Đạo diễn Trần Vịnh: Mảnh đất Quảng Trị luôn sâu nặng ân tình

Phan Hoài Hương |

Khi nhắc đến Quảng Trị, mạch nguồn ký ức về mảnh đất và con người nơi đây khiến đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh - một vị đạo diễn mà tên tuổi của ông gắn liền với những bộ phim về đề tài chiến tranh - như được khơi nguồn cảm xúc. Dòng ký ức của ông luôn nhắc về những kỷ niệm ở chiến trường Trị Thiên; về tình cảm của bà mẹ Cam Thành (Cam Lộ) chăm sóc ông lúc bị bệnh; về những ngày tháng lăn lộn nơi mảnh đất gió Lào cát trắng để thực hiện các bộ phim về đề tài chiến tranh. Với ông, mảnh đất Quảng Trị luôn sâu nặng ân tình.


“Vùng đất cho tôi nhiều tư liệu quý”

“Tháng 6 năm 1969, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Quảng Trị, vượt Đường 9 để về nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Kể từ đó, tôi phục vụ khắp chiến trường Quảng Trị và Thừa Thiên”, đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Trần Vịnh thuộc lứa diễn viên quân đội đầu tiên được đào tạo tại Trường Nghệ thuật quân đội. Ông được học cả khoa thanh nhạc và khoa kịch nói. Chưa kịp tốt nghiệp, năm 1969, ông đã vượt Trường Sơn tăng cường cho Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên đúng vào những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất ở mặt trận này. Cuộc đời người nghệ sĩ, chiến sĩ của ông cũng được trưởng thành từ đây.

NSƯT Trần Vịnh gặp gỡ các nhân vật trong bộ phim Bến đò xưa lặng lẽ -Ảnh: NVCC
NSƯT Trần Vịnh gặp gỡ các nhân vật trong bộ phim Bến đò xưa lặng lẽ -Ảnh: NVCC

Nhiệm vụ chính của người lính Đoàn Văn công quân giải phóng lúc bấy giờ là biểu diễn phục vụ cho các đơn vị ở tuyến sau, giao liên, tải đạn và quân y viện. Ông chia sẻ: “Hồi ở Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên, tôi hát, ngâm thơ, múa... Tại đây, chúng tôi gặp những người chiến sĩ đến từ nhiều miền quê khác nhau, ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng cùng chung ý chí chiến đấu. Có những lần biểu diễn xong, hai tiếng sau, chúng tôi nghe tin những chiến sĩ xem mình biểu diễn đã chết hoặc bị thương…Suốt đời mình, tôi không thể quên được người lính tên Sang, ở Văn Miếu, Hà Nội. Anh lính này bị thương nặng, nhưng không muốn “phiền” đồng đội cáng mình ra Bắc nên xin ở lại. Lần đó, cả đoàn chúng tôi đã hát, ngâm thơ cho một mình Sang xem. Diễn viên thì đông, mà khán giả chỉ có một nhưng chúng tôi vẫn diễn say sưa, như muốn xoa dịu nỗi đau trên cơ thể của người lính trẻ. Chỉ mấy ngày sau thì Sang mất. Hình ảnh của Sang đã được tôi đưa vào bộ phim “Hai người trở lại trung đoàn”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường Trị Thiên là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và các lực lượng hùng hậu, thiện chiến nhất của quân đội Mỹ-ngụy. Cuộc chiến đấu tuy lâu dài, gian khổ, đầy ác liệt, hy sinh, nhưng quân - dân Trị Thiên đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết vượt mọi hiểm nguy, lập nên những chiến công lẫy lừng, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với chiến trường Trị Thiên mà còn đối với sự nghiệp kháng chiến của cả nước. Chính vì vậy, quá trình biểu diễn, phục vụ chiến đấu nơi đây, tuy đối mặt với gian khó, hiểm nguy nhưng là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời NSƯT Trần Vịnh, khiến ông luôn cảm thấy vinh dự và tự hào.

Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh trong một lần về thăm Quảng Trị -Ảnh: NVCC
Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh trong một lần về thăm Quảng Trị -Ảnh: NVCC

Nhắc đến đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh, khán giả sẽ nhớ đến danh hiệu “Người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phong tặng vào năm 2014 cùng 31 giải thưởng chuyên ngành Điện ảnh và giải thưởng Bộ Quốc phòng. Trong gia tài 70 bộ phim của ông có 13 bộ phim tài liệu.

Trong quãng đời binh nghiệp của mình, trải nghiệm của đời lính những ngày ở chiến trường Trị Thiên, được đi biểu diễn ở những điểm chốt như Thành Cổ Quảng Trị, bờ sông Thạch Hãn… đều là những tư liệu quý để sau này ông đưa vào các bộ phim do mình làm đạo diễn.

Rồi không khí náo nức của những ngày hòa bình lập lại trên quê hương Quảng Trị sau cuộc chiến tranh đầy đau thương, mất mát mà ông được chứng kiến cũng được ông lưu giữ lại như những thước phim tài liệu quý giá. Mỗi lần có dịp trở về Quảng Trị, trong ông luôn hiện lên hình ảnh của những ngày đầu giải phóng đó, để cảm nhận một điều rõ ràng rằng, sau 50 năm, mảnh đất này đã thực sự đổi thay. Nơi đây còn lưu giữ một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời ông. Đó là vào năm 1973, sau khi đón tù binh trao trả ở bờ sông Thạch Hãn về thì ông bị lỵ trực trùng. Một người mẹ tên Liễu ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, đã chăm sóc ông suốt những ngày bị bệnh bằng những bát cháo trắng nhưng đậm đà tình nghĩa. Sau này về Quảng Trị, ông có nhờ tìm người mẹ đó nhưng đến nay vẫn chưa có duyên gặp lại.

