Cuộc hôn nhân bình dị mà son sắt của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ

Thanh Mai |

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng gọi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là hoàng hậu của ông, một hoàng hậu đầy tình yêu thương và lòng tận tụy.

Phải lòng sau một chuyến xe đi nhờ

Chuyện tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ bắt đầu lãng mạn như chính những câu văn và lời thơ họ viết. Đó là vào một ngày đầu năm 1973, khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi nhờ xe đạo diễn Hoàng Tích Chỉ ra thăm miền Bắc. Đến Đồng Hới, họ ghé thăm Hội Văn nghệ Quảng Bình, nơi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đang sinh hoạt. Vừa gặp gỡ, nhà văn 36 tuổi đã bị chinh phục bởi vẻ xinh đẹp, dịu dàng của tác giả "Khoảng trời, Hố bom". Hoàng Phủ Ngọc Tường thú nhận: "Mình bị sốc vì Dạ quá hiền dịu và rất dễ thương". Và cũng bởi vậy, họ bắt đầu thư từ qua lại.

Đôi vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ (Ảnh: internet)
Đôi vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ (Ảnh: internet)


Sau 6 tháng, được sự vun vén của những người bạn cùng làng văn, cặp đôi quyết định về chung một nhà. Ngày 27/10/1973, bạn bè văn chương đã đến chật khu nhà số 51 Trần Hưng Đạo để mừng lễ tân hôn của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ, đánh dấu sự gắn kết của một cặp đôi sở hữu tài năng văn chương xuất chúng.

Có lúc "hục hặc" vì thiếu tiền, rồi lại lẳng lặng ứng lương cho chồng lo nghiệp văn chương

Thời bao cấp, cán bộ đã khổ, vợ chồng nghệ sĩ như Tường - Dạ càng khổ hơn. Tường là người đàn ông “ham chơi”. Lương bổng hai người chưa đến 120 đồng, không đủ nuôi hai đứa con, mẹ già chồng, thế mà hễ bạn bè đến nhà là Tường gọi: “Dạ ơi, cho anh mấy chai bia”.

Nhưng không chơi, không đàm đạo văn chương thì không thể viết được. Dạ hiểu điều đó. Tường đi lang thang suốt Cà Mau, Quảng Nam, Quảng Trị, Sài Gòn… Dạ đều âm thầm chuẩn bị lộ phí cho chồng. Những tháng ngày ấy, bạn bè đến nhà không hề biết hai vợ chồng đã có lúc “hục hặc” vì thiếu tiền.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Ảnh: TP)
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Ảnh: TP)


Gia đình nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mấy đời ở Huế, Mỹ Dạ thì gốc gác nhà quê Quảng Bình, nên không ít lần mẹ chồng nàng dâu không hiểu nhau… Nhưng nhờ bản tính dịu dàng, dần dần Dạ đã được mọi người nhà chồng yêu mến. Năm 1979, chiến tranh biên giới ác liệt. Tường sốt ruột nói với vợ: “Anh phải lên biên giới thôi, đất nước nguy nan…! Em còn tiền không?”.

Thời đó, gia đình nào cũng sống bằng đồng lương, tem phiếu, làm gì có tiền dự trữ. Mỹ Dạ lẳng lặng đi bán mấy tấm vải, ứng tháng lương để có tiền cho chồng đi biên giới. Chuyến đi ấy, Hoàng Phủ đã viết được bút ký nổi tiếng “Rừng Hồi”. Chuyến đi nào về Tường viết được cái gì hay, Dạ đều rất phấn chấn. Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984) là hai tập bút ký xuất sắc khẳng định vị trí của Hoàng Phủ trên văn đàn.

"Mỹ Dạ không chỉ là vợ mà là ân nhân"

Ngày 14/6/1998, Hoàng Phủ Ngọc Tường trong chuyến đi dạy “cua” ở Đà Nẵng, bị tai biến mạch máu não hôn mê hai tháng trời. Nghe tin chồng bị nạn, Mỹ Dạ đã hủy chuyến đi Mỹ, tức tốc bay về Đà Nẵng… Suốt 8 năm, Mỹ Dạ luôn luôn ở bên chồng, vừa là người vợ tần tảo, vừa là người mẹ bao dung, săn sóc, đút mớm cơm cháo, thuốc men, xoa bóp, tắm rửa, vệ sinh cho chồng.

Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần ngọng nghịu ứa nước mắt: “Mỹ Dạ không chỉ là vợ mà là ân nhân của mình!”. Ngọc Tường bị liệt nửa người, nằm một chỗ, muốn ngồi dậy Mỹ Dạ phải đỡ lên xuống xe lăn. Mỹ Dạ đi đâu xa một vài ngày là Hoàng Phủ Ngọc Tường không ổn! Tuổi cao, Mỹ Dạ bị nhiều thứ bệnh hành hạ.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một sự kiện. (Ảnh: NHN)
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một sự kiện. (Ảnh: NHN)


Bệnh khớp tay làm Mỹ Dạ không đi xe máy được. Có lần đưa chồng vào nhà vệ sinh, Mỹ Dạ bị ngã vì tay đau không đỡ nổi chồng. Trăm nghìn thứ việc chưa từng có ập xuống đời người phụ nữ làm thơ xinh đẹp ấy. Thế mà bà vẫn hàng ngày dịu dàng bên chồng. Chồng ngủ rồi bà lại thức làm thơ! Có lần quá mệt mỏi, Mỹ Dạ đã làm bài thơ “Lá cờ trắng”, như một tuyên ngôn “đầu hàng thơ”! Nhưng rồi thơ vẫn đến với bà… Khát khao cháy bỏng của Lâm Thị Mỹ Dạ là làm sao chữa cho chồng đi lại được! Bởi thế mà nghe ai nói có thuốc gì hay, thầy nào giỏi, dù xa xôi, tốn kém đến mấy Mỹ Dạ cũng tìm bằng được. 

Tuy ốm đau không đi lại được, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn có trí óc minh mẫn, ông làm thơ, viết văn, đều đặn gửi các tờ báo. Trong một tác phẩm, ông gọi bà là hoàng hậu của một nhà vua không ngai, với những lời lẽ chân tình, cảm động. 

Sau thời gian dài chăm chồng, sức khoẻ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ suy giảm. Ngày 5/7, bà từ biệt cuộc đời tại nhà riêng ở TP. HCM, sau 5 năm bệnh Alzheimer trở nặng, hưởng thọ 75 tuổi. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đi theo người vợ của mình vào ngày 24/7, sau đó vỏn vẹn chỉ 18 ngày. Trước đó, con gái Dạ Thư cho biết, ông đã bị đột quỵ lần 2, sức khỏe rơi vào tình trạng cạn kiệt.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã về với thế giới cỏ hoa tươi non và xanh biếc

Hồ Thế Hà |

Sau khi người vợ, người bạn văn yêu dấu của mình là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giã từ cõi tạm vào ngày 6/7/2023, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã từ giã cõi đời vào ngày 25/7/2023. Trong vòng chưa đầy một tháng mà bạn đọc yêu văn chương cả nước phải ngậm ngùi tiễn đưa hai con người - hai văn cách tài danh vào thế giới vĩnh hằng.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ở tuổi 86 sau nhiều năm lâm bệnh

PV |

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã qua đời sau hơn 20 năm bị tai biến. Ông để lại nhiều tác phẩm truyện ký, bút ký, thơ..., trong đó nổi bật là bút ký 'Ai đã đặt tên cho dòng sông.'

Chiến thắng Khe Sanh: Nguồn mạch cho sự phát triển

Xuân Dũng - Quốc Thắng |

Chiến thắng Khe Sanh (ngày 7/9/1968) chính là nguồn mạch để đổi mới, hội nhập và phát triển. Niềm tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất, về những chiến công phi thường của thời đại Hồ Chí Minh đã dốc sức vì Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Hướng Hóa tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, khát khao xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Khe Sanh- lịch sử và những con số thực tại

Nguyễn Ngọc Tuấn |

Đầu năm 1968, Khe Sanh - Hướng Hóa bỗng nhiên được cả thế giới chú ý, theo dõi khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.