Hiện nay, nhiều trẻ nhỏ từ hơn 1 tuổi đã được bố mẹ gửi vào trường lớp hoặc nhờ ông bà nội ngoại chăm con để mưu sinh. Trước thực tế đó, nhiều trường mầm non, nhóm lớp tư thục đã đón nhận trẻ từ 18 tháng tuổi để chăm sóc. Công việc chăm các cháu nhỏ tuy vất vả nhưng bằng tình yêu nghề và yêu trẻ, nhiều cô giáo đã trở thành người mẹ hiền thứ 2 của trẻ.
Nghề chọn người
5 giờ 30 phút, chuông báo thức reo vang. Cô giáo Dương Thị Nhi (sinh năm 1963) thức dậy đi chợ sớm để mua thực phẩm tươi sạch về chuẩn bị thức ăn cho trẻ. Một ngày làm việc mới của cô Nhi thường bắt đầu như thế.
Nhóm trẻ tư thục Ánh Dương (Khu phố 1, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) được thành lập từ năm 2018. Từ đó đến nay, cô Nhi vừa làm quản lý, vừa là cô nuôi. Hằng ngày đưa con đến nhóm trẻ Ánh Dương, các bậc phụ huynh đã quen với nụ cười đôn hậu của cô Nhi. Ít ai biết rằng, nghề nuôi dạy trẻ đã vận vào cô gần 40 năm nay. “Năm 1985, tôi làm giáo viên mầm non ở Nông trường Cao su Dốc Miếu, thuộc Công ty Cao su Quảng Trị. Những năm đầu thập niên 2000, cấp trên có chủ trương bàn giao bậc mầm non của các nông trường cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh quản lý. Lớp mầm non của Nông trường Cao su Dốc Miếu cũng không ngoại lệ. Sau hơn 16 năm nuôi dạy trẻ tại đây, tôi được ký hợp đồng vào Trường Mầm non Hoa Mai (thị trấn Gio Linh)”, cô Nhi nhớ lại.
Năm 2005, một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của cô, đó là được ngành Giáo dục Gio Linh biên chế về Trường Mầm non Linh Thượng (nay thuộc xã Linh Trường). Qua quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, 3 năm sau cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Linh Thượng, rồi thuyên chuyển công tác về làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai; Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoạ My. Tháng 3/2018, cô nghỉ hưu theo chế độ.
Thời gian qua hệ thống trường mầm non và nhóm lớp tư thục trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Hiện, toàn tỉnh có 19 trường, 207 nhóm lớp tư thục. Các trường mầm non, nhóm lớp tư thục đã góp phần huy động trẻ đến trường, giải quyết những vấn đề khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trong điều kiện trường công lập chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Nhìn chung, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đã được các đơn vị chú trọng và từng bước phát triển đáng kể. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan đến bạo hành hay ngộ độc thực phẩm đối với trẻ tại các cơ sở mầm non tư thục. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Minh cho biết
“Vì yêu nghề, mến trẻ nên chỉ hơn 1 tháng sau khi nghỉ hưu, tôi mở nhóm trẻ tư thục Ánh Dương để tiếp tục được nuôi dạy trẻ. Những ngày đầu thành lập nhóm trẻ chỉ có 7 cháu. Đến nay, nhóm trẻ thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 15 cháu từ 18-36 tháng tuổi, lúc đông nhất khoảng 20 trẻ. Vì cơ sở hạ tầng, nhân lực có hạn nên tôi không nhận nhiều hơn”, cô Nhi bộc bạch.
Nghề nuôi dạy trẻ cũng đến với cô giáo Lý Thị Quỳnh (sinh năm 1994) như là cơ duyên. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô theo học ngành Sư phạm mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Năm 2014, Quỳnh tốt nghiệp. Vì hoàn cảnh gia đình nên lúc bấy giờ, cô trải qua nhiều công việc khác nhau để mưu sinh.
Tuy nhiên, trong quãng thời gian bộn bề nỗi lo cơm áo, niềm nhớ nhung nghề giáo vẫn âm ỉ, thôi thúc trong lòng Quỳnh. “Đầu năm 2022, trong khi đang muốn đi dạy thì em biết được Nhóm trẻ tư thục Ánh Dương tuyển cô nuôi dạy trẻ. Thế là em được làm đúng nghề mà mình yêu thích từ đó đến nay”, Quỳnh nói.
Niềm hạnh phúc đến từ con trẻ
Khoảng 7 giờ sáng, phụ huynh đưa con đến lớp. Có trường hợp, phụ huynh mang theo thuốc nhờ cô cho con uống. Vì thế, cô Quỳnh phải ghi nhớ thông tin để tiện cho việc chăm sóc trẻ. Sở thích, tính cách mỗi trẻ một khác. Có bé dễ ăn, dễ ngủ, một số bé thì ngược lại. Đối với những trẻ khó ăn, cô phải dỗ dành để bé ăn trọn bữa. “Những trẻ khó ăn, kén ăn nếu la mắng thì sẽ không hiệu quả vì trẻ càng sợ hãi hoặc khó chịu hơn. Vì thế, mình phải nhẹ nhàng, dỗ dành để trẻ nghe lời”, Quỳnh chia sẻ.
