Họa sĩ Lê Bá ĐảngTrái tim hòa nhịp đập với quê hương

Hoàng Nam Bằng |

Lần đầu tiên tôi gặp họa sĩ Lê Bá Đảng đã gần 20 năm trước. Ông để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên về thần thái, phong cách của người trí thức nho nhã. Cái hồn cốt quê nhà vẫn lưu giữ trong ông qua giọng nói mặc dù đã xa quê nhiều năm.

Năm 2015 ông ra đi, rời “cõi tạm”, để lại niềm tiếc thương cho nhiều người. Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ 27/6 (1921 - 2021) tôi lại có dịp về quê ông ở làng Bích La Đông, xã Triệu Đông (nay là xã Triệu Thành) huyện Triệu Phong để tham dự triển lãm về các tác phẩm nghệ thuật của ông. Đây là triển lãm đặc biệt vì không diễn ra ở trong các phòng trưng bày, nơi chuyên tổ chức triển lãm, hay diễn ra nơi phố thị đông người, mà triển lãm được tổ chức ở một làng quê, trong khuôn viên vườn nhà của ông, trong không gian yên bình, tĩnh tại. Hàng trăm bức tranh được treo ở các lối đi, phía trong tường rào, bên hàng cau, cây khế, cây bưởi, bờ ao…Tranh được trải ra giữa không gian tự nhiên với cỏ cây, hoa trái vườn nhà. Người đứng ra tổ chức triển lãm là vợ chồng anh Lê Bá Phương, chị Trương Thị Thu Hiền, cháu gọi họa sĩ bằng ông. Để có được triển lãm này ngoài những bức tranh mà vợ chồng anh Phương đang lưu giữ, còn có thêm một số bức tranh quý mà bạn bè của họa sĩ ở nước ngoài gửi tặng để triển lãm thêm phong phú, đa sắc màu… Việc tổ chức triển lãm không chỉ để giúp mọi người thưởng thức những bức tranh của một bậc thầy về nghệ thuật hội họa mà còn là dịp để tưởng nhớ đến ông, người họa sĩ tài ba đã góp phần làm rạng rỡ quê hương, đất nước.

Lê Bá Đảng - người họa sĩ luôn đam mê sáng tác nghệ thuật - Ảnh: I.N
Lê Bá Đảng - người họa sĩ luôn đam mê sáng tác nghệ thuật - Ảnh: I.N

Trái tim hòa nhịp đập với quê hương:

Bao nhiêu năm ở tận bên Pháp, lấy vợ, sinh con ở xứ người nhưng tấm lòng, trái tim của ông luôn hương về quê nhà. Ông từng nói “Tôi chưa bao giờ rời bỏ quê hương. Dù cho trên thực tế tôi sống xa quê, nhưng tâm hồn tôi vẫn luôn gắn bó với quê nhà. Và trong lao động nghệ thuật, tất cả những gì tôi làm chỉ là phản ánh tình yêu vô cùng đa dạng đó”. Quê hương nghèo khó với cảnh “đồng khô, cỏ cháy”, những bữa ăn thiếu cơm, những mùa vụ thất bát, xao xác làng quê những ngày giáp hạt cùng với bao kỷ niệm buồn vui bên cánh đồng, dòng sông, bến nước luôn là một phần máu thịt không thể rời xa.

Ở xa quê, nhìn về đất nước chịu nhiều đau thương do chiến tranh, nghèo đói nên ông luôn có ý thức của một người Việt sinh sống ở nước ngoài. Ông đã cùng với các họa sĩ nổi tiếng thế giới kêu gọi các văn nghệ sĩ, trí thức trên thế giới tham gia vào “Ngày vì tri thức Việt Nam” để ủng hộ hòa bình và chống chiến tranh Việt Nam. Năm 1946, ông là một trong hai sinh viên được Hội những người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài cử làm đại diện đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainble tại Sân bay Charles de Gaules. Sau đó, trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ông luôn nghe ngóng tình hình ở quê nhà và mong muốn góp sức mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương. Bản thân ông và gia đình luôn tạo điều kiện tốt nhất và nhiệt tình đón tiếp phái đoàn của Việt Nam trong những lần đến Paris để hội đàm.

