Phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, nền tảng thúc đẩy Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững

Nguyễn Phú Quốc |

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà, nông nghiệp được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 2,5 - 3%.

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, thời gian qua ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với các chủ trương, chính sách của trung ương, trong năm 2021 ngành nông nghiệp và PTNT đã tham mưu ban hành 1 kết luận, 1 nghị quyết của Tỉnh ủy; 3 nghị quyết của HĐND tỉnh và 2 đề án trình UBND tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Nét mới trên đồng ruộng Hải Lăng - Ảnh: PV
Nét mới trên đồng ruộng Hải Lăng - Ảnh: PV

Trong đó, có 3 chủ trương, chính sách cơ bản, nền tảng đẩy mạnh tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, đó là Kết luận 168 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 162 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực giai đoạn 2022 - 2025. Trong năm 2022, ngành nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh 6 nghị quyết và 1 đề án trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, gắn liền với thực tiễn đã tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh từ cuối năm 2020 đến nay, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,49% và năm 2021 đạt 3,05% (đạt mục tiêu kế hoạch đề ra). Tất cả các lĩnh vực đều được cơ cấu lại theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững; nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên doanh liên kết ngày càng được đẩy mạnh.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 570 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên; trong đó có hơn 143 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; có 87 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP; diện tích sản xuất theo cánh đồng lớn, có liên kết gần 1.150 ha, trong đó có hơn 240 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và canh tác tự nhiên, 60 trang trại chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao.

Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng năm 2021, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng mạnh đạt mức 47.609 tấn, vượt 16,3% kế hoạch đề ra; diện tích rừng tham gia quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đến nay là trên 22.000 ha. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay có 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 63/101 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau: Tình hình thiên tai, thời tiết, dịch bệnh diễn biến khó lường, khó kiểm soát làm ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề cho người sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này, các địa phương chưa thống nhất và tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực tập trung gắn với đầu tư hoàn thiện đồng bộ về cơ sở hạ tầng và thu hút doanh nghiệp chế biến sâu.

Sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, nhỏ lẻ. Quan hệ sản xuất chậm được đổi mới; kinh tế hợp tác, nhất là HTX chưa phát huy hiệu quả và thực hiện vai trò bà đỡ cho xã viên. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn thiếu bền vững; tỉ lệ nông sản qua chế biến còn thấp nên giá trị mang lại chưa cao. Chất lượng nguồn lao động trong nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi toàn diện đời sống KT-XH. Việc huy động các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có liên kết bền vững với nông dân còn khó khăn; huy động, lồng ghép các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế…

Bước vào giai đoạn 2022 - 2030, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã được nêu rõ tại Quyết định 150/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để cụ thể hóa chiến lược trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương; trong đó xác định những quan điểm cơ bản đó là: Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường; phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp hiệu quả, tăng giá trị, nông nghiệp trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành; từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu ra kết nối liên kết chế biến, tiêu thụ.

Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, khó khăn trong thời gian qua, trong thời gian tới để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ngành nông nghiệp và PTNT đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện là:

Thứ nhất, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới; về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp, người sản xuất từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Thứ hai, tập trung chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh về nông nghiệp, nông thôn đã ban hành; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành mới hệ thống cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trong đó chú trọng các chính sách về đất đai, tín dụng, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP….

Thứ ba, rà soát, định hướng để hình thành các vùng sản xuất tập trung, có quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, tích hợp vào quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các giải pháp để triển khai có hiệu quả các quy hoạch tổng thể, chi tiết được duyệt, nhất là các giải pháp về cơ chế chính sách, bố trí, huy động các nguồn lực để thực hiện, trong đó chú trọng huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức trong nông thôn. Xây dựng kế hoạch đổi mới và phát triển HTX trở thành tác nhân kinh tế quan trọng trong chuỗi giá trị. Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển các cụm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo); nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản…).

Thứ năm, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để bắt kịp và đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, tiếp cận và ứng dụng công nghệ số phù hợp với nhu cầu thị trường và doanh nghiệp.

Thứ sáu, tiếp tục chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường nông thôn, phát huy dân chủ cơ sở; đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn.

Với sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, tin rằng trong thời gian tới ngành nông nghiệp và PTNT sẽ thực hiện đạt các mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần có giải pháp phục hóa diện tích ruộng bỏ hoang vì nhiễm mặn

Hiếu Giang |

Gần một nửa trong tổng số 80 ha diện tích ruộng lúa của thôn Tường Vân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã bỏ hoang khoảng 20 năm nay vì nhiễm mặn. Số diện tích còn lại canh tác lúa một vụ cũng “nhờ trời” vì không có hệ thống thủy lợi. Dù đất ruộng lúa tại đây được đánh giá là khá phì nhiêu nhưng do những nguyên nhân bất lợi nói trên nên đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của người dân địa phương.

Thu lãi lớn từ thuê ruộng trồng lúa

Minh Long |

Không chỉ cần mẫn canh tác trên những mảnh ruộng ông cha để lại, những năm qua, ông Phan Văn Tiến ở thôn Cao Hy, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) còn chịu khó thuê lại nhiều mẫu ruộng của những hộ gia đình không đủ điều kiện canh tác để mở rộng sản xuất và phát triển thành vùng trồng lúa lớn.

Ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp lộng lẫy ở Hoàng Su Phì

PV |

Tháng Chín là thời điểm đẹp nhất trong năm để du khách có thể đến với Hoàng Su Phì hay Hà Giang khám phá các góc nhìn mới mẻ của những thửa ruộng bậc thang trải rộng tầm mắt.

Nông dân kẹt ở khu vực cách ly, Công an ra ruộng gặt lúa giúp

Hưng Thơ |

Nhiều hộ dân bị cách ly nên không ra đồng thu hoạch lúa được. Để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19, chính quyền địa phương và các cán bộ, chiến sĩ Công an ở thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) đã ra tay hỗ trợ.