Cần nâng cấp những cây cầu dân sinh bị hư hỏng nặng ở Hải Lăng

Thục Quyên |

Là địa phương vùng trũng, nhiều sông ngòi nhưng những năm gần đây, một số cây cầu dân sinh xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đang là nỗi lo lắng đối với người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị), nhất là vào mùa mưa lũ.

Được xây dựng từ năm 1978, cầu Trâm Lý có chiều dài 60m, rộng 3,2 m bắc qua sông Nhùng nối giữa 2 xã Hải Quy và Hải Phú. Mặc dù đã được tu sửa nhiều lần nhưng do công năng sử dụng lớn, cộng thêm ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai nên đến nay, cầu Trâm Lý đã xuống cấp trầm trọng. Dầm cầu bằng sắt đã rỉ rét đứt gãy hai đầu, bề mặt cầu bị nứt rộng, thành cầu làm bằng bê tông bị vỡ, gãy, nhiều đoạn không còn thanh chắn.

Cầu Câu Nhi hiện đang xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: T.Q
Cầu Câu Nhi hiện đang xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: T.Q

Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn, nhất là khi người dân qua lại cầu vào ban đêm và trong mùa mưa lũ. Ông Võ Quốc Thịnh, Trưởng thôn Trâm Lý, xã Hải Quy cho biết, người dân trong thôn mỗi lần đi qua chiếc cầu này ai cũng lo lắng vì cầu yếu, lan can hư hỏng nhiều, nhất là mỗi khi có xe ô tô đi ngược chiều. Nỗi lo, hiểm nguy càng gia tăng khi vào mùa mưa lũ, thời tiết diễn biến bất thường. Tuy nhiên do đây là tuyến đường vận chuyển nông sản, hàng hóa chính nên hằng ngày người dân trong thôn vẫn phải qua lại trên cây cầu này. Nếu không qua cầu thì phải đi đường vòng mất cả chục cây số.

Chủ tịch UBND xã Hải Quy Lê Mạnh Hùng thông tin, do đây là tuyến giao thông huyết mạch giữa xã Hải Quy và các địa phương lân cận nên ước tính mỗi ngày có gần 1.500 lượt người và phương tiện lưu thông qua cầu. Do vậy, thực trạng xuống cấp của cầu Trâm Lý tạo ra mối nguy hiểm khó lường cho người và phương tiện giao thông, nhất là các em học sinh đi học về ban đêm và trong mùa mưa lũ. Để khắc phục tạm thời, hằng năm UBND xã đều trích một phần kinh phí nhỏ để duy tu, sửa chữa nhưng chỉ như “muối bỏ bể”. “Hiện tại, địa phương đã phải cắm biển cảnh báo tải trọng đối với xe ô tô qua cầu. Đồng thời, phát thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã để cảnh báo người dân phải cẩn trọng mỗi khi lưu thông qua cầu”, ông Hùng cho hay.

Còn tại xã Hải Phong, cầu Câu Nhi bắc qua sông Ô Giang là điểm nối quan trọng trên tuyến đường từ Quốc lộ 1 với các xã Hải Sơn, Hải Phong. Hơn 35 năm sử dụng, cây cầu đã “hết tuổi thọ” nhưng hiện tại vẫn phải gánh hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông qua cầu mỗi ngày, trong đó có nhiều phương tiện trọng tải lớn. Theo quan sát của chúng tôi, dầm cầu bằng thép hiện đang bị hoen rỉ, mặt cầu rạn nứt. Đặc biệt lan can cầu bằng sắt hiện đã bị rỉ sét, rơi rụng, đứt gãy nghiêm trọng, giảm khả năng bảo vệ, tiềm ẩn nguy hiểm với người đi đường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Lộc ở xã Hải Phong cho biết, do được xây dựng rất lâu nên hiện nay cầu Câu Nhi đã xuống cấp trầm trọng. Nhưng do đây là tuyến đường huyết mạch nên hằng ngày vẫn có hàng trăm lượt xe lớn nhỏ, trong đó có các loại ô tô vận chuyển vật liệu xây dựng, nông sản… có trọng tải lớn qua lại khiến cho cây cầu đã yếu nay lại càng yếu hơn. Mỗi khi phương tiện có trọng tải lớn chạy qua là cây cầu lại rung lên bần bật. Người dân ở đây thường gọi vui là cầu “chờ sập”.

