Lê Văn Công - Nhà vô địch của nỗ lực và lòng nhân ái

Vũ Lê |

Lực sĩ Lê Văn Công giành tấm Huy chương Bạc (HCB) môn cử tạ tại Paralympic Tokyo 2020 và tiếp tục chứng minh mình là một trong những lực sĩ xuất sắc nhất thế giới ở hạng dưới 49kg nam trong cuộc thi của những người khuyết tật. Tuy nhiên, đằng sau các cuộc thi đấu, Lê Văn Công còn là nhà vô địch của nỗ lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh và lan tỏa lòng nhân ái tới cả cộng đồng.


Trước khi đến với Paralympic Tokyo, Lê Văn Công đã trải qua quá trình điều trị chấn thương dai dẳng ở vai trái kéo dài tới 2 năm với các tổn thương đa dạng ở vai và xương cánh tay như viêm khớp cùng đòn trái, viêm gân trên, gân dưới vai, phù tủy xương và nang xương dưới sụn chỏm xương cánh tay. Cùng với sự ảnh hưởng của chấn thương, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc tập luyện, thi đấu của Lê Văn Công cũng bị gián đoạn nhiều lần. 5 tuần trước khi lên đường tới Tokyo, lực sĩ 37 tuổi mới có thể bước tập luyện hàng ngày, trong đó có 4 tuần tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) TP Chí Minh, còn 1 tuần tập luyện tại Nhật Bản. 

"Thời gian tập luyện trước thềm Paralympic Tokyo với tôi cũng có rất nhiều vất vả. Chấn thương chưa hoàn toàn bình phục nên chủ yếu tập nhẹ và ít nhiều chịu ảnh hưởng của vấn đề tuổi tác. Trước đây, mình có thể thường xuyên nâng được mức 160kg nhưng thời gian qua chỉ dám nâng khoảng 130kg vì sợ chấn thương tái phát thì sẽ không thể thi đấu", Lê Văn Công nhớ lại. 

Thực tế trong cuộc thi đấu tại Paralympic Tokyo cũng cho thấy Lê Văn Công thậm chí phải xịt giảm đau trước khi bước vào cuộc so tài với 8 đối thủ khác. Việc đăng ký mức tạ trong 3 lần cử cũng được Ban huấn luyện (BHL) và Lê Văn Công điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng cơ thể. Bằng nỗ lực rất lớn về tinh thần và sự hợp lý trong tính toán về thành tích, Lê Văn Công thành công trong cả lần cử với thành tích lần lượt là 165kg, 170kg và 173kg.
Đô cử Lê Văn Công thi đấu tại Paralympic Tokyo. Ảnh: TTXVN phát
Đô cử Lê Văn Công thi đấu tại Paralympic Tokyo. Ảnh: TTXVN phát
 

Có chút tiếc nuối cho Lê Văn Công bởi anh đã nâng được mức tạ ngang bằng với lực sĩ Omar Sami HamadehQarada (Jordan) nhưng vẫn đứng thứ 2 trong xếp hạng chung cuộc, do trọng lượng cơ thể nặng hơn đối thủ đúng… 1 lạng (47,31kg so với 47,21kg). Sau 5 năm kể từ Paralympic Rio 2016, lực sĩ người Jordan vẫn chưa thể vượt qua Lê Văn Công về thành tích nhưng ở cuộc thi đấu tại Paralympic Tokyo, Qarada đã may mắn hơn. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, điều đặc biệt là kỷ lục Paralympic (183kg) và kỷ lục thế giới 183,5kg mà Lê Văn Công thiết lập trước đây vẫn chưa ai có thể xô đổ.  

“Rất mừng vì bản thân mình đã làm được điều gì đó ở Paralympic kỳ này, vì không chấn thương là rất nghiêm trọng. Trước giờ vào thi đấu thì có xịt thuốc giảm đau và đến giờ hết thuốc thì đau không chịu nổi”, Lê Văn Công chia sẻ qua điện thoại từ Tokyo sau cuộc thi đấu. 