Tình yêu quê hương không chỉ thể hiện trong cuộc sống hằng ngày mà còn được biểu đạt đậm nét trong các sáng tạo nghệ thuật của ông. Năm 1970, ông vẽ tranh về ý chí của người Việt trong đấu tranh, gian khổ, ông tổ chức triển lãm “Phong cảnh bất khuất” ở các nước Pháp, Mỹ, Thụy Điển…với tâm nguyện “Tôi đưa vào đây tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng kiêu hãnh, kính trọng những con người bất khuất”. Ông cũng vẽ nhiều tranh từ các đề tài truyền thống của quê hương như Bàn chân Giao Chỉ, truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng với và các bộ tranh “Đất nước”, “Thánh Gióng”, “Đêm Trường Sơn”, “Đường mòn Hồ Chí Minh”…cho thấy tình yêu đất nước bao la. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ nhận xét: “Trong sáng tác, ông luôn lấy quê hương làm niềm cảm hứng chủ đạo. Có một điều xuyên suốt trong mọi tác phẩm của ông, dù là chất liệu gì, hoặc về đề tài gì... tất cả đều toát lên tình cảm về quê hương đất nước Việt Nam, về cha mẹ, về quê hương, về con người”.

Sau này khi đất nước thống nhất ông đóng góp học bổng “Tiếp sức đến trường” cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay xây cầu, làm đường, đình làng. Năm 2005 ghi nhận những công lao đóng góp của ông, Chủ tịch nước đã có quyết định trao tặng họa sĩ Huân chương kháng chiến hạng Nhì do có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ.

Nghệ thuật-con đường đưa họa sĩ vươn tới tầm cao thế giới

Họa sĩ Lê Bá Đảng đến với hội họa như là một định mệnh, một sự lựa chọn không thể nào khác được. Sau 2 năm làm lính thợ trong quân đội Pháp, ông quyết định rời khỏi quân ngũ để tìm hướng đi cho cuộc đời mình. Để bước vào đời một cách vững chãi, tự tin ông quyết định đi học, nhưng khó khăn của ông không chỉ là của một người Việt ở xa đất nước với những bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán. Ông còn gặp khó khi xin vào trường nào cũng bị từ chối, bởi không có văn bằng. Chỉ có trường mỹ thuật là không đòi hỏi bằng cấp và ông đã ghi tên vào đó để học vẽ. Sau 6 năm (1942-1948) miệt mài học tập theo dạng vừa học vừa làm tại Trường Mỹ thuật Toulouse, ông tốt nghiệp, trở thành họa sĩ. Nhờ sự chịu khó học hỏi cùng với đôi tay và bộ óc tài hoa nên ông đã gặt hái được những thành công bước đầu. Sau khi tốt nghiệp ông rời Toulouse để đến Paris kinh đô ánh sáng. Trải qua những năm tháng chật vật, lận đận lúc mới vào nghề, dần dần tranh vẽ của ông được nhiều người biết đến và yêu thích. Năm 1950 ông ra mắt công chúng bằng triển lãm đầu tiên ở Paris, đánh dấu chặng đường khởi nghiệp và từ đây ông bước chân vào làng hội họa thế giới. Nhiều chủ phòng tranh đã đặt hàng để ông vẽ. Tranh của ông được bày bán không chỉ ở Pháp mà còn ở nhiều phòng tranh danh tiếng thế giới. Ngoài nước Pháp ông còn tổ chức triển lãm cá nhân nhiều lần ở Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản… Những bức tranh của ông luôn được giới mỹ thuật đánh giá cao về tài năng sáng tạo với những nét độc đáo, khác lạ.

Lê Bá Đảng bước vào hội họa với cách làm, cách nghĩ riêng, không bị gò bó theo một trường phái nào. Ông đi theo con đường nghệ thuật của riêng mình, không giống ai, không bắt chước ai và cũng không bắt chước chính mình, mỗi tác phẩm là một cá thể với những nét riêng biệt, sáng tạo. Có ý kiến cho rằng nghệ thuật của ông là sự kết hợp tinh tế, nhuần nhuyễn của vẻ đẹp hai nền văn hóa Âu-Á, được thể hiện trên nhiều chất liệu, phong phú và đa thể loại như sơn dầu, màu nước, acrylic, màu in trên lụa, giấy tổng hợp và các chất do họa sĩ chế tạo. Cùng với tranh là một số tác phẩm điêu khắc gỗ, inox, xác máy bay B52 Mỹ, kim loại...Ông cũng đã có những bức tranh hai mặt mà mỗi mặt đều là tác phẩm nghệ thuật.

Những bức tranh của ông được treo bên các hàng cây vườn nhà - Ảnh: H.N.B
Những bức tranh của ông được treo bên các hàng cây vườn nhà - Ảnh: H.N.B


Sau khi đến với “Không gian Lê Bá Đảng”, đạo diễn Đặng Nhật Minh có nhận xét: “Tranh của ông là một miền ký ức bao la về cội nguồn, là ký ức của nhân loại từ thuở hồng hoang. Không còn ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa hội họa và thiên nhiên. Tranh của ông không bị bó hẹp trong khung, nó được gắn vào không gian như một bộ phận không thể tách rời”. Ở Quảng Trị, anh Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở TT&TT là người có nhiều năm nghiên cứu họa sĩ Lê Bá Đảng và có những ý kiến xác đáng về cách nhìn tranh của của ông.

