“Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”

Hà Trang |

Thời gian qua, phong trào hiến máu nhân đạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ đây, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình với hàng chục lần hiến máu, họ không chỉ tích cực tham gia sẻ chia những giọt máu hồng mà còn vận động mọi người cùng hưởng ứng việc làm cao đẹp này.

Nữ nhà giáo nhiều lần hiến máu cứu người

13 năm gắn bó với nghề giáo, cô Lương Thị Bằng Phương, giáo viên Trường TH&THCS Lương Thế Vinh, thị xã Quảng Trị vẫn vẹn nguyên niềm say mê sáng tạo, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giờ dạy. Cô cũng là nhân tố tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương khi đã 26 lần tham gia tình nguyện hiến máu để cứu người.

Cô Lương Thị Bằng Phương, giáo viên Trường TH&THCS Lương Thế Vinh, thị xã Quảng Trị tham gia tích cực các đợt hiến máu tình nguyện - Ảnh: H.T
Cô Lương Thị Bằng Phương, giáo viên Trường TH&THCS Lương Thế Vinh, thị xã Quảng Trị tham gia tích cực các đợt hiến máu tình nguyện - Ảnh: H.T

Cô Phương chia sẻ: “Tôi bắt đầu tham gia phong trào hiến máu từ năm 2006, khi còn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế. Sau lần đầu tiên ấy, tôi càng hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động này nên từ đó đến nay, năm nào tôi cũng đăng ký hiến máu cứu người”.

Không chỉ tham gia hiến máu tình nguyện tại các đợt hiến máu tình nguyện do địa phương tổ chức, cô giáo Phương còn tích cực hiến máu cho các trường hợp khẩn cấp. Lần đáng nhớ nhất trong hành trình hiến máu của cô Phương là đã cứu sống một cháu bé 11 tuổi, phải mổ cấp cứu do bị đau tim tại Bệnh viện Trung ương Huế. Trong quá trình phẫu thuật, do mất máu quá nhiều nên tính mạng cháu bé rất nguy kịch.

Trong khi đó, ngân hàng máu của bệnh viện không còn nhóm máu B. Sau khi tiếp nhận thông tin, cô Phương cùng một người bạn của mình đã tức tốc vào Bệnh viện Trung ương Huế đề xuất nguyện vọng hiến máu cứu người.

“Nhìn dòng máu của mình được truyền trực tiếp giúp cháu bé qua cơn nguy kịch, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi tâm nguyện sẽ tiếp tục tham gia hiến máu tình nguyện đến khi nào sức khỏe còn cho phép, để có thể cứu giúp được thật nhiều người”, cô Phương cho biết.

Ngoài việc hưởng ứng tích cực phong trào hiến máu tình nguyện, cô giáo Lương Thị Bằng Phương còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ học sinh nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, bồi đắp, giáo dục học sinh sống biết sẻ chia và có trách nhiệm với xã hội.

Còn đủ sức khỏe là còn đi hiến máu

Anh Hồ Viết Lân, ở Khu phố 4, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà đã có trên 30 lần tham gia hiến máu nhân đạo - Ảnh: H.T
Anh Hồ Viết Lân, ở Khu phố 4, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà đã có trên 30 lần tham gia hiến máu nhân đạo - Ảnh: H.T

Với tâm niệm “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, anh Hồ Viết Lân, ở Khu phố 4, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà đã tích cực tham gia các chương trình tình nguyện. Anh Lân chia sẻ: “Bản thân tôi nhận thấy hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần tương thân, tương ái với mọi người. Mình còn trẻ, hiến máu không có gì phải e ngại mà còn giúp cơ thể thay đi máu cũ để sản sinh máu mới. Mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy tinh thần thoải mái và hạnh phúc khi đã chia sẻ giọt máu của mình để kịp thời cứu chữa cho người bệnh”.

Nhận thức được việc hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và được tìm hiểu kỹ lưỡng về những tác động tích cực của việc hiến máu tình nguyện, anh Lân bắt đầu tham gia hoạt động này từ hơn 10 năm trước, khi còn đi nghĩa vụ quân sự.

Sau khi rời quân ngũ, trở về địa phương, mỗi khi có đợt phát động hiến máu tình nguyện, anh vẫn tham gia tích cực. Đều đặn mỗi năm, anh tình nguyện tham gia hiến máu từ 2 - 3 lần, mỗi lần hiến được 350 ml máu. Tính đến nay, anh đã có trên 30 lần hiến máu tình nguyện và đã vinh dự nhận được nhiều giấy chứng nhận, khen thưởng của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo và UBND các cấp.

