Lê Văn Lâm- “Người hào hiệp” ở thôn Thâm Khê

Hiếu Giang |

Với tấm lòng hào hiệp, hàng chục năm qua, ông Lê Văn Lâm (60 tuổi) ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng đã có nhiều việc làm ý nghĩa vì cộng đồng, được chính quyền và Nhân dân địa phương ghi nhận. Nhiều người gọi ông là “người hào hiệp”, “nhà tài trợ” của thôn Thâm Khê.

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển bãi ngang Thâm Khê, cũng như nhiều thanh niên khác trong thôn, ông Lâm sớm nghỉ học theo cha lênh đênh trên biển giăng câu, kéo lưới tìm kế sinh nhai. Năm 17 tuổi, ông đăng ký lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên - Hà Tuyên.

Nhập ngũ được một thời gian, trong một lần vận hành máy cưa để làm việc, ông không may bị xén đứt lìa hai ngón tay, đơn vị trả ông về vì không đủ sức khỏe công tác. Về quê, ông lập gia đình và bắt đầu từ đôi bàn tay trắng tạo lập kinh tế gia đình. Sẵn có nghề mộc học được khi còn trong quân ngũ, ông mạnh dạn làm nghề và dần dần tích góp được vốn liếng mở xưởng mộc từ năm 1991. Khi xưởng mộc đi vào hoạt động ổn định, có thu nhập khá thì cũng là lúc ông bắt đầu có những hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng.

Ban đầu ông nhận hàng chục con em địa phương có hoàn cảnh khó khăn, con em cựu chiến binh nuôi ăn ở, đào tạo nghề miễn phí để các cháu có một nghề nghiệp đàng hoàng lập thân lập nghiệp. Qua nhiều năm, phần lớn trong số đó đã học được nghề và có việc làm ổn định, nhiều người vào tận miền Nam lập nghiệp và thành công với nghề, tạo dựng được cuộc sống khấm khá. Những năm sau đó, ông Lâm cũng là người đã tặng những chiếc sạp gỗ để người dân trong thôn đặt hàng buôn bán, qua đó dần hình thành nên chợ thôn Thâm Khê.

Rồi để đưa ánh sáng về tận thôn xóm, ông lại bỏ tiền ra kéo đường dây điện cách đó gần 10 km đưa vào tận nơi, lắp bóng đèn đường sáng trưng. Để giúp người dân miền biển đi lại thuận lợi ông cũng không ngần ngại bỏ tiền túi ra đổ đất đỏ thay đất cát làm đường cho dân với chiều dài hơn 1 km. Năm 2000, khi sóng điện thoại còn chưa phủ đến thôn, ông đi mua hẳn một bộ loa về để thông báo tình hình thời tiết cho người dân biết mà chủ động đi biển cũng như thông báo các thông tin họp hành cần thiết. Không chỉ vậy, hằng năm ông còn chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh nghèo khó, tham gia tích cực phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động của xã, thôn, xóm bằng cách hỗ trợ, đóng góp hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Hệ thống kè, mương thoát nước do ông Lê Văn Lâm ủng hộ kinh phí xây dựng đã giúp người dân thoát cảnh ngập úng mỗi khi bước vào mùa mưa - Ảnh: Đ.V
Hệ thống kè, mương thoát nước do ông Lê Văn Lâm ủng hộ kinh phí xây dựng đã giúp người dân thoát cảnh ngập úng mỗi khi bước vào mùa mưa - Ảnh: Đ.V
 

Bây giờ, cơ sở sản xuất hàng mộc dân dụng và đóng thuyền của gia đình ông Lâm đã trở thành cơ sở có quy mô lớn nhất ở vùng biển bãi ngang huyện Hải Lăng với doanh thu hơn 1 tỉ đồng mỗi năm. Có con trai kế nghiệp, ông Lâm có nhiều thời gian hơn để đóng góp công sức cho cộng đồng. Ngoài cơ sở mộc, hiện nay gia đình ông Lâm cũng mở thêm cơ sở phân phối giày da, các sản phẩm phụ kiện từ da nên có thêm một nguồn thu nhập khá.

