Làm việc tử tế để tri ân cuộc đời

Quang Hiệp |

Nhiều năm nay, ông Nguyễn Trực (sinh năm 1951), trú tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã trở thành “mạnh thường quân” của người nghèo trên địa bàn. Ngày ngày, ông cần mẫn làm những việc tử tế để tri ân cuộc đời.

Làm từ thiện theo cách riêng

Quầy thuốc thú y của gia đình ông Nguyễn Trực ở chợ Diên Sanh hầu như lúc nào cũng nườm nượp khách. Một số khách hàng cất công đạp xe cả chục cây số chỉ để mua vài gói thuốc cho lợn, gà. Một người phụ nữ luống tuổi chất phác nói với chúng tôi: “Cách nhà tôi không xa cũng có một quầy thuốc thú y nhưng tôi phải tìm đến đây, gặp ông Trực để mua thuốc mới yên tâm”. Thực ra, ngoài chữ tín, nhiều người tìm đến với quầy thuốc của ông Nguyễn Trực còn vì sự gần gũi, lối tư vấn nhiệt tình và giá cả phải chăng. Nhiều khi thấy khách hàng gặp khó khăn, ông còn tặng không lấy tiền.

Ông Nguyễn Trực làm việc thiện để tri ân cuộc đời - Ảnh: Q.H​
Ông Nguyễn Trực làm việc thiện để tri ân cuộc đời - Ảnh: Q.H​

Trong chuyến tác nghiệp lần này, chúng tôi tìm gặp nhân vật sau khi nghe một số câu chuyện khá thú vị về ông Nguyễn Trực từ lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam huyện Hải Lăng. Nhiều năm nay, ông Trực là “mạnh thường quân” của người dân trên địa bàn. Ông có một số cách làm từ thiện “không giống ai” nhưng hết sức ý nghĩa. Mới đây, ông Trực vinh dự nhận bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Trực nở nụ cười mộc mạc khi nghe nhắc đến những câu chuyện mọi người kể về mình. Ông nói mình không giàu có, khá giả gì, vẫn đang ở trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng. Tài sản lớn nhất của vợ chồng ông chính là ba người con chăm ngoan, học giỏi. Hiện tại, các con của ông Trực đều đã lập gia đình, có công việc ổn định ở Thành phố Hồ Chí Minh. Để tương lai con cái tươi sáng, vợ chồng ông Trực từng phải trải qua rất nhiều khó khăn. “Nhiều năm, đến Tết rồi mà trong nhà chỉ còn vài lon gạo. Ba đứa con của tôi gầy gò, xanh như tàu lá, lúc nào cũng lo bị nghỉ học”, ông Trực trầm ngâm kể.

Tháng ngày vất vả đã giúp ông Nguyễn Trực và vợ con hiểu nỗi khổ của những người có hoàn cảnh nghèo khó. Vì vậy, ông luôn nhắc nhở các con tiết kiệm chi tiêu, san sẻ đồng lương để giúp đỡ người nghèo. Con lập nghiệp xa nhà, số lần đoàn viên đếm trên đầu ngón tay, vậy mà ông Trực liên lạc khuyên thu xếp cứ hai năm về quê ăn Tết một lần. Ông muốn con dành lại số tiền tàu xe, quà cáp, ăn uống… gửi về cho ba mẹ để chăm lo tết cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Lý giải về quyết định của mình, ông nói: “Tôi nghĩ, khoảng cách địa lý không quan trọng bằng khoảng cách lòng người. Vợ chồng tôi và các con vẫn thấy nhau, nói chuyện với nhau hằng ngày qua điện thoại. Quan trọng nhất là ba mẹ và con cái luôn nhớ về nhau, cùng nhau làm việc thiện. Chuyện về quê ăn Tết hằng năm đặt nặng làm gì”.

Thành thói quen, ông Nguyễn Trực “tính toán” từng việc nhỏ của gia đình mình để tiết kiệm tiền giúp đỡ người nghèo. Cách đây không lâu, gia đình ông Trực tổ chức đám cưới cho con gái út. Từ sâu thẳm, ông Trực muốn làm thật hoành tráng, rình rang như mọi người. Thế nhưng suy nghĩ kỹ, ông lại quyết định không tổ chức đêm thanh niên, rồi chọn dọn bia chai thay vì bia lon. Ông thỏa thuận với vợ con dùng số tiền tiết kiệm được để tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Sau đám cưới, cha con ông Trực đã dành 15 triệu đồng để làm việc thiện. Từ đó trở về sau, mỗi khi ông Trực yêu cầu các thành viên trong gia đình dành dụm làm một việc gì đó, vợ con ông đều thuận lòng.

Tri ân cuộc đời

Mỗi lần ai đó hỏi tại sao lại phát tâm làm việc thiện, ông Nguyễn Trực đều trả lời rằng: “Tôi muốn tri ân cuộc đời”. Trái với tháng ngày lấy vợ và nuôi con nhiều gian khó, ông Trực có tuổi thơ no ấm trong một gia đình ba mẹ làm nghề buôn bán. Là con đầu, ông được tạo điều kiện học hành đến nơi, đến chốn. Thế nhưng, chàng sinh viên trường Luật nhiều hoài bão lại chọn lựa và rẽ nhầm đường, để rồi đến bây giờ vẫn luôn hối hận về quyết định thiếu chín chắn của mình. “Ngày đi cải tạo trở về, tôi cứ nghĩ mọi người sẽ xa lánh, kỳ thị mình nhưng thực tế không như thế. Vì vậy, tôi quyết định ở lại quê hương để lập nghiệp với mong muốn có ngày trả nghĩa cho bà con”.

