Cô giáo yêu nghề, yêu ca hát

Kô Kăn Sương |

Cô giáo Trần Thị Mĩ Lệ, giáo viên bộ môn Âm nhạc, Trường Tiểu học và THCS Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được biết đến là một giáo viên tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực tìm kiếm phương pháp dạy học mới để truyền cảm hứng âm nhạc đến với nhiều thế hệ học sinh. Đặc biệt, sở hữu giọng ca thính phòng, cô đã tạo ấn tượng khi tham gia và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi, chương trình văn nghệ lớn, khẳng định bản thân không ngừng rèn luyện, học tập, vươn lên để cống hiến, thỏa niềm đam mê ca hát…

Đam mê ca hát

Mĩ Lệ sinh ra và lớn lên ở Khối 3B, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa trong một gia đình có ba làm nghề giáo. Hát hay cùng với đam mê âm nhạc từ nhỏ nên cô thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ do nhà trường và địa phương tổ chức; biểu diễn giao lưu văn nghệ giữa các trường học trong huyện, là hạt nhân trong các phong trào thi đua của nhà trường. Phát hiện năng khiếu về âm nhạc đặc biệt của Mĩ Lệ, gia đình, thầy cô và bạn bè đã động viên cô phát huy và thi vào trường âm nhạc.

Cô giáo Mĩ Lệ thường xuyên luyện tập để có nhiều sáng tạo trong dạy học và ca hát - Ảnh NVCC
Cô giáo Mĩ Lệ thường xuyên luyện tập để có nhiều sáng tạo trong dạy học và ca hát - Ảnh NVCC

Năm 2006, cô đăng ký thi và đỗ 3 trường: Thủ khoa chuyên ngành Thanh Nhạc- Học viện Âm nhạc Huế ( đào tạo ca sĩ); Đại học Sư phạm Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Huế và Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị - chuyên ngành sư phạm. Yêu ca hát và yêu nghề giáo của ba, mơ ước sau này vừa đi dạy, vừa có thể đi biểu diễn, Mĩ Lệ quyết định chọn Đại học Sư phạm Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Huế để theo học.

Tốt nghiệp đại học, năm 2010 Mĩ Lệ nhận công tác tại Trường THCS Hướng Việt, một trường học thuộc vùng đặc biệt khó khăn ở Hướng Hóa. Dạy học ở đây được 1 năm, vì hoàn cảnh gia đình, cô phải chuyển công tác về Trường Tiểu học & THCS Hải Chánh cho đến nay. Trong thời gian dạy tại Hướng Việt, cô được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 mời tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu IV-2010 và đoạt Huy chương vàng tiết mục đơn ca “Suối hát”- sáng tác của Hoàng Thành.

Lúc này, nhạc sĩ Hoàng Thành là Trưởng Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV đã mời cô ở lại công tác tại đoàn nhưng vì yêu nghề giáo, muốn đem kiến thức và truyền cảm hứng âm nhạc đến với học trò thân yêu nên cô tiếp tục với sự nghiệp “trồng người”. Mỗi khi có các cơ quan, đơn vị khác ngành mời biểu diễn chương trình văn nghệ, Mĩ Lệ đều sắp xếp công việc ổn thỏa để tham gia và lần nào tham gia cô cũng đạt được giải cao. Năm 2015, cô lại vinh dự được tham gia trong liên hoan văn nghệ quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu IV, đoạt giải A tiết mục “Hát đợi anh về”- sáng tác của Xuân Thủy.

Từ đó đến nay, Mĩ Lệ đã được các nhạc sĩ mời thể hiện ca khúc mới sáng tác như: “Đôi mắt Blouse trắng”, “Hành trang Blouse”, “Nỗi nhớ sông quê”, “Cam Lộ trong tôi” (sáng tác Nguyễn Chơn Viễn); Hạnh phúc của em (sáng tác Thu Hường - đoạt giải Nhì cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức). Đây là bài hát viết về những khó khăn, gian khổ của người giáo viên đồng bằng lên công tác ở miền núi, vượt bao đèo cao, suối sâu để vận động, đưa học trò đến lớp nhưng nụ cười của cô giáo vẫn luôn rạng rỡ trên môi mỗi khi lên lớp dạy chữ cho các em…