Công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, ông Lâm cũng đã có nhiều điều kiện hơn để tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Như đợt mưa lũ lịch sử vào cuối năm 2020, ông bỏ tiền túi hỗ trợ 550 suất quà, thực phẩm thiết yếu cho người dân các xã bị ngập sâu trên địa bàn huyện; trao tặng khoảng 1.000 đôi giày da, ví da, thắt lưng da cho người dân. Đặc biệt, mới đây ông vừa đầu tư 120 triệu đồng xây dựng hệ thống mương thoát nước kiên cố với tổng chiều dài 250 m ủng hộ cho xóm; hiến 600 m2 đất, đổ đá dăm mở con đường kéo dài từ xóm ra đến bãi biển để người dân thuận tiện đi lại và làm nghề biển.

“Trước đây trong xóm tôi thường xuyên ngập úng nặng do không có mương thoát nước, tôi mới bàn với bà con lối xóm xin phép ủng hộ kinh phí làm mương. Sau đó tôi thuê xe múc đất, phát cây cối để xây kè giữ đất, xây hệ thống mương dẫn nước và đến nay tình trạng ngập úng trong xóm đã được giải quyết. Con đường cụt trong xóm cũng đã được mở thông sau khi tôi hiến đất để mở đường. Nhìn thấy cảnh quan của xóm sạch đẹp, thông thoáng là tôi cảm thấy vui. Tôi và gia đình luôn tâm niệm sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình để đóng góp chút công sức hỗ trợ cho cộng đồng, làng xóm, miễn sao sự hỗ trợ của mình thật sự có ích và ý nghĩa”, ông Lâm bộc bạch.

Được biết, trong đợt dịch vừa qua, gia đình ông Lâm cũng đã tình nguyện hỗ trợ những suất cơm cho các thành viên trực chốt phòng, chống COVID-19 đặt tại xã Hải Khê (từ 5 - 7 thành viên/ ca trực), kéo dài trong suốt 3 tháng. Những ngày gần đây, ông cũng trao tặng 40 suất quà (300.000 đồng/suất) cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có người bệnh hiểm nghèo...

Những việc làm thiện nguyện của ông Lê Văn Lâm nhiều năm qua đã được cán bộ và Nhân dân địa phương luôn trân trọng và ngợi khen. Chủ tịch Hội CCB xã Hải Khê Trần Nhân Tròn đánh giá: “Tấm lòng rộng mở và những việc làm ý nghĩa của ông Lê Văn Lâm nhiều năm qua đã góp phần làm lan tỏa tinh thần nhân ái, sự sẻ chia và thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết trong toàn thể hội viên cựu chiến binh tại địa phương. Cầu chúc cho ông có nhiều sức khỏe, tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn nữa cho quê hương, cho cộng đồng”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần nâng cấp những cây cầu dân sinh bị hư hỏng nặng ở Hải Lăng

Thục Quyên |

Là địa phương vùng trũng, nhiều sông ngòi nhưng những năm gần đây, một số cây cầu dân sinh xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đang là nỗi lo lắng đối với người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị), nhất là vào mùa mưa lũ.

Hải Lăng: Ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”

Đức Việt |

Hội LHPN huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vừa phối hợp với Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện, UBND xã Hải Phong và Chương trình vùng Hải Lăng tổ chức ra mắt mô hình điểm “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại thôn Câu Hà, xã Hải Phong.

Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hải Lăng

Ngọc Trang |

Để phát huy tối đa lợi thế của địa phương, những năm qua, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả đáng kể. Qua đó, góp phần đổi mới sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sáng nay 18/10: 50 trường học trên địa bàn huyện Triệu Phong và Hải Lăng phải nghỉ học do mưa lũ

Lâm Thanh - Thanh Trúc |

Sáng nay, 18/10/2021 có 50 trường học trên địa bàn huyện Triệu Phong và Hải Lăng (Quảng Trị) thông báo cho học sinh nghỉ học do mưa lũ gây chia cắt, ngập lụt cục bộ một số tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đến trường.