Dấu ấn BIÊN CƯƠNG

Phạm Xuân Dũng |

Do công việc nên tôi đã có nhiều chuyến đi dọc biên cương Việt - Lào trên đất Quảng Trị. Nhờ vậy có thêm những trải nghiệm và hiểu biết về bộ đội biên phòng ở những nơi phên dậu của Tổ quốc. Bên cạnh Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, ở Quảng Trị có thêm cửa khẩu quốc tế thứ hai là La Lay, một vùng biên viễn phên dậu trọng yếu miền Tây của Tổ quốc Việt Nam vẫn đêm ngày bình yên giữa đại ngàn.

La Lay là một thôn bản đồng bào dân tộc Pa Kô thuộc xã A Ngo, huyện Đakrông, cách Đông Hà khoảng 120 cây số. Tên cửa khẩu quốc tế cũng lấy từ tên bản. Bà con nơi đây sinh sống giữa núi đồi, cư trú hai bên con đường chạy lên cửa khẩu Việt - Lào. Toàn thôn có 70 hộ với hơn 330 nhân khẩu. Bên cạnh những nóc nhà sàn cổ truyền có những ngôi nhà trệt như đồng bào miền xuôi là hình ảnh pha trộn khi giao lưu văn hóa giữa đồng bằng với vùng cao, kể cả trong chuyện lớn như chuyện tạo dựng nên mái ấm. Người dân bản địa dẫu có tiếp xúc với thế giới bên ngoài vẫn giữ được căn cốt văn hóa của mình. Đặc biệt, một đặc điểm dễ thấy ở biên cương, dù là nơi thâm sơn cùng cốc thì đồng bào luôn coi bộ đội biên phòng như người nhà của mình.

Bộ đội biên phòng đồn Ba Tầng tuyên truyền phòng chống dịch - Ảnh: PXD
Bộ đội biên phòng đồn Ba Tầng tuyên truyền phòng chống dịch - Ảnh: PXD

Khi chúng tôi đến thăm già làng Kôn Thương, một bậc cao niên của núi rừng La Lay vẫn còn rất khỏe và minh mẫn, sáng láng. Ông đã kể nhiều chuyện về phong tục tập quán cần phải gìn giữ của miền sơn cước, từ những lễ hội quan trọng liên quan đến sản xuất nông nghiệp vùng cao như lễ hội lúa mới cho đến đám cưới, đám ma. Cao hứng ông đem một nhạc cụ cổ truyền ra đánh cho chúng tôi nghe. Những âm thanh văn hóa đại ngàn cứ ngân vang tưởng chừng như không dứt khiến sớm mai nơi rừng xanh núi đỏ càng thêm sinh động và thiêng liêng. Ông Kôn Thương, già làng bản La Lay vui vẻ chia sẻ tâm tình: “Mình vui lắm, bà con cũng phấn khởi, tin tưởng vào bộ đội biên phòng khi thấy các anh làm nhiệm vụ vì nước, vì dân. Bộ đội giúp dân xóa đói giảm nghèo, chữa bệnh cho dân, làm nhiều việc tốt nên bà con thương bộ đội biên phòng lắm. Bà con hết lòng ủng hộ bộ đội biên phòng và hàng ngày cùng nhau bảo vệ biên giới”.

Bà con La Lay sản xuất mùa này chủ yếu là ngô. Đó là cây lương thực chính theo thời vụ hiện tại, ngoài việc có thể nuôi sống con người nó còn phục vụ cho chăn nuôi. Người La Lay chăn nuôi  gia súc như bò, dê, ngoài ra còn có gia cầm như gà để cải thiện bữa ăn gia đình, phục vụ các lễ hội và cũng là thương phẩm tăng thu nhập của kinh tế hộ gia đình. Nếp sống văn minh, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của mỗi gia đình cũng như cả cộng đồng dân cư đã được quan tâm thường xuyên cho gương mặt vùng cao. Những thay đổi trong nhận thức, trong công việc mưu sinh cùng với sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đã giúp cho đời sống bà con nơi đây ngày càng bớt khó khăn, vất vả, tiến tới ấm no, hạnh phúc. Đó cũng là mơ ước ngàn đời của người dân La Lay.

Già làng ở La Lay là Kôn Thương với nhạc cụ dân tộc cổ truyền. - Ảnh: PXD
Già làng ở La Lay là Kôn Thương với nhạc cụ dân tộc cổ truyền. - Ảnh: PXD

Đã nói đến biên cương không thể không nhắc đến bộ đội biên phòng. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay đứng chân trên địa bàn như một cột mốc tượng trưng cho chủ quyền quốc gia sừng sững giữa đất trời miền tây Quảng Trị. Sống ở địa bàn những vùng đặc biệt khó khăn nhưng tinh thần và ý chí của người lính quân hàm xanh, của bộ đội Cụ Hồ đã vượt lên mọi gian nan thử thách quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những vườn rau xanh giữa những nắng hạn như thiêu như đốt từ bàn tay và những giọt mồ hôi người lính, đã làm dịu đi cái nắng chói chang ở chốn biên thùy; rồi ao cá biên phòng, ao được khơi thông, đào vét ở trên núi chót vót tầng cao có thể coi là minh chứng cho sức mạnh lớn lao, bền bỉ của những quân nhân nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Không chỉ có thế, bộ đội biên phòng La Lay còn ngày đêm trấn giữ nơi cửa khẩu quốc tế để làm tròn nhiệm vụ nặng nề và cao cả mà Đảng và Nhân dân giao phó. Cửa khẩu quốc tế vẫn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nên điều kiện công tác vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sẽ có một cửa khẩu khang trang và tiến dần đến hiện đại hơn nhưng đó là chuyện của thì tương lai đang được chờ đợi và đã mở ra trước mắt. Còn bây giờ, dù điều kiện có thế nào đi nữa thì bộ đội biên phòng và và các lực lượng hữu quan chung tay luôn giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, trong đó có vấn đề thời sự là phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang đe dọa cuộc sống của loài người. Mỗi người tùy theo cương vị và nhiệm vụ được giao mà hết lòng hết sức hoàn thành công việc với hiệu quả và chất lượng cao nhất. Đại úy Nguyễn Thanh Minh, một cán bộ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng quân với dân như cá với nước, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên và nhân dân giao phó”.

Đi thăm chốt phòng dịch Covid- 19 sẽ càng hiểu hơn nhiệm vụ nơi biên cương của bộ đội biên phòng. Các anh dựng lán, ăn ngủ, sinh hoạt tại chỗ, canh gác, tuần tra ngày đêm không phút lơi là để giữ vững an ninh biên cương, giữ vững sự bình yên cho các bản làng, cho cả hậu phương sau lưng mình đang gởi gắm niềm tin vào tuyến đầu chống dịch. 

Bộ đội biên phòng kiểm tra ở Cửa khẩu Quốc tế La Lay - Ảnh: PXD
Bộ đội biên phòng kiểm tra ở Cửa khẩu Quốc tế La Lay - Ảnh: PXD

Quân với dân như cá với nước. Lên vùng cao, nhất là khu vực biên giới sẽ thấm thía câu nói phản ánh một hiện thực sinh động. Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em. Đây không phải là câu nói chung chung mà là khẩu hiệu hành động, là tâm niệm của mỗi người lính biên phòng, của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay.

Biên cương La Lay, vùng đất xa xôi mãi mãi là núm ruột của Quảng Trị - Việt Nam thân thương không bao giờ tách rời trong cảm quan về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng đối với mỗi người dân con Lạc cháu Hồng. Mỗi tấc đất phía tây Tổ quốc này vẫn sẽ ngời lên trong mỗi ngày đã qua và trong những ngày sắp tới.

*

Vùng cao phía nam huyện Hướng Hóa, có một dải đất biên viễn mà gần lắm biên giới Việt - Lào đang từng ngày, từng tháng bươn chải, vượt qua muôn vàn khó khăn để từng bước tạo dựng một mùa xuân cho dải đất này.