“Từng giảng dạy ở miền núi nên tôi hiểu rõ những vất vả của người giáo viên vùng sâu, vùng xa, phải vượt cả trăm ki lô mét đường lầy lội, núi đồi, sông suối hiểm nguy để đến điểm trường. Nhiều khi cả tháng trời không được về thăm nhà nhưng mỗi khi nghĩ đến học sinh nơi đây đang còn “khát” chữ, chúng tôi lại động viên nhau cố gắng làm sao để dạy tốt, giúp các em tiếp thu những kiến thức mới, được học tập đầy đủ hơn. Hạnh phúc của thầy cô rất đỗi giản dị, hôm nào các em không bỏ lớp là chúng tôi vui lắm rồi. Và, mỗi lần nhớ đến cảnh ấy, cảm xúc trong tôi dâng trào khi thể hiện những ca từ của bài hát”, Mĩ Lệ chia sẻ.

Khi đồng ý nhận bài hát mới, Mĩ Lệ tự vỡ bài, tập bài theo bản nhạc của nhạc sĩ trên cây đàn của mình, sau đó thu âm cùng bản phối, có những câu chữ biến tấu phù hợp để khoe chất giọng thính phòng của mình. Vừa qua, Mĩ Lệ thực hiện thành công MV bài hát “Hành trang Blouse trắng” (sáng tác Nguyễn Chơn Viễn). Đây là bài hát viết về cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của các chiến sĩ áo trắng thầm lặng. Bài hát được công chúng đón nhận và chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội, được phát sóng trên kênh FM Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị.

Cô giáo Mĩ Lệ thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ lớn ở địa phương - Ảnh NVCC
Cô giáo Mĩ Lệ thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ lớn ở địa phương - Ảnh NVCC

Luôn yêu nghề giáo

Với Mĩ Lệ, hát là niềm đam mê, âm nhạc làm cho tâm hồn con người luôn trẻ trung, yêu đời, còn thực tế cô vẫn dành trọn tình yêu cho nghề giáo. Trong các tiết dạy học của mình, cô luôn chuẩn bị chu đáo các bài giảng, đổi mới cách thức để làm sao truyền cảm hứng đam mê âm nhạc cho học trò hiệu quả nhất; quan sát, phát hiện những học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng, phát triển. Nhờ vậy, mỗi khi đến tiết của cô dạy, học sinh luôn cảm thấy thích thú và chăm chỉ học tập.

Mĩ Lệ cho hay: “Âm nhạc là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Do đó, người dạy bộ môn này phải thực sự tận tâm, có trách nhiệm với học sinh, tạo cơ hội cho các em được trải nghiệm và phát triển năng khiếu của mình”.

Ngoài giờ lên lớp, cô mở thêm lớp dạy đàn organ cho những em học sinh có đam mê âm nhạc, giúp các em phát triển năng khiếu; ôn thi vào đại học ngành âm nhạc, mầm non và đã có học sinh thi đỗ đại học âm nhạc, có em giờ đây đã trở thành đồng nghiệp của cô. Hiện tại, cô là Tổ trưởng chuyên môn Tổ Năng khiếu của trường. Công việc chuyên môn cũng rất nhiều, nhưng cô vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi của nhà trường và Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện tổ chức.

Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin giỏi trong dạy học cấp huyện; đoạt giải A cuộc thi “Thiết kế bài giảng E - Learning”- lĩnh vực Âm nhạc, cấp huyện năm học 2016 - 2017; giải nhất cuộc thi “Tiếng hát người cầm phấn” cấp huyện 2017; đạt thành tích xuất sắc trong liên hoan văn nghệ văn hoá học đường cấp tỉnh năm học 2020-2021.

Là giáo viên, có con nhỏ, chồng cũng là giáo viên nên ngoài giờ lên lớp thì những lần đi hát cũng ảnh hưởng không ít đến cuộc sống gia đình của Mĩ Lệ. Tuy nhiên, cô luôn biết cách sắp xếp, cân bằng mọi công việc giữa gia đình, cơ quan và xã hội để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, chồng cô luôn sát cánh động viên, giúp đỡ, chia sẻ việc nhà và tạo mọi điều kiện để cô theo đuổi đam mê ca hát.

