Cô giáo Nguyễn Thị Duyên - Tấm gương sáng tự học và sáng tạo

Hiếu Giang |

Nhiều năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Hàm Nghi, TP. Đông Hà (Quảng Trị) miệt mài “truyền lửa” ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy được đánh giá cao. Cô cũng có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa hướng về cộng đồng. Với những nỗ lực cống hiến thầm lặng, cô đã đạt được nhiều thành công trong công việc.

Ẩn giấu đằng sau vóc dáng nhỏ bé của nữ giáo viên bước sang tuổi 44 này là một sự lao động, sáng tạo miệt mài không ngơi nghỉ. Cô Duyên đã áp dụng được nhiều ứng dụng hiện đại vào lớp học của mình và được phản hồi rất tích cực từ phía học trò. Trong những ứng dụng đó, cô tâm đắc nhất là phần mềm Skype. Nhờ Skype cô có cơ hội gắn kết đồng nghiệp trên cả nước và quốc tế. Nhờ Skype, cô đã đưa học sinh của mình "đi du lịch vòng quanh thế giới" và cô cũng nhận thấy được sự chuyển biến tích cực của học sinh trong quá trình học tập nhờ ứng dụng hữu ích này. Cô sử dụng website ClassDojo để quản lý lớp học và tương tác với phụ huynh.

Cô Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Hàm Nghi, TP. Đông Hà (đứng giữa) nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Hàm Nghi, TP. Đông Hà (đứng giữa) nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: NVCC

“Tôi đã sử dụng công cụ ClassDojo để tạo ra các lớp học, xây dựng bộ kỹ năng như một phương tiện đánh giá học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện nền nếp. Qua 2 năm thực hiện tôi thấy rất hiệu quả khi sử dụng website này vào công tác chủ nhiệm”, cô Duyên cho biết. Cô cũng thường sử dụng một số công cụ như: Microsoft Forms (tương tự Google Forms), Kahoot, Quizizz… để khảo sát thông tin và tổ chức các trò chơi khi củng cố bài học hoặc trong giờ hoạt động tập thể. Không những thế, cô còn hướng dẫn học sinh về ứng dụng Canva để các em có thể làm thiệp, video tặng thầy cô, bạn bè. Trường Tiểu học Hàm Nghi nơi cô công tác cũng là một trong những trường đi đầu trong ứng dụng các phần mềm như: Microsoft Teams, Zoom, Meet, Skype đảm bảo cho việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao; 100% giáo viên của trường đều sử dụng tốt các phần mềm trong dạy học.

Cô Duyên chia sẻ, cơ duyên đã cho cô biết đến nhóm Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam. Từ đây cô được tiếp cận với những đồng nghiệp nhiệt huyết, sáng tạo và sẵn sàng hỗ trợ nhau, đây là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp làm giáo dục của cô. Từ hiểu biết tích lũy được, cô và các thành viên đã lan tỏa việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đến các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Hiện tại, cô Duyên tham gia rất nhiều hội nhóm ứng dụng CNTT vào dạy học, như: Team truyền thông và người kiểm duyệt nhóm Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam - dành cho giáo viên sáng tạo toàn quốc trên mạng xã hội facebook có 113.900 thành viên; quản trị viên nhóm Mystery Skype/Skype in the Classroom dành cho giáo viên quốc tế kết nối, giao lưu, hiện có gần 8.000 thành viên trên toàn thế giới; quản trị viên nhóm “Chúng tôi là giáo viên Quảng Trị” chia sẻ về công nghệ cho các giáo viên tại địa phương qua nhóm Facebook và Microsoft Teams... Điều phối viên “Dự án hỗ trợ giáo viên” do thầy Đinh Ngọc Sơn hiện là Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) khởi xướng, đã thu hút hàng nghìn thầy, cô giáo phổ thông trong cả nước tham gia. Cô còn kết nối với một số thầy, cô giáo trên toàn quốc chia sẻ các ứng dụng CNTT cho một số trường học tại địa phương.

