So với trước kia, phụ nữ ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tiến những bước dài trên con đường bình đẳng giới. Trong hành trình tìm lại tiếng nói của mình, chị em đã sớm nhận thức vai trò quan trọng của con chữ và dựa vào nó để vươn lên.
Không biết chữ, khó bình đẳng giới
Hầu như tối nào cũng vậy, khi màn đêm buông xuống, hội viên phụ nữ ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa lại í ới gọi nhau đi học xóa mù chữ. Những đôi tay vốn chỉ rành rẽ việc nhà cửa, rẫy nương nay lóng ngóng làm quen ngòi bút, viên phấn. Với những phụ nữ cao tuổi, mắt yếu, tay chậm, chuyện chinh phục con chữ khó hơn bội phần. Thế nhưng, tất cả thành viên lớp học đều nêu cao quyết tâm: “Không vì khó mà quay lưng với việc xóa mù chữ”. Từ câu chuyện đời mình và nhiều phụ nữ khác, chị em đã hiểu, con chữ chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa bình đẳng giới.
Thấy quyết tâm của hội viên, chị Hồ Thị Tê, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh rất mừng. Chị Tê cho biết, cán bộ hội vừa cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh lên kế hoạch tổ chức lớp xóa mù chữ thứ ba. Trước đây, cũng như nhiều người, chị Tê rất phiền lòng khi một số phụ nữ trong xã không biết chữ hoặc tái mù chữ. Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh nghĩ, nếu thực trạng này kéo dài thì chị em trên địa bàn còn khổ mãi. Phụ nữ của xã khó vươn đến mục tiêu bình đẳng giới. “Không thể đứng yên, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền hội viên học, học nữa, học mãi. Đối với người chưa biết đọc, biết viết, cán bộ hội vận động tích cực tham gia các lớp xóa mù chữ”, chị Tê kể.

Không chỉ ở xã Thanh, thời gian qua, tại nhiều địa phương thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, phong trào học tập vì tương lai tươi sáng hơn phát triển mạnh trong cán bộ, hội viên phụ nữ. Từ không coi trọng hoặc ngại ngần, nhiều chị em đã tự giác tìm đến các lớp xóa mù chữ. Trong phần lớn gia đình vùng cao, các ông bố, bà mẹ đã tạo điều kiện cho trẻ em gái đến trường. Chuyện ưu tiên con trai hơn con gái trong việc đèn sách không còn phổ biến như trước. Nghe lời khuyên của ông bà, ba mẹ, nhiều nữ sinh đã nỗ lực học tập. Ai cũng hiểu vai trò, ý nghĩa của con chữ đối với cuộc đời mình.
Tín hiệu đáng mừng trên khiến cán bộ, người dân huyện Hướng Hóa rất phấn khởi. Trước đây, một bộ phận người dân vùng cao quan niệm, vị trí của phụ nữ là ở bên bếp lửa. Để làm tròn trách nhiệm của mình, họ phải quần quật lo liệu việc nhà cửa, rẫy nương. Chuyện đèn sách thường bị bỏ lơ, nếu có thì cũng ưu tiên cho nam giới. Vì không được đi học nên trình độ, nhận thức của một bộ phận phụ nữ khá hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến chị em phải chịu thua thiệt so với nam giới.
Trước thực trạng ấy, các cấp, ngành, đơn vị liên quan của huyện Hướng Hóa mà chủ công là Hội LHPN huyện đã vào cuộc. Trước tiên, các cán bộ tâm huyết tập trung thay đổi nhận thức của chị em. Với những hoạt động phong phú, đa dạng, họ đã giúp cán bộ, hội viên hiểu con chữ chính là chiếc chìa khóa vạn năng của phụ nữ.
