Hiến tặng mô, tạng - hiến tặng sự sống

Trần Tuyền |

Theo quan niệm, phong tục tập quán của nhiều vùng quê, người chết phải toàn vẹn thân thể để người thân mai táng, thờ phụng. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người đã vượt qua rào cản đó để tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể - một nghĩa cử cao đẹp và giàu ý nghĩa nhân văn, góp phần cứu sống nhiều cuộc đời.


Tâm nguyện của một người trẻ

Nguyễn Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1990) ở Khu phố 1, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), là một trong những người trẻ tuổi nhất trên địa bàn tỉnh đăng ký hiến mô, tạng. Theo lời giới thiệu của một cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chúng tôi gặp Trinh vào một ngày cuối tháng 4.

Trinh có ngoại hình ưa nhìn, lanh lợi và hoạt ngôn. Vợ chồng Trinh có 2 người con và đang sinh sống với gia đình nhà chồng. Cô hiện làm tại bộ phận kỹ thuật của Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Chồng Trinh làm kỹ sư của một doanh nghiệp tại Hà Tĩnh. Là người trẻ, có tư duy tiến bộ nên khi nghe tôi nhắc đến việc đăng ký hiến mô, tạng, Trinh không hề ngại ngần mà chia sẻ câu chuyện của mình.

Nguyễn Thị Ngọc Trinh là một trong những người trẻ tuổi nhất trên địa bàn tỉnh đăng ký hiến mô, tạng - Ảnh: Trần Tuyền
Nguyễn Thị Ngọc Trinh là một trong những người trẻ tuổi nhất trên địa bàn tỉnh đăng ký hiến mô, tạng - Ảnh: Trần Tuyền

“Trước đây, em học ngành công nghệ sinh học ở TP. Hồ Chí Minh. Trong quá trình sinh sống, học tập tại đây, em biết đến việc đăng ký hiến mô, hiến tạng giúp nhiều người vượt qua bệnh tật để hồi phục sức khỏe. Lúc bấy giờ, em đã có suy nghĩ về việc hiến mô, tạng nhưng chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ. Sau này, khi trở về quê làm việc, em tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề này”, Trinh mở đầu câu chuyện.

Một hôm, Trinh đọc được lời kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng của Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ. Suy nghĩ thật kỹ, Trinh quyết định đi đăng ký. Đó là một ngày hè năm 2021. Khi hay tin con gái mình đăng ký hiến mô, tạng, bố mẹ của Trinh không khỏi lo lắng, bất an. Hiểu được nỗi lòng của đấng sinh thành, Trinh trò chuyện, động viên để bố mẹ thấu cảm tâm nguyện của mình và ý nghĩa cao cả của việc hiến mô, tạng. Từ đó, người thân trong gia đình dần thấu hiểu và chấp nhận việc Trinh đăng ký hiến mô, tạng.

“Em đăng ký hiến giác mạc, các bộ phận nội tạng trong cơ thể, không hiến da và xương. Sau khi biết em tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng, chồng của em không phản đối. Ngược lại, anh ấy tán thành và dự định sắp tới sẽ đi đăng ký. Ở cơ quan của em hiện nay cũng có một vài đồng nghiệp đăng ký hiến mô tạng”, Trinh chia sẻ.

Vợ chồng cùng đăng ký hiến mô, tạng

Phải nhiều lần liên lạc đặt vấn đề và thuyết phục, vợ chồng anh T.V.H. và chị N.T.S. (xin giấu tên) mới đồng ý để tôi gặp gỡ, trò chuyện về việc anh chị tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng. Bởi, anh chị tâm niệm đăng ký hiến mô, tạng là việc làm ý nghĩa, cần thiết để có thể cứu sống được nhiều cuộc đời khác mà ai cũng có thể làm được.

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh H. ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh. Anh công tác trong lực lượng quân đội, còn chị là giáo viên mầm non. Vợ chồng anh H. là một trong những trường hợp đăng ký hiến mô, tạng đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Khi được hỏi về cơ duyên khiến cả vợ chồng đều tự nguyện làm công việc này, anh H. kể: “Hằng ngày xem ti vi, đọc báo, chúng tôi biết được ngoài xã hội còn rất nhiều người đau ốm, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn không được cứu chữa kịp thời vì thiếu nguồn mô, tạng để ghép. Từ đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi về vấn đề này.

Năm 2018, khi nhận được thư kêu gọi, vận động hiến mô, tạng của hội chữ thập đỏ, vợ chồng tôi bàn bạc và thống nhất cùng nhau đến Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Linh để đăng ký hiến giác mạc và các bộ phận nội tạng”. Trước đó, anh H. thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện. Tính đến nay, anh đã hiến máu nhân đạo trên 20 lần và tích cực vận động người thân, bạn bè đi hiến máu.