“Hiện em đang nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học bộ môn âm nhạc chuẩn bị cho cuộc thi giáo viên dạy giỏi năm học 2021- 2022 trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp”, Mĩ Lệ chia sẻ.

Cô giáo Mĩ Lệ thu âm bài hát “Hành trang Blouse trắng” -Ảnh NVCC
Cô giáo Mĩ Lệ thu âm bài hát “Hành trang Blouse trắng” -Ảnh NVCC

Theo cô lý giải, không như những môn học khác, môn âm nhạc là môn học nghệ thuật được truyền tải bằng âm thanh và chủ yếu là thực hành. Nếu dạy học trực tiếp cô sẽ hát mẫu sau đó học sinh hát theo, nhưng khi triển khai trực tuyến thì không thực hiện được bước này vì nếu cả lớp cùng hát qua micro thì rất ồn, không thể quản lý được. Cách dạy hiệu quả nhất là giáo viên chia học sinh thành từng nhóm nhỏ, chọn bạn hát tốt nhất lớp để hát mẫu và kiểm tra. Quan trọng là khi cô bắt nhịp học sinh mới hát chứ không được hát tự do sẽ khiến lớp học trở thành “mớ hỗn loạn”. Khi kết thúc bài dạy, học sinh phải tập hát và trả bài tập vào nhóm của lớp để giáo viên kiểm tra, đánh giá. Việc tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình giảng dạy online là điều cực kỳ quan trọng.

“Tôi không dạy hết tất cả các bài học trong sách giáo khoa mà thường xen kẽ bài hát trong và ngoài sách, như thế nhiều học sinh sẽ thích thú hơn. Ví dụ như cuối tiết học âm nhạc, tôi có thể dạy các em bài hát “Vũ điệu rửa tay”. Tôi tin là bên cạnh việc tạo được sự hấp dẫn cho học sinh qua bài hát còn cho các em thêm kiến thức để chủ động phòng chống dịch bệnh”, Mĩ Lệ chia sẻ thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên - Tấm gương sáng tự học và sáng tạo

Hiếu Giang |

Nhiều năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Hàm Nghi, TP. Đông Hà (Quảng Trị) miệt mài “truyền lửa” ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy được đánh giá cao. Cô cũng có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa hướng về cộng đồng. Với những nỗ lực cống hiến thầm lặng, cô đã đạt được nhiều thành công trong công việc.

“Quả ngọt” của cô giáo dạy văn

Minh Long |

Bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến vì sự nghiệp giáo dục của địa phương, những năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Duyên, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Thận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) không ngừng nâng cao trình độ, trau dồi nghiệp vụ và sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, truyền cảm hứng cho học sinh. Những nỗ lực không mệt mỏi đó đã giúp cô sớm gặt hái những mùa “quả ngọt”, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Cùng Xanh EWEC hiện thực hoá ước mơ trở thành cô giáo của nữ sinh Vân Kiều

Trường Sơn |

Tự nhận thấy được chỉ có con đường học tập mới thoát được sự nghèo khó, thay đổi số phận, nữ sinh người Vân Kiều - Hồ Thị Hữu (sinh năm 2002, trú tại thôn Tà Cu, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã nỗ lực hết mình, trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Huế, thực hiện ước mơ làm một cô giáo của bản làng. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui là những lo toan, bất an vì việc học phía trước của em sẽ có rất nhiều khó khăn.

Trường Mầm non Tuổi Hồng rút đơn đề nghị xác minh cô giáo trong clip nhạy cảm

Lê Minh |

Ngày 27/7/2021, Công an huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, Trường Mầm non Tuổi Hồng đã gửi tờ trình xin rút đơn đề nghị xác minh làm rõ người tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của giáo viên và uy tín nhà trường.

Cô giáo ủng hộ toàn bộ tiền thưởng cho Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19

Q.H |

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1978), giáo viên Trường Tiểu học&THCS Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vừa ủng hộ 5 triệu đồng cho Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19. Số tiền kể trên là phần thưởng mà cô Yến nhận khi vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2021.