Cũng như các giáo viên khác của Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), cứ bước vào mùa khai giảng, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm lại đan xen nhiều xúc cảm khó tả. Từ câu chuyện đời mình, thầy biết, trong số những học sinh tung tăng đến trường, không ít em vẫn nặng mang nỗi lo cơm áo. Vì thế, thầy Cảm luôn tự nhủ phải làm điều gì đó để hỗ trợ các em.
Cũng như nhiều học sinh nghèo, đường đến trường của thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm lắm gập ghềnh. Thầy Cảm sinh ra trong một gia đình nông dân, ba mẹ đều quen đồng lúa, nương ngô hơn mặt chữ. Thời thơ ấu, thầy Cảm từng chứng kiến cảnh ba anh chị phải từ bỏ trang sách để nhường ước mơ cho mình. Được tạo điều kiện nhất nhà nhưng thầy Cảm cũng không biết ngày mai việc học của mình sẽ ra sao? Vì thế, cậu bé sinh ra và lớn lên ở thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong xem mỗi buổi đến trường là…lần cuối được đi học. Năm nào, cậu cũng mang giấy khen về khoe bố mẹ. Tốt nghiệp Trường THPT thị xã Quảng Trị, thầy Cảm đỗ điểm cao vào Trường Đại học Sư phạm Huế, chuyên ngành Vật lý. Suốt 4 năm trên ghế giảng đường thầy phải cơm đùm, gạo bới vào thành phố để học, ở trọ trong căn phòng chật hẹp, vừa học, vừa miệt mài đi làm thuê. Vậy mà, cậu lớp trưởng người Quảng Trị vẫn có thành tích học tập ấn tượng, nhận nhiều bằng khen, giấy khen vì tích cực tham gia các hoạt động, phong trào.
Tốt nghiệp đại học, thầy Nguyễn Chơn Cảm lên vùng cao Hướng Hóa giảng dạy. Ngày đầu tạm biệt ba mẹ và căn nhà nhỏ, rời đi trong tiết trời lất phất mưa, lòng thầy Cảm như chùng xuống. Chính ước mơ nâng bước cho những học trò nghèo như mình một thời đã giúp thầy vượt qua phút yếu lòng, con đường đầy ổ voi, ổ gà dẫn vào trường và muôn vàn khó khăn về sau. Ở vùng cao, việc dạy và học đều vất vả hơn miền xuôi. Có thời điểm, thầy Cảm phải dạy tới 4 môn học vì thiếu giáo viên. Để trò không bỏ học, thầy và đồng nghiệp thường xuyên về tận nhà tuyên truyền, vận động. Với một số em gặp khó khăn, các thầy cô sẵn sàng san sẻ đồng lương eo hẹp để giúp đỡ.
Chuyển về công tác tại Trường THPT Vĩnh Định sau 3 năm “trồng người” ở vùng cao, thầy Nguyễn Chơn Cảm tự nhủ dù ở đâu cũng phải hướng đến học trò nghèo. Được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn trường, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, thầy Cảm nỗ lực đưa ra ý tưởng, tổ chức sôi nổi hoạt động, phong trào. Trong đó các hoạt động giúp nâng bước học sinh nghèo được thầy Cảm đặc biệt quan tâm. Nhiều năm nay, chương trình “Thắp sáng ước mơ” do Đoàn Trường THPT Vĩnh Định tổ chức đã huy động sự vào cuộc của không chỉ cán bộ, giáo viên, học sinh mà còn nhiều tấm lòng nhân ái. Trong chương trình, đoàn trường đã đa dạng hóa hình thức gây quỹ để mang về những suất học bổng, món quà đến với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ thế, nhiều học sinh có ý định nghỉ học đã được tiếp thêm động lực, vượt qua thử thách và trở lại trường. Thầy giáo Phạm Chí Tam – Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: Thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm, sau khi chuyển về trường và được bầu làm Bí thư Đoàn trường, ngoài công việc chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, với tấm lòng thương yêu học trò, thầy đã có nhiều cách làm sáng tạo Thầy đã tổ chức phát động nhiều phong trào có ý nghĩa trong học tập cũng như quyên góp giúp đỡ , từ các tổ chức các nhân để giúp đỡ các em học sinh nhà trường và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở biên giới để các em có thêm điều kiện bước tiếp con đường đến trường. Thầy đã mời các cựu học sinh của nhà trường thành đạt, biết vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập để tổ chức các buổi nói chuyện với học sinh nhà trường.
Suốt 8 năm làm Bí thư Đoàn Trường THPT Vĩnh Định, một trong những điều ý nghĩa mà thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm đã làm được là bắc nhịp cầu nối miền xuôi và miền ngược. Với quyết tâm cao, thầy đã xây dựng, tổ chức chương trình “Nghĩa tình biên giới” để giáo viên, học sinh Trường THPT Vĩnh Định cùng mạnh thường quân giúp đỡ người dân vùng cao, đặc biệt là các em ở tuổi ăn, tuổi học. Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm nói: Hầu như năm nào cũng vậy, từ những tháng nghĩ hè cho đến khi tiếng trống trường khai giảng năm học mới, chúng tôi đã vận động phụ huynh, học sinh, các nhà hảo tâm quyên góp áo quần, sách vở, bút viết, máy tính Casio, các đồ dùng thiết yếu…. và đoàn thiện nguyện của trường cũng hăm hở lên thăm các xã biên giới của huyện Hướng Hóa, Đakrông để trao tặng cho các em.… Mỗi chuyến đi với một quảng đường xa, vất vả, gập gành đều để lại trong tôi với rất nhiều kỷ niệm.
Đến giờ, mỗi lần nhìn quãng đường đã qua, thầy Nguyễn Chơn Cảm đều thầm cảm ơn những khó khăn, thử thách đã giúp mình có thêm quyết tâm, nỗ lực, một trái tim đầy ắp tình yêu thương và nhiều bằng khen, giấy khen vì thành tích dạy giỏi, hoạt động đoàn tốt. Thấy bản thân đã “nhận được rất nhiều”, thầy Cảm tự nhủ mình sẽ tiếp tục “sống là cho đi” để nâng bước nhiều học trò nghèo.