Lão nông đam mê sáng chế máy phục vụ sản xuất nông nghiệp

Phú Hải |

Vốn là nông dân, chưa từng qua một trường lớp đào tạo cơ bản về cơ khí, chế tạo máy, thế nhưng bằng niềm đam mê, sự cần mẫn, sáng tạo, ông Văn Đức Quynh (57 tuổi), ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã cải tiến, chế tạo ra nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sự sáng tạo đó không chỉ làm lợi cho gia đình ông mà còn giúp ích cho nhiều nông dân trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất...

Khi chúng tôi đến, ông Văn Đức Quynh vẫn đang miệt mài với công việc cải tiến, nâng cấp chiếc máy gặt đập liên hợp đời cũ cho khách hàng nhằm kịp vào vụ gặt lúa hè thu. “Chiếc máy gặt đập liên hợp này đã cũ, lỗi thời so với các loại máy mới hiện nay nên rất khó đáp ứng nhu cầu của người dân. Biết tôi có thể cải tiến, nâng cấp máy thành như đời mới nên người dân mang đến nhờ tôi giúp. Chiếc máy gặt đập liên hợp này vận hành bằng số cơ và đã được tôi nâng cấp lên thành hộp số dầu, guồng quay, lưỡi gặt đều được cải tiến nên công suất vận hành gần như bằng máy đời mới. Chi phí cải tiến không nhiều nên người dân tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn so với mua máy gặt đập liên hợp mới”, ông Quynh vui vẻ nói.

Ông Văn Đức Quynh miệt mài chế tạo các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp - Ảnh: N.B​
Ông Văn Đức Quynh miệt mài chế tạo các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp - Ảnh: N.B​

Ở vùng đất Long Hưng, nhắc đến tên ông Văn Đức Quynh ai ai cũng nể phục tài năng lẫn lối sống giản dị, gần gũi, luôn nhiệt tình giúp đỡ, yêu thương mọi người. Ông Quynh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có tới 7 chị em. Trước đây, do điều kiện gia đình khó khăn nên mới học đến lớp 9 ông Quynh đã phải nghỉ học. Ban đầu ông phụ giúp gia đình làm nông và mở thêm một quán sửa xe đạp nhỏ ven đường gần nhà để tăng thêm thu nhập. Ngày trước, dụng cụ làm nghề khan hiếm, giá đắt đỏ nên ông Quynh đã tận dụng các phế liệu từ chiến tranh để cải tiến thành búa, kìm, kéo, cưa sắt, đe, đục... Những ngày đầu, ông Quynh chỉ chuyên sửa xe đạp nhưng người dân đôi khi lại đem những nông cụ đến nhờ sửa chữa như thể “làm khó” ông. Thế là ông lại mày mò cách sửa, mài, dũa, cắt, đục từ các phế liệu chiến tranh để sửa cho người dân. Tiếng lành đồn xa khiến quán sửa xe đạp của ông Quynh có thêm chức năng mới là “xưởng cơ khí”.

Từ đó, hằng ngày ông Quynh vừa sửa xe đạp vừa làm thêm nghề cơ khí. Để công việc thuận lợi hơn, ông mua sắm thêm một số đồ nghề cơ khí như máy hàn, máy tiện, máy mài… để sửa chữa nông cụ phục vụ người dân. Từ nhỏ, ông đã quá quen thuộc với công việc đồng áng và thấu hiểu những nhọc nhằn, vất vả của nông dân trong suốt quá trình sản xuất, thu hoạch nông sản. Nên từ khi có nghề cơ khí, ông Quynh luôn nung nấu ý tưởng sản xuất ra các loại máy móc hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất, thu hoạch nông sản để nâng cao hiệu quả kinh tế. Sau một thời gian tìm hiểu cấu tạo của chiếc máy tuốt lúa đạp bằng chân, ông đã chế tạo thành công và sản xuất bán cho nhiều nông dân trong vùng.

Năm 1989, ông Quynh lập gia đình cùng bà Trần Thị Oanh (sinh năm 1966), người cùng quê và bắt đầu mở rộng cơ ngơi sản xuất cơ khí. Ông Quynh tự mày mò, tận dụng phế liệu như tôn, ống đạn cũ, nhíp xe ô tô, ống nước để chế tạo thành công chiếc xe bò (xe kéo). Tiếp đó, ông nghiên cứu và đã cải tiến thành công máy thổi lúa (chạy bằng động cơ diezen) đem lại niềm vui cho nhiều nông dân bởi năng suất vượt trội, máy hoạt động bền bỉ, ít tốn nhiên liệu nhưng lúa lại sạch hơn trước.

Không những sửa chữa xe đạp có tiếng, làm nghề cơ khí thành thạo mà ông còn tự học và sửa chữa được điện cơ các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. “Tôi không hề học cơ khí, điện cơ qua trường lớp hay người thầy nào cả. Cái gì tôi thích và thấy phù hợp với thực tế là quyết tâm làm bằng được. Tôi thường đi khắp nơi, xem trực tiếp các loại máy, tìm hiểu cấu tạo, cách vận hành, cơ chế hoạt động rồi ghi nhớ trong đầu và về mày mò chế tạo, mô phỏng theo cái có sẵn. Khi đã chế tạo thành công, tôi còn nghĩ đến việc nâng cấp các loại máy đó và thực tế tôi đã làm thành công nhiều loại máy bán ra thị trường để phục vụ sản xuất nông nghiệp”, ông Quynh chia sẻ.