Nói đến biên giới là nói đến sự nghiệp biên phòng. Nhìn từ góc độ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia thì khu vực này do Đồn Biên phòng Ba Tầng quản lý, gồm hai xã A Dơi và Ba Tầng với đặc điểm thời tiết vào mùa mưa ở phía ngoài A Dơi thì  nhiều khi vẫn nắng còn phía trong lại mưa ở phía Ba Tầng, tạo nên hình thái thời tiết khá đặc biệt. Nhưng dù nắng hay mưa thì bà con nơi đây cùng với bộ đội biên phòng luôn gắn bó với dân bản vẫn là hình ảnh thân quen ở vùng cao Quảng Trị, nơi tuyến đầu Tổ quốc. Tình quân dân cá nước đã tiếp thêm sinh khí cho mảnh đất phên dậu miền tây. Trung tá Trần Đức Tứ, chính trị viên đồn biên phòng Ba Tầng cho biết: “Chúng tôi xác định: Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là những người ruột thịt nên không quản ngại khó khăn, gian khổ, vui buồn cùng người dân để chung tay góp sức gìn giữ biên cương, làm thật tốt nhiệm vụ của mình”.

Khi về với bản làng tọa lạc trên mảnh đất này, chứng kiến cảnh bà con sinh hoạt đời thường và làm lụng, sẽ thấy vất vả vẫn còn hằn lên trên gương mặt núi rừng nhưng dù vậy vẫn thấy một sinh khí và tình người sâu nặng của những cuộc đời tự nhiên nhi nhiên như cây cỏ đã lựa chọn đất này và thủy chung suốt cả cuộc đời.

Bản làng qua bão lụt, dịch bệnh thì sự sống bản làng vẫn nỗ lực không ngừng vươn lên theo cách của mình qua ngày mưa tháng nắng. Qua những gian nan, thử thách, nội lực vùng cao vẫn trụ vững trên mảnh đất bao đời của cha ông để lại. Đó là sức mạnh nội sinh của đất và người, cứ lặng lẽ, âm thầm nhưng mãnh liệt và không bao giờ chịu khuất phục trước tai ương, để đứng vững và tồn tại, để sống và phát triển, để khẳng định sự hiện hữu của mình ở cửa ngỏ quốc gia. Không ồn ào và hoa mỹ, vùng cao mỗi ngày đã qua không hề đơn giản nhưng vẫn luôn cố gắng vượt lên và khẳng định sinh tồn. Người dân nơi đây đã vượt qua những biến động của thời tiết đất trời, qua thiên tai địch họa mà đồng lòng chung sức xây đắp cuộc đời mình. Nhìn khung cảnh cần lao và bình yên khó có ai nghĩ rằng mảnh đất này cũng như nhiều nơi khác từng trải qua những cơn địa chấn kinh hoàng của thử thách, vậy mà vẫn đứng vững cho đến hôm nay. Đồng bào nơi đây với hầu hết là bà con dân tộc ít người đã vượt qua phong ba, tạo lập cho mỗi nhà, mỗi bản làng một gương mặt quê hương ấm áp vùng cao. Đi trong bản làng trong những tháng ngày này sẽ cảm nhận nhiều hơn, đầy đủ hơn bài ca lao động và ước mơ thanh bình của những con người là chủ nhân nơi đây. Vùng quê này vẫn hồn hậu trong cách sống, cách làm việc, trong việc giữ gìn bản sắc của mình, bản sắc của vùng cao núi rừng Quảng Trị, không dễ lẫn với nhiều nơi khác. Sự sống hồn nhiên và chất phác như cây cỏ trời sinh cũng là một phản chiếu chân thực cuộc sống và tâm hồn của bà con giữa rừng xanh núi thẳm, như thảo mộc thiên nhiên làm nên sức sống vô biên của trùng điệp đại ngàn.

