Đồng chí Lê Duẩn, nhà lý luận sáng tạo của Đảng

Nguyễn Ngọc Tuấn |

Gần 60 năm hoạt động cách mạng cũng là chừng ấy thời gian đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; say mê tìm tòi, trăn trở để trả lời cho được những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra trên tinh thần tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Thông qua những tác phẩm tiêu biểu như: “Đề cương cách mạng miền Nam”; “Thư vào Nam”; “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”; “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, đồng chí đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, làm phong phú thêm tầm vóc trí tuệ của Đảng và dân tộc ta.

Từ những ngày đầu rời mảnh đất quê hương đi làm cách mạng, hành trang mà đồng chí Lê Duẩn mang theo là lý tưởng của người thanh niên yêu nước, thương nòi; đồng chí đã tự nuôi sống bản thân để thực hiện hoài bão cứu nước bằng lao động chân chính. Sau này, trên con đường hoạt động cách mạng, đồng chí là một tấm gương về lao động và không ngừng lao động sáng tạo. Trong những năm tháng chịu cảnh tù đày dưới hệ thống nhà tù đế quốc, đồng chí đã vượt qua sự tra tấn, khủng bố khốc liệt của kẻ thù, “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, tự học, rèn luyện để trở thành một người cộng sản có trí tuệ lớn, tài năng lớn. Trong thời gian hoạt động ở Nam Bộ, đồng chí là một “ngọn đèn hai trăm nến”, luôn “cháy hết công suất” để lãnh đạo cách mạng miền Nam. Đặc biệt, với khả năng lao động, sáng tạo phi thường, đồng chí đã dự thảo “Đề cương cách mạng miền Nam” là bước khởi đầu để hình thành Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 lịch sử - Nghị quyết tạo ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, với cương vị là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, đồng chí đã làm việc không ngừng để cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, lãnh đạo Nhân dân làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày giải phóng, đất nước phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, đồng chí lao động cho đến hơi thở cuối cùng để lãnh đạo đất nước vững bước đi lên.

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thăm và nói chuyện với cán bộ, Nhân dân khu vực Vĩnh Linh chiều 30 tết Quý Sửu (2/2/ 1973) - Ảnh: T.L
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thăm và nói chuyện với cán bộ, Nhân dân khu vực Vĩnh Linh chiều 30 tết Quý Sửu (2/2/ 1973) - Ảnh: T.L

“Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo” - luận điểm nổi tiếng của Lênin luôn được đồng chí Lê Duẩn thể hiện xuất sắc trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư duy lý luận của đồng chí được cụ thể hóa vào những quyết định có tính bước ngoặt của Đảng đối với cách mạng miền Nam; trong tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cuộc kháng chiến. Đó là dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ. Đó là quan điểm sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản: Đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Là tư tưởng đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp. Tư tưởng đánh địch trên ba mặt trận (quân sự, chính trị, ngoại giao); trên ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, đô thị); bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận)…

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Duẩn luôn suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội và con người Việt Nam. Đó là tư tưởng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tư tưởng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng - văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, nhằm xây dựng chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế mới - nền kinh tế sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Quan niệm về thực chất của chuyên chính vô sản là chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động mà nòng cốt là khối liên minh công -nông; quan điểm về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Quan điểm về công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ và nhiệm vụ chủ yếu của công nghiệp hóa trong chặng đường đầu tiên là đưa nông nghiệp lên một bước sản xuất lớn. Tư tưởng chiến lược về tranh thủ thời gian xây dựng những cơ sở vật chất kỹ thuật trọng yếu, nhằm từng bước hình thành nền kinh tế độc lập, tự chủ…

Những ngày cuối đời, đồng chí Lê Duẩn vẫn nung nấu, trăn trở suy nghĩ về những vấn đề quan trọng để hoàn chỉnh quan niệm của mình về chủ nghĩa xã hội, con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Rất tiếc, do sức khỏe giảm sút nhanh chóng, đồng chí không kịp đưa ra lời giải cho hàng loạt vấn đề mà đồng chí đã đặt ra và dày công suy nghĩ.

Tổng Bí thư Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bằng nhân cách, tài năng và trí tuệ của mình, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần nâng tầm vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Năm tháng sẽ đi qua nhưng những cống hiến của đồng chí Lê Duẩn luôn sống mãi trong lòng dân tộc và mỗi một người Việt Nam yêu nước. Nhân cách, tài năng và trí tuệ của đồng chí mãi tỏa sáng, nhắc nhở các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vươn lên xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tổng Bí thư Lê Duẩn với danh họa Lê Bá Đảng

Nguyễn Hoàn |

Đường dây 500 KV Bắc - Nam sải cánh vững chãi lượn qua núi, vượt trùng mây. Chiếc xe chở tôi vào Tây Nguyên này đâu biết rằng tôi thầm cám ơn nó, vì nó không chỉ chở tôi trong hiện tại mà còn chở tôi ngược về quá khứ, được sống với dư vang của một thời hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, được cảm và nghĩ tới mối liên hệ kỳ thú giữa hai tên tuổi lẫy lừng từng ôm con đường mòn Hồ Chí Minh vào trong trái tim thương nước nồng nàn của mình: Tổng Bí thư Lê Duẩn và danh họa Lê Bá Đảng.

Phê duyệt 45 tỉ đồng tôn tạo Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn

Thanh Hằng |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ra quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (giai đoạn 2) tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong.

Đua thuyền trên sông Thạch Hãn, nét đẹp văn hóa nhân ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn

Ngọc Trang |

Đã hàng chục năm nay, cứ vào dịp ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn hằng năm (7/4), không chỉ người dân ở Triệu Phong mà Nhân dân ở khắp mọi nơi trong tỉnh lại háo hức tham gia so tài, cổ vũ Giải đua thuyền truyền thống trên sông Thạch Hãn. Đây là một trong những hoạt động mang nhiều ý nghĩa để tưởng nhớ ngày sinh người con trung hiếu của quê hương Quảng Trị anh hùng.

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Hà Đăng |

Kỷ niệm 114 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907 - 2021), chúng ta nhớ tới một nhà lãnh đạo được Đảng và Nhân dân ta vinh danh xứng đáng: Một tư duy sáng tạo lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.