Trong bài “Bắt gặp những ý niệm nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng”, Nguyễn Hoàn viết: “Chính sự cách tân về cách nhìn, điểm nhìn của ông khiến cho người xem muốn thưởng ngoạn trọn vẹn tranh ông thì phải phá bỏ cách xem tranh theo lối cũ. Tranh ông sống theo chiều ánh sáng với những biến đổi của nó qua từng khoảnh khắc. Hơn thế nữa ánh sáng trong tranh ông khác hẳn ánh sáng tạo hóa, điều này dễ dàng kiểm chứng khi xem tranh ông vào lúc chiều xuống, lúc mà ánh sáng tạo hóa bắt đầu tạm biệt cõi trần. Ánh sáng tạo hóa chỉ chiếu thẳng, còn ánh sáng trong tranh ông vừa chiếu qua, vừa chiếu lại, tạo nên loại “ánh sáng thứ ba” theo như cách nói của ông”. Họa sĩ Lê Bá Đảng đã phân tích sự cách tân độc đáo về điểm nhìn trong phần lớn các tác phẩm của mình: “Tôi cứ làm khác người ta, xưa nay người ta quen nhìn thẳng. Bây giờ con người đã bay lên trời rồi thì mình phải nhìn xuống để thâu tóm những gì rộng lớn, bao la, tổng quát để thoát ra khỏi những biên giới, để giải phóng những vòng vây hình thức của bức tranh”. Ở điểm nhìn kỳ vĩ của ông, con người đã trở thành những tâm điểm giao nối vào vũ trụ…tranh ông luôn có con người, đặc biệt là những nhóm người gồm cha mẹ và con cái tạo thành mối hòa hợp nghĩa tình là gia đình đặt trong mối giao hòa với tạo hóa…”.

Là họa sĩ lớn, ông được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế vinh danh. Năm 1989 Viện quốc tế Saint-louis của Mỹ tặng danh hiệu “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo”; năm 1991 “công dân danh dự của thành phố New Orleans”-Mỹ; năm 1992 Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới; năm 1994 được nhà nước Pháp tặng Huân chương văn hóa nghệ thuật Pháp…Suốt cuộc đời họa sĩ Lê Bá Đảng luôn chăm chỉ, cần mẫn lao động không biết mệt mỏi cho đến hơi thở cuối cùng và bằng nghệ thuật hội họa ông đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hơn 150 tư liệu, hình ảnh, tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng được triển lãm tại quê nhà

Thanh Trúc |

Ngày 27/6/2021, tại thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), gia đình cố họa sĩ Lê Bá Đảng tổ chức khai mạc triển lãm nhằm giới thiệu tư liệu, hình ảnh về cuộc đời cũng như các tác phẩm mỹ thuật của danh họa tài ba nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông 27/6 (1921 - 2021). Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự khai mạc triển lãm.

Mùa xanh muôn một của Lê Bá Đảng

Đoàn Hào Vũ |

Lê Bá Đảng sinh ngày 26-7-1921 tại làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông mất ngày 7-3-2015 tại Paris (Pháp).

Tổng Bí thư Lê Duẩn với danh họa Lê Bá Đảng

Nguyễn Hoàn |

Đường dây 500 KV Bắc - Nam sải cánh vững chãi lượn qua núi, vượt trùng mây. Chiếc xe chở tôi vào Tây Nguyên này đâu biết rằng tôi thầm cám ơn nó, vì nó không chỉ chở tôi trong hiện tại mà còn chở tôi ngược về quá khứ, được sống với dư vang của một thời hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, được cảm và nghĩ tới mối liên hệ kỳ thú giữa hai tên tuổi lẫy lừng từng ôm con đường mòn Hồ Chí Minh vào trong trái tim thương nước nồng nàn của mình: Tổng Bí thư Lê Duẩn và danh họa Lê Bá Đảng.

Lê Bá Đảng, vĩnh cửu tình quê tình nước…

Lê Đức Dục |

Về Bích La Đông, đi qua ngôi đình làng trầm mặc, nhìn hồ nước và những vuông cỏ, tâm trí tôi lại hiện về cuộc triển lãm của họa sĩ Lê Bá Đảng gần 30 năm trước, tháng 3 năm 1992. Dịp ấy, những tác phẩm nghệ thuật của ông được trưng bày trên bãi cỏ, trước đình làng, trên tảng đá, ven hồ nước… Khách đến với triển lãm không chỉ có những tên tuổi trong giới nghệ thuật của cả nước và quốc tế mà còn là những người dân lam lũ từ làng quê của ông.