Hơn 20 năm qua, ông Lê Đàn (70 tuổi) đã vẽ hàng trăm bức tranh về các chủ đề: chân dung, phong cảnh, 12 con giáp... trên nhiều chất liệu khác nhau. Điều đáng nói, ông dùng các chữ cái trong tên bài hát, tên nhân vật và tên năm âm lịch để tạo hình, tạo dáng cho từng tác phẩm.
Vẽ chữ tạo hình trên đá
Trong ngôi nhà vang tiếng ê a của trẻ nhỏ ở Khu phố 5, Phường 1, TP. Đông Hà (Quảng Trị), ông Đàn trưng bày nhiều bức tranh vẽ trên các chất liệu bằng đá, gỗ và giấy từ hơn 20 năm qua. Mặc dù đã tặng cho khá nhiều nhưng ông vẫn giữ lại một số bức làm kỷ niệm. Sau khi giới thiệu một lượt về hoàn cảnh ra đời của từng bức tranh, ông kể với tôi về nhân duyên đến với nghệ thuật vẽ tranh bằng chữ.
Trước giải phóng, ông Đàn theo học Khoa Việt - Hán, Trường Đại học Văn khoa Huế (cũ). Do hoàn cảnh lúc bấy giờ, một thời gian sau trường bị giải thể nên ông dang dở việc học. Sau năm 1975, ông làm nghề sửa xe đạp để mưu sinh và chăm sóc mẹ già tại TP. Đông Hà. Đến năm 2000, sức khỏe giảm sút nên ông từ bỏ nghề sửa xe đạp. Vốn am hiểu về Phật giáo nên ông viết bài cộng tác với Báo Giác ngộ, Tạp chí Văn hóa Phật giáo và một số báo, tạp chí khác. “Thời gian cộng tác với Báo Giác ngộ, tôi có duyên được xem bức tranh thư họa của họa sĩ Chính Văn. Cũng trong thời gian này, họa sĩ Lê Vũ ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nổi tiếng với nhiều tác phẩm vẽ tranh chân dung nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa thế giới bằng chữ trên Báo Khánh Hòa. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng dùng chữ để vẽ tranh”, ông Đàn kể.
Vào năm 2002, ông bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi vẽ tranh bằng chữ trên đá. Bức tranh đầu tay của ông vẽ chân dung một thiếu nữ từ các chữ cái trong tên ca khúc “Diễm xưa” trên đá cuội. Từ đó, ông tìm những viên đá cuội có hình dáng đẹp rồi về nhà miệt mài vẽ chữ, tạo hình cho các bức tranh. Ông chủ yếu dùng tên những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn để vẽ chân dung các thiếu nữ đẹp hoặc tranh về mẹ. “Bức tranh mà tôi tâm đắc là vẽ chân dung Bồ Đề Đạt Ma bằng các chữ cái ghép từ tên bài hát “Một cõi đi về”.
Bức này tôi đã tặng cho một vị sư thầy trong tỉnh”, ông Đàn chia sẻ. Chỉ sau một thời gian ngắn đến với loại hình nghệ thuật này, ông đã vẽ được gần 100 tác phẩm trên đá. Ông Đàn không đặt nặng vấn đề tiền bạc mà tin vào nhân duyên nên ai thích bức nào ông đều vui lòng tặng, kèm theo lời dặn dò giữ gìn cẩn thận, bởi đó là tâm huyết của ông.
Vẽ chân dung bằng chính tên nhân vật
Hôm tôi đến, ông Đàn đang cặm cụi vẽ một bức chân dung cho người quen bằng chính họ tên của người đó. Trên nền giấy trắng, ông cẩn thận đưa nét bút mực đen tạo thành những đường nét mềm mại, uyển chuyển. Phải tinh mắt lắm mới nhận ra những chữ cái ẩn trong từng nét vẽ, ghép thành bức tranh hoàn chỉnh. Mỗi chữ, mỗi nét góp phần làm nên tổng thể của bức tranh.
Đoạn, ông Đàn dừng tay rồi nói với tôi: “Sau một thời gian đã “quen tay” với đá, tôi chuyển sang vẽ tranh trên gỗ và giấy. Song đá và gỗ không phải lúc nào cũng có, phải mất nhiều thời giam kiếm tìm, chọn lựa nên tôi dần chuyển hẳn sang vẽ tranh trên giấy. Bên cạnh vẽ những bức “họa tự” về thiếu nữ, mẹ, Bồ Đề Đạt Ma bằng tên các ca khúc của Trịnh Công Sơn, vào năm 2011 tôi chuyển sang vẽ tranh 12 con giáp, phong cảnh và chân dung”.
Đối với tranh 12 con giáp, ông Đàn dùng các chữ cái tên năm âm lịch để “họa tự” thành dáng hình của con vật năm đó. Tỉ dụ, năm Bính Thân thì ông họa chữ “Bính” và chữ “Thân” ra hình con khỉ. Năm Quý Mão thì ông họa chữ “Quý” và chữ “Mão” thành hình con mèo...
Với tranh phong cảnh, ông cũng dùng các chữ cái trong tên bài hát để ghép thành hình đóa hoa sen hay cảnh tĩnh vật. Còn tranh chân dung thì ông vẽ bạn bè, người thân hay những ai có nhu cầu nhờ ông vẽ bằng chính họ tên của người đó.
Với ông Đàn, mỗi bức tranh là một mối nhân duyên - Ảnh: TRẦN TUYỀN
“Để vẽ tranh đẹp thì đòi hỏi phải có năng khiếu nhất định. Vẽ tranh bằng chữ lại càng khó hơn gấp bội vì vừa phải phác thảo ý tưởng cho bức tranh, vừa ghép chữ sao cho hài hòa, hợp lý. Vậy đâu là bước quan trọng nhất trong nghệ thuật dùng chữ để vẽ tranh, thưa bác?”, tôi thắc mắc.
Ông Đàn chậm rãi trả lời: “Trước khi vẽ một chủ đề hay chân dung một người nào đó, tôi phải dành thời gian để tưởng tượng, tư duy cách sắp đặt các chữ cái sao cho hài hòa, hợp lý, không thiếu nhưng cũng không được thừa nét, các chữ phải liền mạch với nhau. Bức tranh phải toát lên được thần thái của nhân vật. Sau khi đã hình dung xong trong đầu rồi thì tôi mới đặt bút vẽ trên giấy”.
Gần đây, khi mạng xã hội phát triển, một số người biết đến tranh của ông Đàn và liên hệ nhờ ông vẽ chân dung. Cách đây chưa lâu, một người phụ nữ ở TP. Hồ Chí Minh được ông vẽ tặng tranh và rất thích thú khi ngắm nhìn bức tranh vẽ chân dung mình bằng các chữ cái ghép thành.
Sau đó, người này chủ động trả cho ông vài triệu đồng dù ông không ra giá. Với ông, đó là một nhân duyên. Tuy vậy, trong sâu thẳm ông Đàn vẫn có chút tiếc nuối vì mặc dù đã ra đời hơn 20 năm nhưng nghệ thuật vẽ tranh bằng chữ vẫn ít người biết đến. Điều ông mong muốn là một ngày nào đó, nghệ thuật vẽ tranh bằng chữ sẽ phát triển, được nhiều người am hiểu.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)