Theo Chủ tịch UBND xã Hải Phong Nguyễn Khánh Tặng, cầu Câu Nhi là cây cầu dân sinh quan trọng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân xã Hải Phong, vùng càng xã Hải Chánh. Do vậy, mặc dù đã xuống cấp nhưng hằng ngày cây cầu vẫn phải gồng mình “gánh” một lượng phương tiện rất lớn lưu thông qua lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Cơ quan quản lý đường bộ cũng đã lắp biển cảnh báo, hạn chế tải trọng qua cầu nhưng do đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển nông sản, hàng hóa nên nhiều phương tiện có trọng tải lớn vẫn lưu thông qua lại. “Hằng năm địa phương đều ưu tiên một phần kinh phí để duy tu cầu. Nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ sửa chữa những hư hỏng nhẹ. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp tu sửa hoặc xây cầu mới để người dân đi lại thuận lợi, an toàn hơn”, ông Tặng nói.

Theo thống kê, toàn huyện Hải Lăng có gần 150 cây cầu dân sinh, trong đó có hàng chục cầu đang trong tình trạng xuống cấp, tạm bợ. Nguyên nhân là do nhiều cây cầu đã có “tuổi thọ” lên đến 30 - 40 năm, lưu lượng phương tiện tăng nhanh, tải trọng vượt thiết kế của cầu. Trong khi nguồn kinh phí của địa phương hạn chế nên việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết, hằng năm UBND huyện đều chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hư hỏng và xây dựng phương án nâng cấp, sửa chữa cầu dân sinh.

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực có hạn nên vẫn còn tồn tại một số cây cầu hiện đang xuống cấp nhưng chưa được duy tu, sửa chữa kịp thời. Trước mắt, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, hằng năm, nhất là trước mùa mưa bão, tập trung khắc phục các điểm xung yếu của các cây cầu đã xuống cấp. Có giải pháp cụ thể trong việc quản lý, sử dụng cầu như ngăn chặn triệt để xe quá khổ, quá tải; tăng cường tuyên truyền để người dân cẩn trọng khi lưu thông qua cầu, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để từng bước đầu tư nâng cấp các cây cầu đang bị hư hỏng nặng, phục vụ nhu cầu giao thương của người dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cầu An Mô cũ xuống cấp nhưng không có cảnh báo nguy hiểm

Nguyễn Vinh |

Cầu An Mô cũ bắc qua sông Thạch Hãn nối các xã rộng lớn phía Đông huyện Triệu Phong (Quảng Trị) với thị trấn Ái Tử vào Quốc lộ 1 được xây dựng cách đây hơn 30 năm nay đã xuống cấp trầm trọng, rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua. Tuy vậy, mỗi ngày cây cầu này phải gánh chịu hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt ô tô đi qua, trong đó nhiều xe có tải trọng khá lớn khiến cho cầu rung lắc rất nguy hiểm cho người và phương tiện.

Đường xuống cấp gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Tuấn Việt |

Thời gian gần đây, Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử, huyện Triệu Phong được  UBND tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng tuyến đường RD-03 và RD- 36. Tuyến đường này do Công ty TNHH MTV An Thịnh và Công ty TNHH Xây dựng Trường Phúc thi công. Đường có chiều rộng 23 m, trong đó lòng đường 11 m, đường cấp 4 với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỉ đồng.

Sau bão lũ, di sản Huế xuống cấp nghiêm trọng

Lê Hiếu |

Tại khu di sản Huế, nhiều điểm di tích nước lũ tràn vào, ngập sâu như: di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng Cung Huế nước ngập cả mét. Nhiều di tích dọc sông Hương cũng bị ngập nặng.

Cầu Treo Cam Hiếu xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Anh Vũ |

Cầu Treo Cam Hiếu được xây dựng từ năm 1994, bắc qua sông Hiếu, nối đường liên xã Cam Hiếu - Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) với Quốc lộ 9, đoạn km 7. Qua thời gian dài sử dụng, mặc dù đã nhiều lần tu sửa (lần gần đây nhất là năm 2016) nhưng hiện nay nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn cho người và phương tiện mỗi khi qua đây.