Người con gái đầu của anh chị hiện đang là sinh viên đại học năm nhất. Con trai út đang học lớp 8. Vì các con còn nhỏ nên hiện tại anh chị chưa để các con biết việc này. “Khi nào các con lớn, hiểu chuyện hơn, chúng tôi sẽ nói rõ việc này để các con biết”, chị S. chia sẻ. Theo lời kể của chị S. thì vợ chồng chị đều có tâm nguyện muốn làm việc thiện để giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh chưa cho phép nên anh chị quyết định tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng. Năm 2019, anh chị nhận được thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô, tạng từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế). Từ đó đến nay, anh chị thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn.

Lan tỏa tinh thần nhân đạo

Theo thống kê từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, mỗi năm hội tiếp nhận đăng ký hiến mô, tạng 2 đợt. Từ năm 2019 đến nay, hội tiếp nhận 43 trường hợp đăng ký. Riêng tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh có 3 cán bộ tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng. Tuy nhiên, tỉ lệ này còn thấp so với các địa phương khác.

Ngày càng có nhiều ca bệnh nặng cần được ghép mô, tạng - Ảnh: Trần Tuyền
Ngày càng có nhiều ca bệnh nặng cần được ghép mô, tạng - Ảnh: Trần Tuyền

  Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận; trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng ngàn người có chỉ định ghép gan, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị Cáp Kim Liêm là một trong những người tự nguyện đăng ký hiến các bộ phận nội tạng trong cơ thể và giác mạc. Không chỉ đăng ký hiến, ông Liêm còn tích cực tuyên truyền, vận động người thân và những người xung quanh mạnh dạn đăng ký hiến máu, hiến mô, tạng.

Theo ông Liêm, hiện nay quan niệm của đại bộ phận người dân vẫn còn nặng nề về việc người chết phải toàn thây để người thân mai táng, thờ phụng. Đây là một trong những rào cản khiến nhiều người chưa mạnh dạn đăng ký hiến mô, tạng.

Tuy nhiên, mỗi người có thể đăng ký hiến giác mạc hoặc một số bộ phận nào đó trong cơ thể, không nhất thiết phải đăng ký hiến toàn bộ. “Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp người mắc bệnh hiểm nghèo, nan y, được cứu sống kịp thời nhờ phẫu thuật ghép nội tạng. Đơn cử, đầu tháng 5/2022 một ca ghép tim “xuyên Việt” đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế (TP. Huế). Người hiến tạng được mổ lấy tim tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP. Hồ Chí Minh).

Sau đó, các bác sĩ vận chuyển quả tim từ TP. Hồ Chí Minh về Huế để ghép cho một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Sau ca ghép tim, bệnh nhân hồi phục kỳ diệu. Nếu có nhiều người đăng ký hiến mô, tạng thì đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cuộc đời được cứu sống hơn”, ông Liêm nói.

Chuyên viên Ban Chăm sóc sức khỏe, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Thị Lý cho hay, pháp luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não. Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng suy giảm chức năng và không hồi phục được.

Đây là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép vào cho người bệnh. Ngoài thận, gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy để ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống hơn 10 người khác. “Những năm gần đây, số lượng người đăng ký hiến mô, tạng trên địa bàn tỉnh chưa cao và chưa có trường hợp nào được hiến. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng để tăng nguồn mô, tạng dự trữ. Từ đó, góp phần cứu sống được nhiều cuộc đời hơn”, chị Lý cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đakrông: Tai nạn giao thông khiến 2 thiếu niên tử vong

Trường Nguyên |

Ngày 5/5, thông tin từ Ban An toàn giao thông huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 thiếu niên tử vong.

Mắc COVID-19 thể nặng khiến não già đi 20 tuổi, mất 10 điểm IQ

Xuân Chí |

Nghiên cứu mới cảnh báo rằng sau khi phải nhập viện điều trị COVID-19 thể nặng, não bộ của một người sẽ già đi 20 tuổi.

3 sai lầm thường gặp khi mặc áo chống nắng có thể khiến chị em gặp tai nạn khi tham gia giao thông

Thanh Mai |

Việc sử dụng áo chống nắng chưa đúng cách dẫn đến hạn chế khả năng quan sát khiến chị em dễ gặp các tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Viết tiếp câu chuyện hiến tạng nối dài sự sống: Phép màu kỳ diệu

Đinh Hằng |

Từ hai trường hợp hiến tạng mới đây, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã ghép thành công cho 8 người bệnh.