Từ một sinh viên trở về làm nông, buôn bán, cuộc sống chưa bao giờ nhẹ nhàng với ông Nguyễn Trực. Trên chiếc xe cọc cạch, ông rong ruổi khắp các miền quê để bán nông cụ sản xuất. Có những hôm tay chân ông như muốn rã ra vì mệt. Nghĩ đến ba đứa con, ông tự nhủ mình phải nỗ lực nhiều hơn. Trong tháng ngày đạp xe đến từng thôn cùng, xóm kiệt bán hàng, ông thấy quê hương mình còn rất nhiều người khó khăn. Không có tiền, một số gia đình xin ông đổi lúa, khoai để lấy nông cụ.

Ông Nguyễn Trực nhớ như in, sau trận lụt năm 1999, một người bạn vô tình điện thoại hỏi thăm tình hình gia đình. Bấy giờ, ông Trực thành thật chia sẻ những khó khăn của người dân nghèo trên địa bàn. Điều ông không ngờ là người bạn phương xa đã thầm lặng gửi một số tiền để giúp gia đình ông và bà con gặp thiên tai. Ông dành toàn bộ số tiền đó để mua nhu yếu phẩm cần thiết, rồi cùng trưởng thôn, đại diện mặt trận, Hội LHPN xã rà soát, trao tặng cho bà con ở xã Hải Thọ, nay sáp nhập thành thị trấn Diên Sanh. Từ đó, ông Trực nhận ra, trong lúc còn khó khăn, mình vẫn có thể tri ân người dân bằng cách nối nhịp cầu nhân ái. Ông không ngại điện thoại cho những người bạn cũ nay đã thành đạt của mình, gõ cửa các gia đình khá giả để vận động giúp đỡ đồng bào nghèo bằng từng phần quà ý nghĩa. Sau này, khi cuộc sống ổn định, ông bàn vợ dành ra một khoản riêng để làm việc thiện, rồi vận động con cái cùng tham gia. “Lần nào cũng vậy, tôi luôn nhờ trưởng thôn, cán bộ xã, thị trấn tham gia hoạt động thiện nguyện từ khâu chọn đối tượng, mua sắm đến tặng quà. Tôi không tơ hào dẫu chỉ một xu. Nếu kinh phí mạnh thường quân gửi để mùa quà cho bà con còn thiếu thì tôi lấy tiền túi bù vào”, ông Trực khẳng định.

Đến giờ, ông Nguyễn Trực không thể nhớ chính xác số lần mình tổ chức hoạt động từ thiện. Chỉ một điều chắc chắn là hễ lúc nào thấy bà con khó khăn, hai vợ chồng lại tất tả tìm nguồn vận động hoặc bỏ tiền túi để giúp đỡ. Những món quà ông bà trao thường rất nhỏ bé, giản dị với két mì tôm, chai dầu ăn, bao gạo, chiếc áo… nhưng chan chứa tình người. Ông Trực đúc kết: “Thực ra, ai cũng có thể trở thành “mạnh thường quân” của người nghèo. Cái chính là ta có mở lòng hay không mà thôi. Đôi khi không cần đến món quà, ta có thể giúp những người có hoàn cảnh khó khăn bằng lời động viên; giúp họ lợp lại mái nhà; hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt… Tôi biết điều đó và đang giúp bà con từng ngày”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gửi tuổi trẻ cho biển

Quang Hiệp |

Trong khi phần lớn người trẻ nỗ lực vươn lên với mong muốn mai sau có một cuộc sống an nhàn thì Nguyễn Quốc Ngữ (sinh năm 1997), trú tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lại gửi gắm tuổi thanh xuân trong môi trường quân ngũ để chuẩn bị hành tranh cho những thử thách giữa nghìn trùng sóng gió. Rời ghế Học viện Hải quân với danh hiệu thủ khoa, Quốc Ngữ đã sẵn sàng vươn ra biển lớn.

Chị Hồ Thị Nuốt xin thoát khỏi hộ nghèo

Phương Thiện |

Chị Hồ Thị Nuốt, ở thôn A Xóc - Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được nhiều người biết đến từ hộ đói nghèo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế và đã tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

Đam mê với môn nghệ thuật thể thao Lân Sư Rồng

Hoài Nhung |

5 năm qua, Đoàn nghệ thuật Lân Sư Rồng Hoàng Kim Đường (Khải uy Quảng Trị) ở TP.Đông Hà đã tạo dựng được nhiều dấu ấn trong biểu diễn lân sư rồng ở Quảng Trị, một số tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài, mang đến cho người xem nhiều trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, đoàn đã xuất sắc giành được nhiều thành tích nổi bật trong các hội thi, liên hoan múa lân sư rồng toàn quốc và ở nước ngoài, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp và phát triển bộ môn nghệ thuật thể thao lân sư rồng ở Quảng Trị.

Thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm với học sinh nghèo

Lê Cảnh Thu |

Cũng như các giáo viên khác của Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), cứ bước vào mùa khai giảng, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm lại đan xen nhiều xúc cảm khó tả. Từ câu chuyện đời mình, thầy biết, trong số những học sinh tung tăng đến trường, không ít em vẫn nặng mang nỗi lo cơm áo. Vì thế, thầy Cảm luôn tự nhủ phải làm điều gì đó để hỗ trợ các em.