Không chỉ cần mẫn canh tác trên những mảnh ruộng ông cha để lại, những năm qua, ông Phan Văn Tiến ở thôn Cao Hy, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) còn chịu khó thuê lại nhiều mẫu ruộng của những hộ gia đình không đủ điều kiện canh tác để mở rộng sản xuất và phát triển thành vùng trồng lúa lớn.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cộng với sự cần cù, chịu khó nên mô hình kinh tế của gia đình ông mang lại hiệu quả cao, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp nên ông Tiến gắn bó với cây lúa từ khi còn rất nhỏ. Dù không giàu có nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó, gia đình ông vẫn đủ ăn, đủ mặc và nuôi các con ăn học. Năm 2013, khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, ông Tiến dành thời gian tìm hiểu những mô hình cánh đồng lớn hiệu quả, đánh giá khả năng của gia đình trong việc đầu tư phát triển kinh tế và quyết tâm làm giàu từ cây lúa.
Sau khi khảo sát trên địa bàn thôn có nhiều diện tích ruộng kém hiệu quả, thậm chí bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, do chủ số ruộng này đã già yếu hoặc gia đình không có khả năng đầu tư sản xuất nên ông Tiến mạnh dạn thuê lại. Khi đã có nhiều ruộng trong tay, ông vay vốn, đầu tư kinh phí thuê máy móc san ủi mặt bằng, đắp bờ, xây dựng hệ thống kênh tiêu, thoát nước, từng bước đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất tại một số diện tích, sau đó nhân rộng sang các diện tích khác.
Sau nhiều năm dày công cải tạo với kinh phí hàng trăm triệu đồng, đến nay, tổng diện tích ruộng của gia đình ông Tiến lên đến 10 ha, chia thành 4 vùng, mỗi vùng rộng 2,5 ha liền vùng, liền thửa rất thuận lợi trong việc sản xuất lúa, góp phần giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Các loại giống lúa chất lượng cao được ông đưa vào sản xuất, trong đó chủ đạo là giống lúa Khang Dân. Để việc sản xuất thuận lợi, ông đầu tư 3 máy cày phục vụ sản xuất của gia đình và người dân địa phương có nhu cầu.
Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất hiệu quả nên hầu như năm nào gia đình ông Tiến cũng được mùa lúa cả 2 vụ, vụ đông xuân năng suất đạt từ 65-70 tạ/ha, vụ hè thu từ 60-63 tạ/ ha, mỗi năm ông thu về trên 140 tấn lúa. Sản xuất lúa chất lượng nên đầu ra sản phẩm của ông rất thuận lợi, thương lái về tận chân ruộng thu mua. Năm nào được giá, ông xuất bán ngay sau khi thu hoạch; nếu không được giá thì phơi phong kỹ chờ giá lên sẽ bán.
Từ khi sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông lãi gần 500 triệu đồng. Ông Tiến chia sẻ: “Tôi thấy chủ trương tích tụ ruộng đất của Đảng, Nhà nước rất hợp với lòng dân, tạo điều kiện cho những nông dân có khả năng đầu tư mở rộng sản xuất, khai thác và phát huy hết tiềm năng những chân ruộng bỏ hoang, tránh lãng phí. Đặc biệt, những nông dân không có điều kiện canh tác vẫn có được nguồn thu nhập từ mảnh ruộng của mình. Làm lúa cánh đồng lớn có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là giảm bớt được rất nhiều công sức và chi phí trong sản xuất nên thu được nhiều lợi nhuận”.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Tiến luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho nông dân địa phương nếu có nhu cầu. Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Phước Nguyễn Hữu Lân cho biết: “Sau nhiều năm thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, đến nay trên địa bàn xã có rất nhiều hội viên nông dân đi đầu trong tích tụ ruộng đất, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Điển hình có hộ ông Phan Văn Tiến luôn tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năm nào cũng được mùa, năng suất lúa rất cao.
Điều quan trọng là từ những mô hình như thế này đã góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ, giảm bớt chi phí đầu tư, tăng thu nhập, giúp nông dân gắn bó với đồng ruộng và sống tốt trên mảnh ruộng của mình. Vì thế, mô hình sản xuất trên cánh đồng lớn của gia đình ông thường xuyên trở thành nơi tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất của nông dân trong và ngoài địa phương”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)