Độc đáo Tết Đoan Ngọ của người Thái ở Nghệ An

Hữu Vi |

Trong các cộng đồng người Thái ở Con Cuông (Nghệ An), Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) là một dịp vui trong năm. Đó cũng là một ngày để gợi nhớ công ơn tổ tiên và cho họ hàng sum họp. Ngày này, bà con còn vào rừng hái thuốc nam.

Trong những làng bản chẳng còn mấy ai nhớ tết Đoan Ngọ có từ bao giờ. Những người cao tuổi nhất cộng đồng cũng chỉ nhớ rằng khi mình sinh ra đã có ngày “tết Mồng năm”.

Về sau này khi biết đọc báo, mới biết người miền xuôi gọi là Đoan Ngọ hay tết “diệt sâu bọ”. Người Thái ở huyện Con Cuông gọi là “Tết Mồng năm”.
Lễ cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ ở một đền thờ họ của người Thái ở Con Cuông. Ảnh: Hữu Vi
Lễ cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ ở một đền thờ họ của người Thái ở Con Cuông. Ảnh: Hữu Vi
 

Ngày trước trong các cộng đồng tự túc, tự cấp thì người ta đã chuẩn bị sẵn gà cho ngày này từ khi ra giêng. Ra giêng khí trời ấm áp hơn, những con gà mới lớn trong chuồng đã được nhắm để làm mâm cúng cho ngày mồng năm.

Gà cúng tết mồng năm thường được chăm kỹ nên thường béo tốt hơn gà thường. Có nhà cúng gà trống, nhưng dòng họ Lương của cụ Phúc thì không nhất thiết phải là trống hay mái, miễn sao là một con gà béo tốt. Mật mía để nấu cháo đậu xanh, cháo đậu đen cũng là một thứ quan trọng trong mâm cúng ngày tết mồng năm.


Vào ngày Tết Đoan Ngọ trong nhà ai nấy đều dậy sớm, dẫu không mổ lợn như Tết Nguyên đán nhưng cũng phải mổ gà cúng tổ tiên. Nhiều nhà chỉ coi đây là cái tết nhỏ trong năm, chỉ làm cho đúng thủ tục với tổ tiên để còn tranh thủ ra đồng cấy lúa.
Mâm cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Hữu Vi
Mâm cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Hữu Vi
 

Người ta chỉ vui Tết Đoan Ngọ chỉ trong một ngày nhưng không khí ngày tết thì rất đậm đặc. Tại bản Nưa, bản Tờ, Nà Pha (xã Yên Khê) hay như một số bản ở xã Chi Khê bà con đồng loạt tổ chức ngày này như là một lễ hội thực sự. Chỉ có một số ít dòng họ trong các cộng đồng này là không ăn tết Đoan Ngọ.

Một phần quan trọng nhất trong ngày Tết Mồng năm của người Thái ở Con Cuông là những mâm cúng. Trên mâm cúng ngoài rượu (thường là 2 chén), 2 bát xôi, 1 con gà, 2 chén nước chè xanh thì ngày tết mồng năm tháng năm nhất thiết phải có 2 bát cháo đầu xanh nấu mật mía. Ngày nay người ta cũng có thể dùng đường để nấu cháo miễn sao cho cháo có vị ngọt.


Ngoài mâm cúng “ma nhà” thì trong ngày Tết Mồng năm mỗi gia đình còn phải biện cỗ đi cúng đền thờ tổ của cả dòng họ. Cũng như người miền xuôi, người Thái ở Con Cuông cũng có đền thờ họ. Đây cũng là dịp để mọi người trong dòng họ sum họp ăn uống. Nơi sum họp thường là tại nhà trưởng họ. Nếu những dòng họ có đền thờ bề thế, người ta có thể ăn uống của mọi gia đình trong dòng tộc.
Một thành viên gia đình cúi lạy trước mâm cúng để mời tổ tiên về dự tiệc. Ảnh: Hữu Vi
Một thành viên gia đình cúi lạy trước mâm cúng để mời tổ tiên về dự tiệc. Ảnh: Hữu Vi
 

Có một phong tục khá đặc biệt trong ngày tết mồng năm tháng năm ở Con Cuông, đây là ngày duy nhất trong năm để đi hái thuốc nam.

Người ta quan niệm rằng vào ngày này có nhiều loại cây trên rừng, ngoài vườn trở thành thuốc qúy. Còn những thứ cây vốn đã là thứ thuốc quý thì hái vào ngày này nó sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất. Những người đi hái thuốc thường là phụ nữ trong nhà, đã có kiến thức căn bản về các cây thuốc. Giờ hái thuốc thường được chọn vào chính ngọ.

Trước khi lên đường vào rừng người ta thắp hương khấn trước bàn thờ tổ tiên xin chỉ lối đến chỗ cây thuốc quý.

Vào đến rừng rồi, trước khi hái cây thuốc đầu tiên lại khấn xin với chủ đất (chàu đin, chàu nhà) xin cây thuốc quý về dùng.

Những cây thuốc trong ngày này được cho là sẽ mang lại sức khỏe, bổ dưỡng về tinh thần cho người dùng. Những cây thuốc hái được đem về nấu dùng như nước uống hàng ngày. Vì thế mà ngày tết mồng năm còn gọi là ngày đi hái thuốc.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ với những món ăn truyền thống

Thanh Mai |

Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch hay còn được gọi theo tên dân gian là Tết giết sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ và 3 điều cần lưu ý

Thanh Hương |

Các bà nội trợ nên đặc biệt lưu ý 3 điều dưới đây trước khi chuẩn bị cúng lễ Tết Đoan Ngọ.

Kinh nghiệm phòng dịch ngày xưa qua trưng bày về Tết Đoan Ngọ

Minh Thu |

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, cho biết trưng bày giới thiệu kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh trong dân gian như giết sâu bọ, xông lá thơm, nhuộm móng tay...