“Thời gian tập luyện của Lê Văn Công chỉ có 5 tuần trước khi dự Paralympic, rồi chấn thương vẫn còn ảnh hưởng và việc không đi thi đấu quốc tế trong 2 năm qua cũng tác động ít nhiều tới tâm lý. Tuy nhiên, Lê Văn Công đã thể hiện nỗ lực và tinh thần thi đấu rất tuyệt vời. Tấm huy chương của Lê Văn Công là món quà hết sức ý nghĩa, đáp lại sự cổ vũ và động viên của người hâm mộ nước nhà”, Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam (TTNKTVN) Nguyễn Hồng Minh đánh giá. 

Bất chấp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật, ảnh hưởng của chấn thương và trở ngại trong tập luyện do dịch COVID-19, thành tích Lê Văn Công giành được hết sức đáng khen ngợi. Nó tiêu biểu cho nỗ lực vượt khó, vươn lên để vượt qua nghịch cảnh của cá nhân lực sĩ người Hà Tĩnh, đồng thời, truyền cảm hứng tới những người đồng đội trong đoàn TTNKTVN không ngừng cố gắng trong các cuộc thi đấu tới đây để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Lan tỏa yêu thương  


Hơn ai hết, Lê Văn Công hiểu rất rõ những trở ngại, thách thức trong cuộc sống mà những người khuyết tật, tàn tật và có hoàn cảnh khó khăn phải đối mặt. Bản thân Lê Văn Công cũng phải xoay xở làm rất nhiều nghề, để mưu sinh trong cuộc sống thường nhật khi mới 21 tuổi tại TP Hồ Chí Minh kể từ năm 2005. Anh khởi nghiệp với nghề âm thanh, ánh sáng và sửa chữa loa đài, ampli từ nhiều năm, rồi phải làm thêm cả dịch vụ môi giới bất động sản và gần đây nhất là cùng bạn bè đầu tư trồng nông sản sạch gồm rau, củ và bắp tại huyện Củ Chi. 
Đô cử Lê Văn Công tại lễ trao huy chương. Ảnh: TTXVN phát
Đô cử Lê Văn Công tại lễ trao huy chương. Ảnh: TTXVN phát
 

Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cửa hàng sửa chữa điện tử của Lê Văn Công dần vắng khách chỉ hoạt động cầm chừng, việc trồng nông sản cũng phải dừng lại vì không có người chăm sóc và việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng hết sức khó khăn khi TP Hồ Chí Minh thực hiện quy định giãn cách xã hội. Cả gia đình 4 người gồm vợ và 2 con hiện chỉ trông đợi vào khoản thu nhập từ 5-6 triệu đồng là tiền lương VĐV của Lê Văn Công.  

“Với người bình thường, việc lao động mưu sinh cuộc sống đã khó, còn với người khuyết tật thì khó khăn còn nhiều gấp bội. Kể từ khi học việc, rồi đến lúc bén duyên với môn cử tạ thi đấu ở các giải thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế, đó là một quá trình phấn đấu rất bền bỉ và gian nan, nhưng tôi luôn tự nhủ, càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Trong hơn 1 năm qua, cuộc sống cũng trở nên khó khăn hơn nhiều vì chẳng có thu nhập gì thêm ngoài khoản tiền lương VĐV, nhưng rất may là vẫn còn một chút tích lũy từ trước đó nên vẫn cố gắng để thu xếp cuộc sống, lo cho các con học hành”, Lê Văn Công chia sẻ. 

Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 hoành hành, gây ra muôn vàn khó khăn cho đời sống xã hội ở nhiều địa phương trên toàn quốc kể từ năm 2020. Ngay ở những đợt thu hoạch đầu tiên, Lê Văn Công đã gửi món quà là 2.000 trái bắp “Nữ hoàng đỏ” tới những người đồng đội là các VĐV thể thao người khuyết tật đang tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng và sau đó còn gửi tới trang trại trẻ mồ côi tại TP Hồ Chí Minh với mong muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong lúc dịch bệnh. 

