Giặc COVID-19 ào đến, các chiến sĩ áo trắng cũng thần tốc, khẩn trương băng mình trên tuyến đầu chống dịch. Xuyên đêm lấy mẫu, khoanh vùng dịch, điều trị bệnh nhân, những ca làm việc khát khô cổ... họ kiệt sức, thiếu ngủ đã bao ngày.
Khâm phục nhưng cũng đầy xót xa là tình cảm mà nhiều người dành cho các y bác sĩ, cán bộ y tế khi chứng kiến hình ảnh họ phải làm việc kiệt sức nơi tâm dịch, những giấc ngủ tạm ven đường, ngoài sân khu cách ly, hay trên ghế chờ bệnh viện, và cả những giọt nước mắt thương nhớ con thơ…
Đã hơn nửa tháng nay kể từ khi bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ 4, các chiến sĩ áo trắng cũng đã từng ấy ngày không ngơi nghỉ. Họ phải làm việc xuyên ngày đêm, thần tốc lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng dịch, điều tra dịch tễ, làm công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân... Khi những giọt mồ hôi đã đổ xuống trên tuyến đầu chống dịch, họ đã trở thành những người chiến sĩ quả cảm, đã phải gạt hết những mong muốn riêng tư, tình cảm gia đình, để tình nguyện làm tấm lá chắn bảo vệ an toàn cho cộng đồng.
Nhiều địa phương dịch bùng mạnh, lây lan nhanh, với số lượng ca bệnh tăng chóng mặt cũng là lúc cán bộ y tế “xoay như chong chóng”. Trong cái nắng ngột ngạt của mùa hè, những ca làm việc nhiều giờ trong bộ quần áo bảo hộ kín mít thực sự là một thử thách, rồi những đêm thức trắng lấy mẫu trong vùng dịch, cả ngày chỉ được chợp mắt ít phút, những ngày cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa hẹn ngày về… Khó khăn, vất vả là vậy nhưng với trách nhiệm không ai có thể thay thế, các chiến sĩ áo trắng vẫn nỗ lực, nhẫn nại chỉ mong sớm dập được dịch.
Những ngày gần đây các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã trở thành “điểm nóng” khi dịch bùng phát ở các khu công nghiệp với số lượng công nhân tới hàng nghìn người. Công tác truy vết, cách ly lấy mẫu, khoanh vùng dịch rất vất vả, phải đảm bảo nhanh, chính xác; áp lực ấy “đè lên vai” các cán bộ y tế, nhiệm vụ này khó khăn hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước.“Mấy hôm trời nóng, mặc bộ đồ bảo hộ kín như bưng, nước cũng không dám uống nhiều vì sợ phải đi vệ sinh, có ngày có khi chúng tôi chỉ dám đi một lần, bởi đồ bảo hộ khi đã cởi ra là phải bỏ. Nếu liên tục cởi bỏ vừa mất thời gian vừa rất tốn kém. Nhiều lúc cũng oải lắm, nhưng nghỉ ngơi tý một chút lại đứng dậy làm”, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngân, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang chia sẻ trong lúc chờ đưa mẫu đi xét nghiệm sau một đêm quay cuồng thức trắng lấy mẫu cho người dân.
"Chúng tôi quên cả ngày hôm nay là thứ mấy” là lời chia sẻ của các y bác sĩ nơi tâm dịch Bắc Ninh. Khi nơi đây trở thành điểm nóng dịch, họ chỉ còn biết đến công việc và công việc, thời gian cũng chẳng còn phân biệt ngày hay đêm.
Hình ảnh người mặc đồ bảo hộ kín mít nằm ngủ bên vệ đường được chia sẻ những ngày qua là cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (Điện Biên) và lái xe làm công việc vận chuyển những trường hợp F0, F1 đến những khu cách ly, điều trị. Khi trên địa bàn tỉnh Điện Biên số ca mắc COVID-19 bất ngờ tăng vọt, lực lượng y tế phải căng mình làm việc tới 200% sức lực. Nhiều cán bộ đã kiệt sức, họ phải tranh thủ nằm chợp mắt một lúc cho khỏe rồi mới có thể tiếp tục đi tiếp…
“Nhìn cảnh cán bộ của mình kiệt sức, nằm nghỉ bên vệ đường mà tôi không cầm được nước mắt. Thực sự tôi rất lo cho sức khoẻ của anh em ngành y tế, họ mà ốm ra thì chẳng có người làm việc”, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên xót xa khi chia sẻ về các nhân viên y tế của mình.
Còn ở nơi tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19, các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang gồng mình chống dịch khi Bệnh viện vừa trong giai đoạn tự cách ly y tế vừa phải tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 từ các nơi chuyển đến, nhất là các ca nặng. Những đêm làm việc hết công suất cấp cứu các ca bệnh nặng chuyển tới và lo điều trị cho hàng trăm ca bệnh đang nằm ở đây, vất vả là vậy nhưng họ vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ, chẳng một lời kêu than.
(Nguồn: Báo Tin tức)