Không chỉ cho trẻ ăn uống, ngủ nghỉ, cô còn phải làm vệ sinh cho những bé nhỏ tuổi. Giữa các buổi, Quỳnh dạy trẻ các trò chơi dân gian, dạy trẻ hát, đọc thơ, vẽ tranh... Khi được hỏi về niềm vui nỗi buồn của nghề, cô cười rồi kể: “Với tôi thì nghề này mang lại nhiều niềm vui hơn là nỗi buồn. Mặc dù khá vất vả nhưng mỗi ngày tôi được thấy các con vui chơi, nô đùa, lớn lên là niềm hạnh phúc không gì đong đếm được. Thậm chí có nhiều cháu quấn quýt cô không chịu rời, khi ăn hay khi ngủ đều phải có cô bên cạnh”.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, cô Nhi biết lựa chọn thực phẩm phù hợp theo từng mùa để chế biến thành món ăn ngon, bổ dưỡng cho trẻ. Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu nên thường bị ho, sốt vào những hôm thay đổi thời tiết hoặc mưa lạnh kéo dài. Những lúc như vậy, cô Nhi tìm các loại thảo mộc, bài thuốc Nam có công dụng hạ sốt, giảm ho để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Hằng ngày được chăm sóc, nuôi dạy trẻ, thấy trẻ mạnh khỏe vui chơi là là niềm hạnh phúc dung dị đối với cô Nhi.
Vượt khó vì lòng mến trẻ, yêu nghề
Năm 1998, cô giáo Phạm Thị Thanh Hương tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non, Trường Cao Đẳng Sư phạm Nhà trẻ - Mẫu giáo Trung ương 2 (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang). Sau một thời gian dài dạy học trong môi trường công lập, năm 2005, cô Hương thành lập nhóm lớp tư thục Tương Lai tại đường Nguyễn Du, TP. Đông Hà.
Qua thời gian, nhu cầu của phụ huynh ngày càng tăng trong khi điều kiện cơ sở vật chất của nhóm lớp có hạn. Trước thực tế đó, vào tháng 5/2013, cô Hương thành lập Trường Mầm non tư thục Hoa Sữa với 5 lớp, 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên; tiếp nhận chăm sóc, nuôi dạy 115 trẻ từ 12 - 60 tháng tuổi.
Điều thuận lợi đối với Trường Mầm non Hoa Sữa là trường tư thục nên chủ động trong khâu tuyển chọn giáo viên, nhân viên theo nhu cầu; đội ngũ giáo viên trẻ năng động, nhạy bén trong tiếp cận các phương pháp giáo dục mới cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nuôi dạy trẻ. Trường được phụ huynh tin tưởng, học sinh quý mến không chỉ bởi các cô giáo tâm huyết, yêu nghề mà còn ở phương pháp giáo dục.
Cô Hương cho hay: “Phương châm của trường là giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Bên cạnh thực hiện theo khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường còn nghiên cứu, triển khai các phương pháp giáo dục mới, tăng cường hoạt động dã ngoại để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Trường xây dựng thư viện sách với 1.000 đầu sách nhằm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, nói không với việc cho trẻ xem ti vi, thiết bị điện tử. Ngoài giờ học, các cô cho trẻ vui chơi, trải nghiệm với nguyên vật liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, trường còn tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, giúp khai mở trí thông minh ngôn ngữ cho trẻ”.
Tuy nhiên, với đặc thù là trường tư thục nên Trường Mầm non Hoa Sữa gặp một số khó khăn nhất định. Trong 2 năm 2020 - 2021, dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề, trong đó có cả nghề giáo. Vì đời sống khó khăn nên một số giáo viên của trường đành phải nghỉ dạy.
Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn TP. Đông Hà có nhiều trường mầm non và nhóm trẻ tư thục. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, Trường Mầm non Hoa Sữa vừa phải đáp ứng về cơ sở vật chất, vừa đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ.
Nắm bắt được tâm lý của phụ huynh, khâu thực phẩm dành cho trẻ cũng được Trường Mầm non Hoa Sữa chú trọng. Trường nhập mua thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng tại những nơi có uy tín, nguồn gốc rõ ràng với tiêu chí chất lượng được đặt lên hàng đầu.
Nhờ làm tốt khâu quản lý, chế biến thực phẩm nên từ trước tới nay chưa xảy ra trường hợp nào liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Trước xu thế phát triển của mạng xã hội, trường thành lập trang fanpage trên facebook, các nhóm trên zalo để cập nhật tình hình nuôi dạy, sức khỏe, tâm lý con trẻ hằng ngày cho phụ huynh. Nhờ vậy, phụ huynh có thể nắm bắt, tương tác với các giáo viên thường xuyên, giúp gắn kết giữa con trẻ, phụ huynh và nhà trường.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)