Anh Lân chia sẻ: “Tôi tham gia hiến máu tình nguyện đơn giản chỉ vì nghĩ sẽ cứu được bệnh nhân đang cần máu để duy trì sự sống chứ không bao giờ có suy nghĩ sẽ được nhận lại bất cứ thứ gì. Vì vậy, bất kỳ khi nào còn đủ điều kiện, sức khỏe để hiến máu thì tôi sẽ cho đi những giọt máu hồng”.

Những việc làm mang ý nghĩa nhân đạo của anh Hồ Viết Lân đã góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của mọi người với xã hội. Sự nhiệt tình, năng nổ, tích cực của anh cũng trở thành động lực lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp trong phong trào hiến máu tình nguyện đến tất cả mọi người.

Vì nước quên thân, vì Nhân dân phục vụ

14 năm công tác trong lực lượng công an, Đại uý Đinh Ngọc Hoàng, Bí thư Chi đoàn Trại tạm giam Công an tỉnh đã 14 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Đối với chiến sĩ trẻ Đinh Ngọc Hoàng, hiến máu cứu người cũng là một phần trong công việc bảo vệ Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ.

Đại uý Đinh Ngọc Hoàng, Bí thư Chi đoàn Trại tạm giam Công an tỉnh luôn xung kích, đi đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện - Ảnh: H.T
Đại uý Đinh Ngọc Hoàng, Bí thư Chi đoàn Trại tạm giam Công an tỉnh luôn xung kích, đi đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện - Ảnh: H.T

Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, với vai trò là bí thư chi đoàn, anh còn truyền ngọn lửa tình nguyện hiến máu cứu người cho các đoàn viên, đồng đội, bạn bè, người thân. Đặc biệt, trên hành trình mang lại sự sống cho người bệnh cần máu, Đinh Ngọc Hoàng còn tham gia tích cực Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của Công an tỉnh để cùng với đồng đội kịp thời hiến máu cho các bệnh viện trong các trường hợp khẩn cấp, giúp nhiều bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch.

Trong nhiều lần tham gia hiến máu, Đại úy Đinh Ngọc Hoàng nhớ nhất là kỷ niệm anh cùng đồng đội đã kịp thời hiến máu ngay trong đêm để cứu người trong thời điểm COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Đó là vào năm 2021, khi đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, anh nhận được thông tin về một nạn nhân đang nguy kịch vì tai nạn giao thông, cần tiểu cầu nhóm O để cấp cứu.

Nghĩ đến tính mạng bệnh nhân đang thập tử nhất sinh, ngay lập tức anh đã không đắn đo, cùng với đồng đội của mình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để hiến máu khẩn cấp, giúp ca mổ diễn ra thành công và bệnh nhân được cứu sống. Việc làm nhân văn, cao đẹp của Đại úy Đinh Ngọc Hoàng và các đồng đội đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người.

Qua đó, khẳng định vai trò xung kích đi đầu của tuổi trẻ, sự sẻ chia, tấm lòng nhân ái của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên của lực lượng công an nhân dân. Đây cũng là một cách để làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

TAGS

Đakrông: 500 tình nguyện viên hiến máu tình nguyện

Thanh Lê |

Ngày 14/4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Đakrông (Quảng  Trị) phối hợp với Trung tâm Huyết học Truyền máu khu vực miền Trung tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện lần thứ I/2023.

Thầy giáo 32 lần hiến máu tình nguyện

Trúc Phương |

Với 32 lần tham gia hiến máu tình nguyện, thầy giáo Nguyễn Văn Anh (sinh năm 1977), Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh đã 2 lần vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen, trở thành một trong những tấm gương sáng trong phong trào hiến máu tại địa phương.

Hải Lăng: Người dân tích cực hiến máu cứu người

Hiếu Giang |

Những năm qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ huyện đến cơ sở nên nhận thức của người dân về HMTN ngày càng được nâng lên, tạo thành phong trào lan rộng trên địa bàn. Nhờ hiệu quả và sự lan toả sâu rộng đó, Hải Lăng được hội cấp trên đánh giá là một trong những địa phương tiêu biểu trong thực hiện phong trào HMTN của tỉnh.

Cam Lộ: Gần 300 người hiến máu tình nguyện

Anh Vũ |

Sáng 14/3, BCĐ hiến máu tình nguyện huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2023.