Đua thuyền trên sông Thạch Hãn, nét đẹp văn hóa nhân ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn

Ngọc Trang |

Đã hàng chục năm nay, cứ vào dịp ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn hằng năm (7/4), không chỉ người dân ở Triệu Phong mà Nhân dân ở khắp mọi nơi trong tỉnh lại háo hức tham gia so tài, cổ vũ Giải đua thuyền truyền thống trên sông Thạch Hãn. Đây là một trong những hoạt động mang nhiều ý nghĩa để tưởng nhớ ngày sinh người con trung hiếu của quê hương Quảng Trị anh hùng.

 Tổng Bí thư Lê Duẩn là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, đồng thời là nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam. 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, Nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Để tưởng nhớ công lao to lớn này, hằng năm vào dịp ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn, huyện Triệu Phong lại sôi nổi tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Thạch Hãn. Với cách thức tổ chức bài bản, quy mô, năm nào sự kiện này cũng thu hút 18 đội đến từ 18 xã, thị trấn trên địa bàn tham gia và đông đảo khán giả khắp nơi đến xem và cổ vũ. Các đội được chia làm 2 nội dung thi đấu gồm thuyền rồng và thuyền nan. Ở nội dung thuyền rồng có 12 người (hạng A1) sẽ quy tụ các đội đua là địa phương nằm ven sông, có thế mạnh về đua thuyền là Triệu Thượng, Triệu Giang, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu An và thị trấn Ái Tử; nội dung thi đấu thuyền nan có 7 người (hạng A2) là các xã còn lại. Vận động viên đua thuyền là những người khỏe mạnh có tuổi đời từ 18 - 40. Ngày diễn ra giải, từ sáng sớm, các vận động viên, người dân trong và ngoài huyện hội tụ về bến sông trước Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành. Sau lễ khai mạc và dâng hương, dâng hoa viếng Tổng Bí thư Lê Duẩn, các đội sẽ tranh tài các cự ly khác nhau trên thuyền nan và thuyền rồng. Với tinh thần thi đấu thể thao trung thực, cao thượng, các đội tranh tài gay cấn với chiến thuật cài thuyền, lộn vè hợp lý, thể hiện những pha bứt phá ngoạn mục trong tiếng trống dục, tiếng dục chèo của các vận động viên và tiếng reo hò cổ vũ của đông đảo người dân khiến cho không khí ngày lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Giải đua thuyền truyền thống hằng năm trên sông Thạch Hãn nhân ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn diễn ra sôi nổi - Ảnh: N.T​
Giải đua thuyền truyền thống hằng năm trên sông Thạch Hãn nhân ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn diễn ra sôi nổi - Ảnh: N.T​

Lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Triệu Phong còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của Nhân dân và nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng; tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân. Trong tâm thức của người dân, đua thuyền còn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ngày một đi lên. Cũng từ giải đua thuyền truyền thống này, huyện đã tuyển chọn được nhiều vận động viên tiêu biểu tham gia và đạt thành tích cao tại các giải đua thuyền truyền thống cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Ông Phạm Quang Trung (66 tuổi) ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận là người có kinh nghiệm nhiều năm dẫn dắt đội đua thuyền của xã tham gia giải đua thuyền truyền thống của huyện và các giải đua cấp tỉnh, quốc gia chia sẻ: “Mặc dù tham gia nhiều giải và giành được các giải thưởng cao nhưng mỗi lần tham gia giải đua thuyền truyền thống của huyện, tôi có luôn có cảm xúc khó tả vì đây là giải đua mừng ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đặc biệt, khi giải đua kết thúc, phần thưởng cho đội thắng chỉ là một con lợn mấy chục cân nhưng các vận động viên, người dân của xã giành chiến thắng rất phấn khởi cùng nhau mổ lợn, nấu xôi…liên hoan ấm cúng mừng sinh nhật bác Duẩn, người con ưu tú của quê hương Triệu Phong”.

Đối với huyện Triệu Phong, một địa bàn thấp trũng, thường xuyên xảy ra ngập lụt trên diện rộng thì việc tổ chức giải đua thuyền truyền thống hằng năm còn là dịp để nâng cao thể lực, kỹ năng cho các vận động viên - lực lượng nòng cốt tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra ở các xã, thị trấn. Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Giang Phan Văn Đông cho biết: “Trong các đợt lũ lụt tháng 10/2020, hàng trăm ngôi nhà trên địa bàn xã bị ngập sâu trong nước, hàng chục hộ dân bị cô lập. Cùng với lực lượng quân sự, công an thì các vận động viên đua thuyền tham gia rất tích cực và hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn. Do đó, việc duy trì giải đua thuyền truyền thống hằng năm là điều rất cần thiết”.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao huyện Triệu Phong Trần Ba thông tin: “Để Giải đua thuyền truyền thống kỷ niệm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn thành công tốt đẹp, tạo không khí sôi nổi và phấn khởi trong Nhân dân, hằng năm, ban tổ chức giải luôn có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Đối với công tác tổ chức giải năm nay, chúng tôi chú trọng thêm vấn đề phòng, chống COVID - 19. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân khi đến cổ vũ cho các đội đua cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn để phục vụ nhu cầu của mọi người trong thời gian diễn ra giải”.

(Nguồn: baoquangtri)

TAGS

Nghề hấp cá phơi khô ở Gio linh tất bật vào vụ chính

Thiên Sơn |

Cứ bắt đầu từ tháng Hai (Âm lịch) hàng năm, làng nghề truyền thống hấp cá phơi khô ở vùng ven biển huyện Gio Linh (Quảng Trị) lại tất bật vào vụ chính.


Quảng Trị sẽ tổ chức Tết trồng cây năm 2021 tại bờ Bắc sông Thạch Hãn

Tiến Nhất |

Ngày 22/1, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Hưởng ứng Tết trồng cây và chương trình trồng 1 tỉ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, năm 2021, tỉnh dự kiến trồng khoảng 200 cây xanh trên diện tích hơn 3000m2 tại khu vực Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bờ Bắc sông Thạch Hãn vào ngày 17/2/2021, tức là vào ngày 6 Tết âm lịch.

Tàu chở cát gặp nạn trên sông Thạch Hãn, một người tử vong

Hưng Thơ |

Thời điểm xảy ra vụ việc, trên chiếc tàu có 3 người và chở nhiều cát.

Những giọt máu hồng bên bờ Thạch Hãn

Linh Đặng |

Mỗi lần đi qua chiếc cầu bắc qua dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, xanh ngăn ngắt, nhìn sâu vào dòng sông trong xanh ấy ta như thấy long lanh màu máu của hàng vạn thanh niên ưu tú của mọi miền tổ quốc đã vì độc lập của tổ quốc hy sinh nơi đây. Có một dòng sông trở thành lịch sử, một dòng sông nghĩa trang huyền thoại, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những lính vệ quốc vĩ đại. Một dòng sông chỉ nhắc đến tên thôi là làm bao con tim người Việt nghẹn ngào...