Trần Thị Châu- Cô giáo vùng cao với nhiều việc làm ý nghĩa

Minh Long |

Rời nơi chôn nhau cắt rốn ở Cam Lộ lên vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị) lập nghiệp từ năm 2002, cô giáo Trần Thị Châu đã chọn xã A Xing (nay là xã Lìa) làm quê hương thứ hai của mình. Hai mươi năm là giáo viên Trường Mầm non xã A Xing, thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, cô thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Vì thế, cô có những việc làm thiết thực để tiếp sức cho trẻ em đến trường.


Những ngày trước thềm năm học mới này, cô Châu tất bật hẳn. Tranh thủ thời gian ngày thứ Bảy, Chủ nhật và buổi tối, cô cắt may áo quần tặng cho trẻ em người dân tộc thiểu số nơi trường mình công tác và một số trường học trên địa bàn vùng khó để các cháu có được bộ áo quần mới kịp lễ khai giảng.

Việc làm này được cô duy trì gần 20 năm nay. Nhờ biết kỹ thuật cắt may nên cô thường xuyên vận động, quyên góp từ chủ các xưởng may, cửa hàng thời trang trẻ em, cửa hàng vải và các đơn vị, cá nhân hảo tâm khắp nơi trên cả nước về nguồn vải, quần áo mới, quần áo đã qua sử dụng.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cô Châu may áo quần tặng cho các cháu người dân tộc thiểu số - Ảnh: M.L
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cô Châu may áo quần tặng cho các cháu người dân tộc thiểu số - Ảnh: M.L

Mỗi lần xuống chợ tỉnh, chợ huyện gặp hàng vải tồn kho, giá bình dân cô bỏ tiền túi để mua về, rồi dành thời gian cắt may. Đối với hàng may sẵn, cái nào bị lỗi thì cô gia công chỉnh sửa lại theo số đo của các cháu.

Mặc dù bận rộn công việc tại trường, rồi chăm sóc gia đình, thế nhưng cô Châu luôn sắp xếp thời gian may và sửa áo quần để hằng tháng có áo quần tặng cho các cháu. Vào đầu mỗi năm học mới, cô trao tặng từ 40 - 50 bộ áo quần cho các cháu là người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Vào các đợt cao điểm phòng chống COVID - 19, cô chủ động mua vải để cắt may hàng trăm chiếc khẩu trang, vận động thêm xà phòng rửa tay và nước diệt khuẩn hỗ trợ cho người dân địa phương.

Vào dịp mùa đông, vùng núi vô cùng giá rét, thương các cháu nhỏ ngày ngày đến lớp với quần áo không đủ ấm, cô Châu lại kết nối khắp nơi để vận động, quyên góp chăn ấm, áo quần ấm, tất chân, mũ len để tặng cho trẻ nhỏ.

Ngày nghỉ cuối tuần, cô tranh thủ đến thăm hỏi từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, động viên các cháu đi học chuyên cần. Mùa mưa bão, cô Châu không quản ngại vất vả, hiểm nguy đứng đón, cõng từng cháu qua suối và các đoạn đường ngập nước. Cô Châu chia sẻ: “Xuất thân có hoàn cảnh khó khăn nên khi sống cùng người dân nơi đây tôi rất đồng cảm.

Đặc biệt, các cháu nhỏ ở đây rất thiệt thòi nên tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để chia sẻ phần nào những khó khăn, vất vả đó. Nhìn các cháu cũng như phụ huynh vui vẻ khi đón nhận tình cảm, sự hỗ trợ của mình là tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường Mầm non A Xing cho biết: “Cô Châu là giáo viên có thời gian công tác lâu năm ở trường. Cô rất năng động, nhiệt tình trong công việc, tích cực đến từng nhà để động viên, vận động các cháu đến lớp, tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của từng cháu để giúp đỡ.

Các hoạt động chăm sóc trẻ ở trường được cô chăm lo chu đáo, coi trẻ như con mình. Từ những nỗ lực và nhiệt huyết đó cô Châu đã được nhiều cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng; là tấm gương sáng cho cán bộ, nhân viên, giáo viên ở đơn vị học tập làm theo”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cô giáo lấy thân che chắn cho học sinh trong vụ xả súng ở Texas

Thanh Mai |

Cô Irma Garcia là một trong hai giáo viên, cùng 19 học sinh đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại trường tiểu học Robb, bang Texas, Mỹ ngày 24/5.

Cô giáo tâm huyết bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Vân Kiều

Minh Long |

Sinh ra, lớn lên ở vùng đất giàu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nên cô giáo Lê Thiên Lý, dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều. Cô Lý còn lồng ghép đưa nội dung này vào tiết văn học hay các buổi sinh hoạt ngoại khóa để truyền đạt cho học sinh. Việc làm của cô góp phần đổi mới phương pháp dạy học, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Cô giáo yêu nghề, yêu ca hát

Kô Kăn Sương |

Cô giáo Trần Thị Mĩ Lệ, giáo viên bộ môn Âm nhạc, Trường Tiểu học và THCS Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được biết đến là một giáo viên tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực tìm kiếm phương pháp dạy học mới để truyền cảm hứng âm nhạc đến với nhiều thế hệ học sinh. Đặc biệt, sở hữu giọng ca thính phòng, cô đã tạo ấn tượng khi tham gia và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi, chương trình văn nghệ lớn, khẳng định bản thân không ngừng rèn luyện, học tập, vươn lên để cống hiến, thỏa niềm đam mê ca hát…

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên - Tấm gương sáng tự học và sáng tạo

Hiếu Giang |

Nhiều năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Hàm Nghi, TP. Đông Hà (Quảng Trị) miệt mài “truyền lửa” ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy được đánh giá cao. Cô cũng có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa hướng về cộng đồng. Với những nỗ lực cống hiến thầm lặng, cô đã đạt được nhiều thành công trong công việc.