Cô giáo tâm huyết bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Vân Kiều

Minh Long |

Sinh ra, lớn lên ở vùng đất giàu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nên cô giáo Lê Thiên Lý, dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều. Cô Lý còn lồng ghép đưa nội dung này vào tiết văn học hay các buổi sinh hoạt ngoại khóa để truyền đạt cho học sinh. Việc làm của cô góp phần đổi mới phương pháp dạy học, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Cô Lý là người dân tộc Pa Hy. Từ nhỏ, cô sống cùng gia đình gần bản Pa Nho (nay là Khối 6, thị trấn Khe Sanh), nơi có nhiều người Vân Kiều sinh sống. Vì thế, cô thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng như được chứng kiến nhiều lễ hội, phong tục độc đáo của người dân nơi đây. Từ khi còn là học sinh, cô Lý đã rất tò mò với những gì diễn ra trong ngôi nhà sàn giản dị ở bản như ngôn ngữ, trang phục, giao tiếp, ẩm thực, nhạc cụ, dụng cụ truyền thống… Cùng với những cảm nhận trực quan, cô bắt đầu tìm hiểu văn hóa đặc trưng của người Vân Kiều qua các tài liệu ở thư viện nhà trường, những bài nghiên cứu về dân tộc thiểu số trên các báo, tạp chí...

Cô Lý luôn dành thời gian để truyền đạt những giá trị đặc sắc về văn hóa người Vân Kiều cho học sinh - Ảnh: M.L
Cô Lý luôn dành thời gian để truyền đạt những giá trị đặc sắc về văn hóa người Vân Kiều cho học sinh - Ảnh: M.L

Đặc biệt, cô rất thích gặp gỡ, trò chuyện với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để nghe họ kể về những câu chuyện hay, phong tục đẹp… của đồng bào. Tình yêu đối với văn hóa người Vân Kiều ngày một lớn dần trong cô. “Gần 50 năm sinh sống, gắn bó với người dân tộc thiểu số, tôi rất thân thuộc và cảm thấy yêu thích những gì mà họ có. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng mỗi khi nhìn thấy bà con khoác lên mình những bộ trang phục dệt bằng thổ cẩm đẹp mắt, được xem đội nghệ nhân cồng chiêng nhảy múa, hát ca trong những ngày lễ hội, được thưởng thức những món ăn lạ, ngon của người Vân Kiều…Tất cả những điều đó khiến tôi càng mong muốn tìm tòi, nghiên cứu sâu hơn bản sắc văn hóa của họ”, cô Lý chia sẻ.

Dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Khe Sanh từ năm 1997, “tư liệu sống” cho quá trình nghiên cứu của cô đó là thời gian thực tế tại cộng đồng người Vân Kiều. Mỗi khi rảnh rỗi, cô tìm đến tận các bản làng để tìm hiểu về phong tục tập quán, lễ hội, và đặc biệt là trang phục của người dân. Khoảng thời gian ấy đúc kết cho cô những kiến thức quý giá. Từ những mẫu váy áo, khố, khăn, hoa văn trên trang phục của người Vân Kiều đến ý nghĩa của từng loại hoa văn đều được cô tìm hiểu kỹ càng, chụp ảnh, vẽ lại trên giấy để làm tư liệu.

Sau đó, cô phối hợp với một số nghệ nhân dệt thổ cẩm trên địa bàn để dệt lại từng mẫu hoa văn mà mình sưu tầm được. Sau nhiều năm dày công tìm tòi nghiên cứu, sưu tầm, cô Lý đã hoàn thành bản thảo cuốn sách “Tìm hiểu về trang phục của người Vân Kiều”, dự kiến sẽ được xuất bản trong năm 2022. Bản thảo sách tập trung giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các loại hoa văn trên trang phục người Vân Kiều, kèm theo những hình ảnh chân thực của từng loại hoa văn, những bộ trang phục được thiết kế trên cơ sở những mẫu hoa văn do cô sưu tầm, vẽ lại.

Với mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người Vân Kiều, cô Thiên Lý đã tham mưu và được ban giám hiệu nhà trường đồng ý cho học sinh nhà trường tìm hiểu về văn hóa dân tộc Vân Kiều như trang phục, nhạc cụ, các làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống… qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Sau này trở thành những bài giảng chính khóa trong môn học “Giáo dục địa phương” của chương trình giáo dục mới. Để có buổi học diễn ra sinh động cho học sinh, cô thường liên hệ, bố trí giảng dạy ngay tại địa bàn dân cư Khối 5 và Khối 6 ở thị trấn Khe Sanh, nơi có cộng đồng người Vân Kiều sinh sống. Bằng tâm huyết, đam mê và sự am hiểu của mình, cô Lý đã truyền cảm hứng tìm hiểu giá trị đặc sắc về văn hóa dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Vân Kiều nói riêng cho học sinh.

Chia sẻ về những dự định đang ấp ủ, cô Lý cho biết: “Tôi mong muốn những đóng góp của mình sẽ giúp cho học sinh hiểu được bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đang kết nối với một số người bạn là người dân tộc thiểu số am hiểu về văn hóa của người Vân Kiều để hoàn thiện cuốn sách về trang phục người Vân Kiều; xây dựng một số hình ảnh tư liệu, phim ngắn tư liệu phản ánh về đời sống, phong tục tập quán của người Vân Kiều, góp phần xây dựng nguồn tư liệu để giảng dạy cho học sinh, đồng thời quảng bá trên các kênh truyền thông nhằm giới thiệu rộng rãi về bản sắc văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cô giáo yêu nghề, yêu ca hát

Kô Kăn Sương |

Cô giáo Trần Thị Mĩ Lệ, giáo viên bộ môn Âm nhạc, Trường Tiểu học và THCS Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được biết đến là một giáo viên tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực tìm kiếm phương pháp dạy học mới để truyền cảm hứng âm nhạc đến với nhiều thế hệ học sinh. Đặc biệt, sở hữu giọng ca thính phòng, cô đã tạo ấn tượng khi tham gia và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi, chương trình văn nghệ lớn, khẳng định bản thân không ngừng rèn luyện, học tập, vươn lên để cống hiến, thỏa niềm đam mê ca hát…

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên - Tấm gương sáng tự học và sáng tạo

Hiếu Giang |

Nhiều năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Hàm Nghi, TP. Đông Hà (Quảng Trị) miệt mài “truyền lửa” ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy được đánh giá cao. Cô cũng có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa hướng về cộng đồng. Với những nỗ lực cống hiến thầm lặng, cô đã đạt được nhiều thành công trong công việc.

“Quả ngọt” của cô giáo dạy văn

Minh Long |

Bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến vì sự nghiệp giáo dục của địa phương, những năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Duyên, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Thận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) không ngừng nâng cao trình độ, trau dồi nghiệp vụ và sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, truyền cảm hứng cho học sinh. Những nỗ lực không mệt mỏi đó đã giúp cô sớm gặt hái những mùa “quả ngọt”, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Trường Mầm non Tuổi Hồng rút đơn đề nghị xác minh cô giáo trong clip nhạy cảm

Lê Minh |

Ngày 27/7/2021, Công an huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, Trường Mầm non Tuổi Hồng đã gửi tờ trình xin rút đơn đề nghị xác minh làm rõ người tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của giáo viên và uy tín nhà trường.