỏ từ hơn 1 tuổi đã được bố mẹ gửi vào trường lớp hoặc nhờ ông bà nội ngoại chăm con để mưu sinh. Trước thực tế đó, nhiều trường mầm non, nhóm lớp tư thục đã đón nhận trẻ từ 18 tháng tuổi để chăm sóc. Công việc chăm các cháu nhỏ tuy vất vả nhưng bằng tình yêu nghề và yêu trẻ, nhiều cô giáo đã trở thành người mẹ hiền thứ 2 của trẻ.

Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng thầy cô giáo nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Nguyễn Xuân Phúc |

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.