Nắng mưa là chuyện của trời, còn cuộc sống cứ thế mà tiếp diễn. Và trong những ngày mưa gió cuối năm dương lịch, trong cái giá rét của vùng cao, bà con vẫn khẩn trương thu hoạch sắn để chạy đua với thời tiết. Chỉ nhìn cảnh này thôi cũng thấy phần nào gian khó của vùng cao, thấy khác nhau rất xa cuộc sống giữa mưa và nắng dọc vùng biên tái. Đó là hình ảnh tượng trưng phần nào cho tư thế vùng cao không chịu khuất phục những gian nan thời tiết, quyết thu hoạch thành quả lao động vất vả của mình. Đó chính là nghị lực vùng cao. Anh Hồ Khăm, bản Loa, xã Ba Tầng tâm sự: “Dân mình ở đây coi bộ đội biên phòng như người nhà, bà con cùng với bộ đội luôn có ý thức bảo vệ biên giới, chấp hành những quy định của bộ đội biên phòng trong phòng chống dịch, đi lại qua biên giới”.

Dù nắng lửa gió Lào, dù mưa gió đầy trời thì cuộc sống nơi đây không chỉ là mưu sinh mà còn là giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bởi mỗi tấc đất quê nhà, mỗi cột mốc biên cương là tâm hồn, máu thịt của giang sơn Việt Nam. Vì canh giữ đất trời không là nhiệm vụ của riêng ai, dù là dân hay lính, mà đó là nghĩa vụ cao cả của mỗi người trước vận mệnh quốc gia. Cho nên mỗi khi bước chân ra khỏi nhà là bà con đồng tâm với người lính bảo vệ đất nước của mình trong mọi hoàn cảnh, trước những biến động có thể xảy ra.

Tiết học biên giới - Ảnh: Thuý Linh
Tiết học biên giới - Ảnh: Thuý Linh

Còn những người lính biên phòng coi biên giới là nhà, dân bản là bà con thì trọng trách lớn nhất đặt trên vai các anh vì mọi sự no đói, buồn vui và bình yên vùng biên không thể nào thiếu vắng các anh, những cột mốc sống động vùng biên ải. Thượng úy Nguyễn Công Ty, chốt trưởng 78, Đồn Biên phòng Ba Tầng tâm tình: “Chúng tôi xác định nhiệm vụ của mình là giữ gìn sự bình yên vùng đất biên giới, luôn sát cánh với bà con trong mọi việc lớn nhỏ, vượt qua mọi thử thách để biên cương luôn vững vàng”.

Nhưng vùng cao không chỉ là chuyện xưa bày nay làm, không chỉ nhắc lại chuyện muôn năm cũ. Hiện cây cà gai leo, một loại cây dược liệu đang được nhiều khách hàng chú ý cũng đã có mặt nơi xa xôi hẻo lánh này và bước đầu đã hứa hẹn tăng thu nhập, cải thiện kinh tế hộ gia đình, có thể nhân rộng mở ra một hướng đi mới ở vùng cao. Và giữa rừng xanh núi thẳm, những ngôi nhà là mái ấm biên cương do bộ đội biên phòng kêu gọi những tấm lòng vàng thiện nguyện cũng đã dựng lên kiên cố. Và đây là ngôi nhà thứ 5 trong năm 2021 ở khu vực hai xã A Dơi và Ba Tầng. Nhiều bà con đã có thể an cư lạc nghiệp, đã chạm tay vào ấm no khi có bộ đội biên phòng luôn kề vai sát cánh...

Triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2022

Mạnh Hùng |

Ngày 19/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Ninh và Hội LHPN tỉnh Quảng Trị triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2022 tại Đồn Biên phòng Ba Tẩng (huyện Hướng Hóa).

Ấm áp xuân biên cương

Đức Việt |

Với sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp và các đơn vị, doanh nghiệp, Nhân dân trên địa bàn biên giới vùng phía Bắc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đón tết Nhâm Dần thật sự bình yên và ấm áp.

Muôn sắc màu ở Chợ hoa xuân vùng biên cương

Thiên Sơn |

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, tại Chợ hoa xuân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang rất sôi động, nhộn nhịp với hàng trăm loài cây cảnh, cây hoa các loại như đào, mai, quất, cúc, đồng tiền, thọ, giấy...

Quảng Trị: Bàn giao “Mái ấm biên cương” cho hộ nghèo khu vực biên giới

Đình Tiến- Phan Vĩnh |

Ngày 23-1, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tổ chức khánh thành và bàn giao nhà “Mái ấm biên cương" cho gia đình bà Nguyễn Thị Xà.