Như vẫn còn mắc nợ Quảng Trị…

“Tôi làm phim về đề tài chiến tranh là muốn làm sống lại những năm tháng chiến đấu trong gian khổ, hy sinh và chói lọi vinh quang. Đồng thời, đây còn là tiếng lòng tri ân tới anh linh những cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, đạo diễn Trần Vịnh chia sẻ.

Đạo diễn Trần Vịnh từng tham gia ba cuộc chiến tranh của dân tộc. Vì thế, chất lính luôn thấm đẫm trong sự nghiệp đạo diễn của ông. Gia tài của ông là 568 tập phim chiến tranh ở mọi miền đất nước. Riêng về Quảng Trị, một trong những tác phẩm ghi dấu ấn tên tuổi của ông là bộ phim “Bến đò xưa lặng lẽ”, dài 21 tập. Bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Xuân Đức, tác phẩm từng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004 của Hội Nhà văn Việt Nam, nói về tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân, dân Quảng Trị trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Rồi bộ phim Đối mặt hay “Huế mùa mai đỏ” nói về cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 68, nhưng nhiều câu chuyện xảy ra trong đó lại liên quan đến vùng đất Quảng Trị. Tuy vậy, với mảnh đất anh hùng này, ông luôn cảm thấy như mình vẫn còn mắc nợ. Ông tâm sự rằng: Mảnh đất Quảng Trị đã cưu mang tôi, giúp tôi trưởng thành và có điều kiện trở thành đạo diễn làm phim chiến tranh. Tôi luôn mong muốn làm sao có nhiều tác phẩm hơn nữa về mảnh đất đặc biệt nhất của đất nước này.

Năm nay tôi đã 79 tuổi, thời gian không còn dài nhưng vẫn ấp ủ một ước muốn đó là phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Trị sản xuất ra những bộ phim, vở kịch, những câu chuyện truyền hình nói về đất nước và con người Quảng Trị trong những năm chiến tranh, cũng như trong xây dựng hòa bình. Nếu được, tôi sẽ tặng cả gia tài đạo cụ, phục trang cho Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Trị để đài có thêm điều kiện làm phim và tình nguyện làm đạo diễn miễn phí cho các bộ phim này. Ông mong muốn tỉnh sẽ tổ chức một cuộc thi viết về Quảng Trị anh hùng qua chiến tranh và xây dựng hòa bình, để từ đó có những tác phẩm in thành sách, dựng thành phim, thành kịch.

Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh luôn mong muốn có nhiều bộ phim về mảnh đất, con người Quảng Trị trong chiến tranh và trong xây dựng hòa bình -Ảnh: NVCC
Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh luôn mong muốn có nhiều bộ phim về mảnh đất, con người Quảng Trị trong chiến tranh và trong xây dựng hòa bình -Ảnh: NVCC

Đối với đạo diễn Trần Vịnh, Quảng Trị là mảnh đất anh hùng nên phải được khắc họa bằng những tác phẩm ca ngợi chiến công hiển hách, những hy sinh dũng cảm của quân và dân nơi đây. Bởi, để có được một Quảng Trị giàu đẹp như ngày nay, biết bao máu xương đã đổ xuống. Đạo diễn bộc bạch, từng là người lính đi qua chiến tranh, bản thân ông thấm đến tận cùng nỗi đau thương mất mát của người lính. Chính những trải nghiệm quý giá đó đã thôi thúc ông kể lại câu chuyện chiến tranh thông qua ngôn ngữ điện ảnh một cách chân thật, sâu lắng nhất. “Người ta thường nói người dân ngày càng thờ ơ với phim chiến tranh.

Tôi nghĩ không phải vậy. Bởi mỗi lần phim của tôi chiếu ra thì rất nhiều cựu chiến binh đến xem, họ thấy ấm lòng khi nhắc lại những câu chuyện lịch sử. Chúng ta nói phim chiến tranh ít người xem, “đổ tội” rằng ít người xem là để có cớ làm việc khác”, ông chia sẻ.

Vì thế, cho đến tận bây giờ, đạo diễn Trần Vịnh vẫn giữ trọn đam mê làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng mà ông đã thủy chung gần sáu thập kỷ qua, dẫu rằng đã vào độ tuổi xưa nay hiếm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khởi công xây dựng dự án Khu dịch vụ và sản xuất rượu gạo Kim Long Giao Quảng Trị

Tiến Nhất |

Ngày 6/5, Công ty cổ phần KLG tổ chức khởi công xây dựng dự án Khu dịch vụ và sản xuất rượu gạo Kim Long Giao Quảng Trị và ra mắt sản phẩm rượu Kim Long Giao. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự.

Công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị

Hồng Hà |

Ngày 5/5/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam phối hợp Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Trưởng Ban Đại diện HĐQT- NHCSXH tỉnh; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Nguyễn Thị Hằng; lãnh đạo các sở, ban ngành, Hội đoàn thể cấp tỉnh.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, nền tảng thúc đẩy Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững

Nguyễn Phú Quốc |

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà, nông nghiệp được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 2,5 - 3%.

Quảng Trị mong muốn Chính phủ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu

Tiến Nhất |

Ngày 5/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo chuyên đề “Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”. Tham dự có đại diện các cơ quan bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào.