Ngày 9.5, dịch COVID-19 đã lan ra 24 tỉnh thành và 2 bệnh viện trung ương với số ca mắc liên tục tăng. Các ca bệnh ghi nhận tại BV K và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiều nhất. Đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lo lắng: “Đợt dịch này diễn biến phức tạp, cần tăng cường đảm bảo an toàn cho các bệnh viện”.
Đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: "Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát khó khăn hơn trước, có thể xuất hiện thêm ổ dịch, nguồn lây chưa biết, chưa kiểm soát được. Các địa phương phải đặt trong trạng thái không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác".
Bộ trưởng Long khẳng định, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều địa phương vì bệnh viện Trung ương là tổng hợp các bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết: Hiện nay các bệnh viện và cơ sở y tế đều đã tổ chức kiểm soát và cách ly theo quyết định 3088/QĐ-BYT về tiêu chí bệnh viện an toàn. Nhưng khi xuất hiện các ca bệnh thì với tính chất phức tạp của diễn biến của dịch bệnh, nên các tỉnh/thành phố một mặt cần tích cực nâng mức cảnh báo lên trên 1 mức và tiến hành các biện pháp chủ động ngăn ngừa để đẩy lùi sớm dịch bệnh. Các bệnh viện có xuất hiện ca bệnh COVID-19 sẽ dừng tiếp nhận bệnh nhân để sàng lọc và phát hiện sớm các ca nhiễm trong bệnh viện khi không may để lọt ca bệnh này.
Đặc biệt Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản, Công điện đôn đốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương với thông điệp “Tất cả các bệnh viện ở Việt Nam hãy nâng mức độ cảnh báo, cảnh giác lên mức cao nhất để phòng chống dịch COVID-19”.
Các bệnh viện phải có các thông báo từ cổng bệnh viện, tổ chức cách ly, phân luồng bệnh nhân và đặc biệt coi các bệnh nhân đến đều là F0 để có các biện pháp phòng tránh phù hợp. Tất cả các bệnh nhân đến đều được sàng lọc và khai báo y tế. Song song với đó, tổ chức sàng lọc xét nghiệm cho tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở các khu vực có dịch trong cộng đồng. Với các bệnh viện ở khu vực chưa có dịch trong cộng đồng thì định kỳ 3 ngày/tuần phải xét nghiệm cho các bác sĩ tuyến đầu như ở phòng khám bệnh, khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo và các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong khu vực này.
"Chúng tôi đề nghị các Sở Y tế hướng dẫn chặt chẽ các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân. Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc quản lý nhân viên y tế tránh lây dịch bệnh từ những nhà hàng, quán bar, quán karaoke…" - PGS-TS Lương Ngọc Khuê nói.
Về việc chuẩn bị cho các kịch bản, Bộ Y tế đã yêu cầu rà soát lại hết các cơ sở y tế trên toàn quốc để chuẩn bị cho các tình huống. Bộ Y tế liên tục nhắc đi nhắc lại 3 điểm yếu: Xét nghiệm, cách ly và điều trị. Bộ Y tế đã có hướng dẫn về thiết lập bệnh viện dã chiến theo Nghị định của Chính phủ. Cùng đó, chuẩn bị cơ sở cách ly trong tình huống bắt buộc cách ly nhiều người trong thời gian ngắn, thực tế nhiều nơi lúng túng.
"Chúng ta đang được đặt trong tình trạng báo động rất cao. Đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
(Nguồn: Báo Lao Động)