Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV nhiệm kỳ 2021-2026 đánh dấu chặng đường phát triển của các cấp hội và toàn thể hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Trước thềm đại hội, nhiều ý kiến đã gửi gắm tâm tư, kỳ vọng đầy tâm huyết.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPH huyện Vĩnh Linh: Tạo điều kiện để hội viên phụ nữ được bố trí việc làm phù hợp với năng lực
Là một cán bộ phụ nữ, tôi mong muốn Hội LHPN tỉnh khóa mới tạo điều kiện thuận lợi để hội viên phụ nữ phát triển toàn diện về mọi mặt trong đời sống. Trong đó, mong muốn Hội LHPN tỉnh hỗ trợ hội viên toàn tỉnh nói chung, hội viên phụ nữ huyện Vĩnh Linh nói riêng được tiếp cận các lớp dạy nghề, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi để từ đó họ có thêm kinh nghiệm để sản xuất, thành lập các mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tạo cơ hội cho hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để họ mạnh dạn đầu tư làm ăn. Cùng với đó, hỗ trợ các mô hình sản xuất do phụ nữ làm chủ đăng ký nhãn mác, thương hiệu để thị trường tin tưởng đón nhận; liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy để tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản do hội viên phụ nữ làm ra.
Về mặt xã hội, tôi mong muốn Hội LHPN tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động, sân chơi bổ ích như giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, tham gia các lĩnh vực mang lại quyền và lợi ích cho phụ nữ. Mặt khác, vấn đề bình đẳng giới cũng cần được quan tâm chú trọng. Tôi mong muốn Hội LHPN và chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để chị em phụ nữ được bố trí việc làm phù hợp với năng lực, từ đó động viên, khích lệ họ đóng góp xây dựng quê hương.
Ngoài ra ở huyện Vĩnh Linh có 3 xã miền núi, vì vậy, tôi mong muốn các hội viên vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thông tin kịp thời về các chủ trương, chính sách hỗ trợ phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để họ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, sớm thu hẹp khoảng cách với vùng đồng bằng.
Bà Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã Linh Hải, huyện Gio Linh: Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ
Đất nước ta đang trong quá trình CNH,HĐH, vì vậy đòi hỏi người lao động không chỉ có trình độ mà còn phải có chuyên môn kỹ thuật cao. Đây là thách thức lớn nhất đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ ở vùng nông thôn nói riêng. Phụ nữ nông thôn đảm nhận các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp nhưng họ lại ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-công nghệ. Vì vậy, tôi mong muốn Hội LHPN các cấp tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học - công nghệ cho chị em phụ nữ để họ chủ động làm ăn, phát triển kinh tế.
Để thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, tôi mong muốn Hội LHPN tỉnh quan tâm cải thiện sức khỏe của phụ nữ bằng việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe trong việc cung cấp các dịch vụ y tế và kế hoạch hóa gia đình. Bảo đảm cho phụ nữ nghèo được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách thuận lợi, nâng cao chất lượng các dịch vụ sau sinh. Đây là vấn đề cần thiết, vì hiện nay phụ nữ nông thôn vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn và môi trường sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn đang là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Do vậy, mong muốn Hội LHPN tỉnh sẽ tham mưu chính quyền các cấp có chủ trương, chính sách phù hợp trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Bà Hồ Thị Họa My, hội viên Hội LHPN thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông: Hỗ trợ phụ nữ vùng sâu, vùng xa tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi
Sinh ra và lớn lên ở ở thôn Ty Nê, xã A Bung, huyện Đakrông, tôi hiểu được những khó khăn, vất vả trong cuộc sống thường ngày của của phụ nữ nơi miền rẻo cao biên giới. Trước thềm Đại hội Hội LHPN tỉnh, tôi mong muốn Hội LHPN các cấp quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn đến đời sống của phụ nữ tại các huyện miền núi, đặc biệt là đối với chị em sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, tôi cùng nhiều người bạn nỗ lực duy trì và bảo tồn các hoạt động sản xuất nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ mang tính đặc trưng của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Qua đó, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định từ các sản phẩm do họ làm ra, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua nhiều kênh khác nhau, chúng tôi giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nông sản đặc trưng tại các gian hàng trưng bày, hội chợ trong và ngoài huyện. Từ đó, tạo thêm một kênh mới nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của địa phương ra thị trường, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động tại địa phương. Hiện nay, tôi đang phấn đấu duy trì ổn định từ 4 nhóm dịch vụ chính, gồm: Sản xuất các mặt hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ, dược liệu truyền thống, dịch vụ ẩm thực và du lịch trải nghiệm.
Mặc dù thời gian qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ mang tính đặc trưng của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đã dần phát triển và từng bước khởi sắc nhưng nhìn chung, hoạt động vẫn còn riêng lẻ, chưa mang tầm quy mô, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao. Tôi mong muốn Hội LHPN các cấp động viên, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn để phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Bà Lê Vân, chuyên viên hỗ trợ - giám sát, Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh: Giúp phụ nữ làm chủ được công nghệ số để làm chủ được cuộc sống cuộc của mình
Ngày nay, khoa học-công nghệ giúp phụ nữ dễ dàng kết nối với thế giới bên ngoài cũng như học hỏi và trau dồi kiến thức, kỹ năng. Nhưng thực tế việc tiếp cận khoa học-công nghệ của phụ nữ vẫn còn hạn chế, thấp hơn so với nam giới.
Một khi xã hội ngày càng phát triển thì đòi hỏi người phụ nữ càng phải nỗ lực nhiều hơn. Vì vậy, trước thềm Đại hội đại biểu Hội LHPN tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2021-2026, tôi mong muốn đại hội quan tâm hơn trong vấn đề tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng về công nghệ số. Đây là tiền đề để giúp chị em có phương pháp làm việc khoa học, xử lý công việc hiệu quả hơn. Có như vậy, phụ nữ sẽ thêm tự tin để xây dựng gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tôi kỳ vọng Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa mới sẽ quan tâm hơn và tổ chức những hoạt động, chương trình phù hợp, thúc đẩy tinh thần tìm tòi, học hỏi, tìm hiểu ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giúp phụ nữ nắm bắt được những thông tin bổ ích trên mạng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng. Tôi cũng mong muốn Hội LHPN tỉnh có những giải pháp cụ thể để giúp hội viên phụ nữ tham gia các kênh thương mại điện tử. Mục đích của các kênh thương mại điện tử là kết nối các mặt hàng nông sản, phục vụ nhu cầu đời sống của con người. Qua đó, giúp chị em phụ nữ dễ dàng mua bán, trao đổi, quảng bá các mặt hàng đặc trưng của địa phương.
Tôi tin rằng, phụ nữ khi đã làm chủ được công nghệ số thì sẽ làm chủ được cuộc sống của mình, tự tin và bản lĩnh trước những thách thức, từ đó họ sẽ vượt qua những khó khăn để xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)