Tôi viết những dòng này vào lúc cận kề cuối năm 2022, khi mọi việc vô cùng bận rộn nhưng nó thôi thúc tôi viết những dòng này, điều đọng lại trong trái tim của mỗi con người là sự tri ân. Lòng biết ơn của tôi khi nhận của ai một thứ gì đó, hơn thế nữa là tình cảm của những con người từ nơi xa hướng về miền Trung, về Quảng Trị, về đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô còn gặp rất nhiều khó khăn trên dãy Trường Sơn…
Giữa tháng 12 năm 2022, tôi nhận được tin nhắn từ một người bạn, rằng nhóm “Ong chăm” ở Hà Nội muốn gửi đồng bào Vân Kiều, Pa Kô Quảng Trị 1 tấn muối với 200 vỏ chăn. Tôi đã rất xúc động vì điều này, về món quà bắt nguồn từ muối.
Chúng ta đã trải qua những khó khăn, những hạnh phúc trong cuộc sống. Người dân miền Trung và người Quảng Trị đã trải qua rất nhiều mặn chát trong cuộc đời mình. Cho… muối! Không đơn giản là món quà mà đó còn là lời nhắc, lời nhắn nhủ từ những tấm lòng, với những con người ở miền núi Quảng Trị, rằng tình nghĩa của chúng ta, những con người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam luôn mặn mòi như muối, luôn thiết yếu như muối và không thể thiếu như muối.
Với bổn phận trước cuộc đời, với con người, với đồng bào mình. Và trên hết đó là tình yêu đồng loại, nhóm “Ong chăm” hầu hết là cán bộ về hưu, ở cái tuổi đáng được nghỉ ngơi, hàng trăm thành viên của nhóm lại bước vào hành trình đầy gian nan nhưng đầy hạnh phúc đó là làm thiện nguyện. Với rất nhiều công trình lớn nhỏ trên toàn quốc, truyền thông đã nhắc đến nhiều lần. Cái chúng ta cảm nhận được từ họ, những người ngoài sáu mươi, họ vẫn cống hiến hết mình cho từng con người, từng số phận, từng địa chỉ nghèo khó… đó là tấm gương cho lớp trẻ noi theo và động lực cho đời sau đi tiếp.
Bà Phan Vũ Diễm Hằng người sáng lập nhóm “Ong chăm” đã bộc bạch chia sẻ: Vào năm 1996, sau khi thôi công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tôi bắt đầu tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ và phát triển cộng đồng của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ. Sau những chuyến đi khắp các vùng miền, tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi luôn ám ảnh và thôi thúc tôi phải làm gì đó…
Cần mẩn may từng chiếc áo, đan từng chiếc mũ, khâu từng tấm chăn… để hỗ trợ cho trẻ thơ, người già, phụ nữ và đồng bào gặp khó khăn khắp mọi miền Tổ quốc. Công việc của các thành viên nhóm “Ong chăm” như những con ong chăm chỉ, góp mật ngọt cho đời. Hạnh phúc của họ không đơn thuần là mình, là gia đình và người thân của mình mà “Ong chăm” đã sống và vượt qua nghịch cảnh với hàng ngàn, hàng vạn người, hàng trăm địa chỉ nhân đạo khác nhau.
Năm 2022, nhóm “Ong chăm” được vinh danh bởi giải thưởng Vừ A Dính – giải thưởng được trao cho đối tượng là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, vận động viên, nhà khoa học trẻ là người dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo có sáng kiến, mô hình, công trình hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Đó là niềm vinh dự cho một tập thể đã có rất nhiều nỗ lực, cống hiến cho cộng đồng hơn 20 năm.
Với người làm thiện nguyện nhiều vùng miền khác nhau, người nghèo, địa chỉ khó khăn… cái tên “Ong chăm” như hạt muối, tấm chăn… giữa mùa mưa gió. Ấm áp và mặn mòi, hàng vạn con người vinh danh bởi tấm lòng, chẳng phai…