Đi liền với tuyên truyền, vận động, các cấp, ngành, đơn vị liên quan của huyện Hướng Hóa giúp phụ nữ, trẻ em gái được học tập bằng nhiều cách. Việc triển khai, thực hiện Luật Bình đẳng giới được chú trọng. Nhiều mô hình, câu lạc bộ về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở ra đời, phát huy hiệu quả. Cán bộ huyện, xã sớm có mặt để hỗ trợ phụ nữ trong các trường hợp khẩn cấp. Tại các trường học trên địa bàn, nội dung về bình đẳng giới được lồng ghép, đưa vào chương trình học, buổi ngoại khóa…
Mở ra nhiều điều tốt đẹp
Nhờ phát huy nội lực trong chị em cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, cán bộ, hội viên phụ nữ Hướng Hóa đã từng bước mở cánh cửa tri thức. Tính đến tháng 5/2022, toàn huyện có trên 90% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 tại các xã đồng bào dân tộc thiểu số được phổ cập biết chữ. Con số kể trên không ngừng tăng nhờ sự ra đời của các lớp xóa mù chữ. Ngày càng nhiều phụ nữ người Vân Kiều, Pa Kô vượt khó, chinh phục những đỉnh cao tri thức. Tấm bằng đại học, cao đẳng không còn xa lạ với chị em. Ngoài ra, cán bộ, hội viên phụ nữ cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng… do các cấp, ngành, đơn vị tổ chức.
Có năng lực, trình độ, bằng cấp, nhiều phụ nữ ở huyện Hướng Hóa đã được quy hoạch vào những vị trí chủ chốt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Vai trò, vị trí của phụ nữ trong hệ thống chính trị của huyện ngày càng cao. Tỉ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy đảng và tỉ lệ cán bộ nữ là cán bộ chủ chốt tại UBND các cấp tăng lên. Khoảng cách giới dần được thu hẹp. Nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn được tín nhiệm bầu vào HĐND các cấp. Được biết, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, toàn huyện Hướng Hóa có 11 đại biểu HĐND cấp huyện và 93 đại biểu HĐND cấp xã, thị trấn là nữ.
Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Hướng Hóa đã tìm thấy được sự bình đẳng trong nhiều lĩnh vực khác như: Kinh tế, lao động việc làm; y tế; khoa học công nghệ; văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; gia đình… Trung bình hằng năm có từ 30 - 35% lao động nữ trên địa bàn huyện được tạo việc làm mới. Tỉ lệ lao động nữ được đào tạo tăng từ 18% vào năm 2007 lên gần 50% vào năm 2021. Từ nguồn vốn ủy thác giữa Hội LHPN huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, số dư nợ của hội quản lý là hơn 194 tỉ đồng và số tiền tiết kiệm được hơn 7 tỉ đồng. Toàn huyện có 115 tổ tiết kiệm và vốn vay thôn, bản của phụ nữ với 4.266 thành viên. Ở lĩnh vực y tế, phụ nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trên 96% phụ nữ mang thai được tiếp cận chăm sóc các dịch vụ y tế. Trong những nếp nhà, người phụ nữ đã được tôn trọng và tham gia nhiều hơn vào các quyết định quan trọng. Tình trạng bạo lực gia đình giảm theo từng năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, thời gian qua, công tác bình đẳng giới ở huyện Hướng Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức, tư tưởng của phụ nữ được nâng cao, đặc biệt là nhận thức về Luật Bình đẳng giới. Sự quan tâm, chia sẻ và cách ứng xử của phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, gia đình có những chuyển biến rõ rệt. Vị thế của người phụ nữ ngày càng cao.
“Để công tác bình đẳng giới trên địa bàn đạt được kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tiếp tục tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về giới, phân tích giới, lồng ghép giới cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới cấp huyện và cơ sở. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cần cung cấp các bộ tài liệu, đa dạng hóa hình thức, sản phẩm truyền thông để phối hợp với địa phương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới tại địa phương. Ngoài ra, cần có giải pháp hỗ trợ kinh phí để phát huy hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở”, ông Hổ chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)