Với vai trò là trưởng nhóm “Thiện nguyện giáo viên Quảng Trị” gồm có 4 thành viên, cô cùng với các thành viên đã kêu gọi cộng đồng giáo viên trong cả nước, các nhà hảo tâm, quyên góp và trực tiếp trao tặng cho người dân vùng lũ, vùng khó khăn. Trong suốt 3 tháng, tính từ tháng 10/2020 đến 1/2021, gia đình cô cùng nhóm thiện nguyện tranh thủ trong những ngày nghỉ đã mang tấm lòng của các nhà hảo tâm đến những địa chỉ cần giúp đỡ. Nhóm đã trao gần 100 lượt quà với tổng trị giá trên 300 triệu đồng tiền mặt; trên 35 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm … cho học sinh vùng khó, bệnh viện, mái ấm tình hồng và đồng bào vùng lũ trong tỉnh và tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình. Từ 2018 đến nay, cô Duyên tham gia cùng nhóm “Nồi cháo nhân ái Quảng Trị”, nấu cháo dinh dưỡng phát cho các bệnh nhân nghèo vào trưa thứ 6 hàng tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Với những nỗ lực trong trào thi đua dạy tốt, học tốt, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT vào quá trình dạy học đạt được kết quả cao, nhiều năm liền cô giáo Nguyễn Thị Duyên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận từ cấp thành phố, cấp tỉnh đến cấp quốc gia, quốc tế. Trong đó, tiêu biểu là: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là “Giáo viên tiêu biểu của năm 2019; bằng khen của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị về đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm” 5 năm liền (2016 - 2020); giải thưởng Giáo viên toàn cầu năm 2020 của AkS Education Awards (Global Teacher Award 2020 Winner, AKS); giải thưởng truyền cảm hứng cho giáo viên quốc tế của một số tổ chức quốc tế. Bốn năm liền từ 2018 - 2021, cô Duyên được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft…

Từ năm 2018 đến nay, cô có hai sáng kiến kinh nghiệm về ứng dụng CNTT trong dạy học đạt cấp thành phố, cấp tỉnh. Hai năm liền 2019 và 2020, có 2 dự án về chủ đề bảo vệ môi trường kết hợp ứng dụng CNTT của lớp do cô chủ nhiệm đã lọt Top 50 dự án toàn quốc dự thi tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Kết nối với 150 giáo viên và lớp học trong nước và quốc tế tham gia “thực tế ảo” đến thăm “Bảo tàng Quảng Trị” và “Thành Cổ Quảng Trị” nhân ngày hội Skype in the Classroom vào năm 2019. Cô Duyên cùng 123 giáo viên là chuyên gia của Microsoft hỗ trợ cộng đồng giáo viên trong nước cũng đã được Hệ Tri thức Việt - Cục Thông tin và Khoa học quốc gia và Tập đoàn Microsoft Việt Nam cấp giấy chứng nhận trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19 và thúc đẩy giáo dục trực tuyến.

Dù đạt được nhiều thành tích, nhưng cô vẫn rất khiêm tốn khi có ai đó hỏi về bản thân mình. Cô Duyên chia sẻ: “Mỗi thầy, cô giáo hãy là tấm gương sáng tự học và sáng tạo. Những gì chúng ta đang và sẽ làm không phải là đích đến, đó là những bước đi và động lực để chúng ta tiếp tục trên hành trình dài học tập và chia sẻ”.

TAGS

“Quả ngọt” của cô giáo dạy văn

Minh Long |

Bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến vì sự nghiệp giáo dục của địa phương, những năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Duyên, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Thận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) không ngừng nâng cao trình độ, trau dồi nghiệp vụ và sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, truyền cảm hứng cho học sinh. Những nỗ lực không mệt mỏi đó đã giúp cô sớm gặt hái những mùa “quả ngọt”, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Cùng Xanh EWEC hiện thực hoá ước mơ trở thành cô giáo của nữ sinh Vân Kiều

Trường Sơn |

Tự nhận thấy được chỉ có con đường học tập mới thoát được sự nghèo khó, thay đổi số phận, nữ sinh người Vân Kiều - Hồ Thị Hữu (sinh năm 2002, trú tại thôn Tà Cu, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã nỗ lực hết mình, trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Huế, thực hiện ước mơ làm một cô giáo của bản làng. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui là những lo toan, bất an vì việc học phía trước của em sẽ có rất nhiều khó khăn.

Trường Mầm non Tuổi Hồng rút đơn đề nghị xác minh cô giáo trong clip nhạy cảm

Lê Minh |

Ngày 27/7/2021, Công an huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, Trường Mầm non Tuổi Hồng đã gửi tờ trình xin rút đơn đề nghị xác minh làm rõ người tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của giáo viên và uy tín nhà trường.

Cô giáo ủng hộ toàn bộ tiền thưởng cho Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19

Q.H |

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1978), giáo viên Trường Tiểu học&THCS Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vừa ủng hộ 5 triệu đồng cho Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19. Số tiền kể trên là phần thưởng mà cô Yến nhận khi vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2021.