Năm 1995, ông Quynh bắt đầu nung nấu ý tưởng sáng tạo ra những chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp để cung ứng ra thị trường. Trong 2 năm từ 1995 -1997, ông Quynh chế tạo thành công máy tách hạt ngô. Máy cao 0,75m, rộng 0,4m, dài 0,6m, nặng 45 kg. Máy hoạt động theo nguyên lý ly tâm, khi trục chính quay, trái ngô quay theo, ở thanh trượt dẫn hướng có bộ phận điều chỉnh để tách hạt. Hạt được tách xong sẽ theo máng dẫn, rồi theo thanh trượt ra ngoài, người dân chỉ chờ để cho vào bao. Công suất của máy tách hạt ngô đạt gần 5 tạ hạt/giờ, gấp khoảng 20 lần sức người làm thủ công. Máy tách hạt ngô của ông Quynh đã đạt được giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ II (năm 2006-2007).

Nhằm giúp người dân chế biến khoai, sắn củ thành lát mỏng để phơi khô đỡ vất vả hơn, ông Quynh đã chế tạo ra máy cắt trục nằm đa năng dựa trên nguyên lý hoạt động ly tâm bằng 2 lưỡi dao gắn trên 1 trục xoay. Sau đó, ông tiếp tục nâng cấp chiếc máy này để có thể cắt thêm thân cây chuối, phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ năm 2008 đến nay, ông Quynh đã nghiên cứu, chế tạo ra nhiều loại máy có tính hiệu quả cao và được ứng dụng rộng rãi trong, ngoài tỉnh như máy đánh vảy cá; máy nâng - hạ máy ATM nhằm nâng đỡ các trạm ATM ở các vùng trũng, hay bị ngập lụt khi nước dâng cao, góp phần giúp các trạm ATM không bị hỏng, tiền trong trụ cũng không bị ướt khi nguồn điện đã bị ngắt; máy dập vỏ lon; máy cắt hành, măng, tỏi; máy xay bột khô và tươi (khoai, sắn, nghệ). Gần đây nhất, ông Quynh đã chế tạo thành công phụ kiện giàn khoan giếng bằng điện. Hiện nay, ông Quynh đang tiếp tục hoàn thiện việc chế tạo ra chiếc máy bơm hút nước lẫn bùn đất để giúp các hộ dân nuôi trồng thủy sản đỡ vất vả hơn khi vệ sinh, cải tạo ao hồ nuôi tôm, cá.

Tất cả các loại máy mà ông Quynh sáng tạo, cải tiến nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản đều được ông bán ra thị trường với giá thấp hơn các xưởng sản xuất khác. Bởi lẽ sản phẩm của ông thường tận dụng các vật liệu, máy móc cũ thu mua từ các vựa phế liệu, kết hợp các phụ kiện, dụng cụ tự sản xuất nên chi phí không cao, tạo điều kiện cho nông dân dễ dàng mua về sử dụng. Không chỉ bán sản phẩm giá rẻ mà ông còn nhiệt tình đến tận nơi để sửa chữa máy móc nếu người dân có nhu cầu. Dẫu giữa đêm khuya hay trưa nắng, ông Quynh đều vui vẻ nhận lời sửa chữa máy móc cấp thiết cho người dân. Với ông Quynh -người xuất phát từ nông dân và được phục vụ bà con nông dân đó là niềm hạnh phúc.

Những năm qua, ông Văn Đức Quynh luôn tích cực tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị và mỗi lần tham gia là lại có giải (từ giải Khuyến khích đến giải Ba). Với những gì đã làm được, thời gian qua ông Văn Đức Quynh nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận của các cấp bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, tiêu biểu là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, giải thưởng “Nhân tài đất Việt” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển - đẳng cấp và phong cách

Quang Đại |

Là người con Nghệ An, được Trung ương phân công trọng trách Bí thư Tỉnh ủy, trong hơn 2 năm, ông Trương Đình Tuyển đã để lại dấu ấn về tài năng, phong cách và nhiều giai thoại được nhiều người truyền tụng.

10 cá nhân được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước trong CNVCLĐ lần X

NHÓM PV |

Tại Đại hội thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) lần thứ X (2020-2025) diễn ra sáng 28.9, tại Hà Nội; 10 cá nhân tiêu biểu đã được tôn vinh, khen thưởng.

Làm việc tử tế để tri ân cuộc đời

Quang Hiệp |

Nhiều năm nay, ông Nguyễn Trực (sinh năm 1951), trú tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã trở thành “mạnh thường quân” của người nghèo trên địa bàn. Ngày ngày, ông cần mẫn làm những việc tử tế để tri ân cuộc đời.

Dọn bùn, thông đường cho dân đi sau khi nước rút

Phan Vĩnh- Yên Mã Sơn |

Do ảnh hưởng bão số 5, một số cầu tràn ở địa bàn vùng Lìa huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) nước dâng cao làm chia cắt các xã.