Là một người khuyết tật, thu nhập chính từ nghề nông nhưng ông Hoàng Xuân Mừng, thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang (Gio Linh) vẫn tình nguyện hiến trên 300 m2 đất và dỡ bỏ cổng, tường rào trị giá trên 50 triệu đồng để mở rộng đường giao thông, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Năm 2016, khi chính quyền địa phương có chủ trương mở rộng tỉnh lộ 73, nhà ông Mừng nằm trong khu vực mở rộng con đường. Để con đường sớm được hoàn thành, nhiều hộ hai bên đường phải hiến một phần đất vườn cùng các công trình phụ, tường rào, cây trồng…có giá trị. Ông Mừng đã chủ động dỡ bỏ tường rào và cổng mới xây dựng với tổng trị giá trên 50 triệu đồng cùng 300 m2 đất vườn để đường được mở rộng theo quy hoạch.
Khi được hỏi lí do gia đình ông tự nguyện hiến một diện tích đất lớn cùng công trình có giá trị như vậy để làm đường giao thông, ông Mừng cho biết: “Tôi nghĩ khi đường giao thông nông thôn được mở rộng không chỉ giúp gia đình tôi cùng các hộ dân trong thôn được hưởng lợi mà thế hệ con cháu chúng tôi sau này cũng được hưởng nhiều lợi ích từ con đường mới. Do vậy, sau khi tôi hiến đất, tôi đã tích cực vận động các hộ xung quanh cùng hiến đất, tường rào, cây cối để tuyến đường sớm được hoàn thành. Với sự đồng lòng quyết tâm của các hộ dân nơi đây, chỉ sau một thời gian ngắn, công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương đã hoàn thành”.
Không chỉ tiên phong hiến đất làm đường, chúng tôi còn được biết ông Mừng là một trong những tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Sau một tai nạn bom mìn, từ năm 8 tuổi cậu bé Hoàng Xuân Mừng đã vĩnh viễn mất đi chân phải. Tưởng rằng tương lai sẽ hoàn toàn khép lại với cậu bé tật nguyền nhưng bằng chính nghị lực của bản thân, Hoàng Xuân Mừng đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Sau khi lập gia đình, ngoài nghề thợ may, ông Mừng còn học thêm nghề sửa chữa xe đạp, xe máy để có thêm thu nhập. Với người vợ sức khỏe không được tốt, để nuôi các con ăn học, ông Mừng trở thành trụ cột trong gia đình. Không cam chịu cuộc sống khó khăn, với một chân còn lại, ngoài may vá, sửa chữa xe, ông Mừng vay vốn để cải tạo vườn tạp, phát triển thêm mô hình trang trại tổng hợp. Một người khuyết tật như ông Mừng, tham gia lao động sản xuất thực sự là một trở ngại lớn. Nhưng với ý chí và lòng quyết tâm thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình, ông Mừng đã cùng vợ cải tạo 500 m2 đất vườn để làm ao nuôi cá, nhận làm thêm 1,5 mẫu ruộng 2 vụ, xây chuồng trại khép kín để nuôi lợn thịt, lợn nái. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất vườn còn lại, ông Mừng còn chăn nuôi thêm gà chọi, trồng các loại hoa để nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, gia đình ông Mừng đã thoát nghèo, thu nhập sau khi trừ chi phí từ mô hình kinh tế tổng hợp đạt 200 triệu đồng/năm.
Khi kinh tế được cải thiện hơn, ông Mừng cũng luôn quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn để từ đó có sự giúp đỡ kịp thời. Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Mừng cho biết: “Nghĩ đến những ngày gian khó, tôi luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước thông qua việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất. Cùng với đó là sự động viên, giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Do vậy, khi có cuộc sống tốt hơn tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những người có điều kiện khó khăn với mong muốn sẽ giúp họ cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập”. Với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, ông Mừng đã hướng dẫn về kĩ thuật trồng hoa, nuôi gà chọi rồi cung cấp giống hoa, gà giống để nhiều hộ dân tại địa phương nhân rộng mô hình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)