Trước đó, vào đầu tháng 11/2019, Lê Văn Công đã quyết định đấu giá tấm HCV giành được tại Giải vô địch thế giới vào năm 2016 trên mạng xã hội để lấy tiền ủng hộ cho cô bé hàng xóm chữa bệnh ung thư. Tấm HCV sau đó được anh Nguyễn Thiện (quận 7, TP Hồ Chí Minh) mua với mức giá 125 triệu đồng và toàn bộ số tiền đã được Lê Văn Công trao lại cho gia đình bé Đoàn Thị Bích Hương để cô bé được điều trị tốt hơn. 

Câu chuyện về tấm HCV được đấu giá và nhiều nghĩa cử đẹp của Lê Văn Công đã lan tỏa tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái tới toàn xã hội. “Bằng việc làm cụ thể và sự cố gắng của mình, tôi mong muốn đem tới nguồn cảm hứng cho mọi người trong xã hội, nhất là những người khuyết tật.Tất cả hãy tự mình cố gắng, cùng khích lệ và giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn từ dịch bệnh và cuộc sống”, Lê Văn Công hy vọng. 

Lê Văn Công sinh ngày 20/6/1984 tại Hà Tĩnh và bị chứng teo chân từ nhỏ. Anh rời quê hương vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp từ năm 2005 với mong muốn chiến thắng số phận. Kể từ khi tham gia CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật và bén duyên với các môn thể thao với mục đích tập luyện để duy trì sức khỏe. Lê Văn Công từng tập luyện điền kinh và sau đó mới chuyển hẳn sang thi đấu cử tạ tại CLB thể thao dành cho người khuyết tật quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Trong sự nghiệp thi đấu, ngoài rất nhiều tấm huy chương trong nước, Lê Văn Công từng giành HCV châu Á 2007 và 2015, HCB giải Vô địch thế giới (VĐTG) 2014, HCV Asian Para Games 2014, HCV ASEAN Para Games 2015 và HCV Paralympic Rio năm 2016.

Ngay sau Lê Văn Công khi giành được tấm HCB tại Paralympic Tokyo 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và ghi nhận những nỗ lực của cá nhân Lê Văn Công, cũng như toàn bộ các thành viên đoàn TTNKTVN trong hành trình thi đấu tại đại hội.

 (Nguồn: Báo TTXVN)

TAGS

Cải tạo đất bỏ hoang làm sân chơi thể thao

Minh Đức |

Hiện nay, có rất nhiều sân bóng đá, bóng chuyền… ở một số địa phương không sử dụng, bị bỏ hoang vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có cách làm hay khi đầu tư cải tạo đất bỏ hoang làm sân chơi thể thao.

Thể thao Việt Nam: Sẵn sàng ghi dấu tại Olympic Tokyo

Lê Sơn |

Trong lịch sử hội nhập của thể thao nước nhà, đây có lẽ là kỳ Olympic gian nan bậc nhất không chỉ riêng việc kỳ đại hội này phải dời lại 1 năm do tình hình dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới. Phải đến tận ngày 4/7, võ sĩ quyền anh Nguyễn Thị Tâm mới nhận được suất tham dự Olympic Tokyo, nâng số VĐV Việt Nam được góp mặt tại kỳ đại hội này lên thành 18, cũng là tấm vé sau cùng chốt danh sách tham dự của Đoàn thể thao Việt Nam.

Đà Nẵng tạm dừng hoạt động tắm biển, thể thao, cắt tóc từ 15/7

Võ Văn Dũng |

Tính từ 13 giờ ngày 13/7 đến 17 giờ 14/7, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 23 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó một số ca không rõ nguồn lây.

Nhiều sân chơi thể thao cho trẻ an toàn trong mùa hè

Minh Đức |

Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động thể dục thể thao (TDTT) được tổ chức trên địa bàn Quảng Trị gắn với làm tốt công tác phòng chống COVID-19 đã tạo sân chơi thiết thực, ý nghĩa, bổ ích cho trẻ em.