Không được may mắn như những thanh niên cùng trang lứa, đó là bị mất đi cánh tay trong một vụ tai nạn lao động nhưng anh Phạm Hữu Quang, sinh năm 1983, ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) không chịu khuất phục trước số phận, không để bản thân mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội mà vẫn quyết tâm nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.Với anh, cánh làm giàu không phải từ đôi tay mà từ ý chí, nghị lực và khối óc.
Không được may mắn như những thanh niên cùng trang lứa, đó là bị mất đi cánh tay trong một vụ tai nạn lao động nhưng anh Phạm Hữu Quang, sinh năm 1983, ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ không chịu khuất phục trước số phận, không để bản thân mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội mà vẫn quyết tâm nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.Với anh, cánh làm giàu không phải từ đôi tay mà từ ý chí, nghị lực và khối óc.
Là một thanh niên trẻ, năm 2008 khi đang làm công nhân cho Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm, anh Phạm Hữu Quang không may bị tai nạn lao động mất đi cánh tay phải. Từ một thanh niên khỏe mạnh trở thành người khuyết tật, anh vô cùng chán nản, cuộc sống sinh hoạt của bản thân gần như bị đảo lộn, khó khăn chồng chất. Không để bản thân mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội với nghị lực của một thanh niên, anh Quang quyết chí vươn lên, vượt qua nghịch cảnh để làm giàu ngay trên quê hương mình.
"Khi bị mất đi một cánh tay, bản thân cảm thấy rất hụt hẫng và chán nản, muốn buông bỏ đi tất cả nhưng nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, nhất là thanh niên trong thôn nên tôi suy nghĩ mình còn có vợ, con, còn tương lai rất dài ở phía trước và cần phải cố gắng vươn lên, trước là để nuôi đủ cuộc sống bản thân, sau đó là làm giàu cho gia đình", anh Quang chia sẻ.
Là người khuyết tật, không thể làm được những công việc nặng nhọc nên anh Quang đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi với mô hình kinh tế đa con. Từ nguồn vốn ít ỏi tiết kiệm được cùng với vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, năm 2018, anh Quang ra huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh mua 3 con hươu về nuôi, trong đó 1 con giống sinh sản và 2 con đực để lấy nhung. Chi phí đầu tư chuồng trại và con giống ban đầu hơn 100 triệu đồng. Sau gần 2 năm nuôi, hiện nay đàn hươu của anh sinh sản ra được 5 con, trong đó có 3 con đã cho thu hoạch nhung, mỗi năm thu được 2 đợt, mỗi đợt một con thu được từ 0,7-1kg nhung, bán ra thị trường 14 triệu đồng/kg. Tích lũy được vốn từ nuôi hươu, anh Quang đầu tư nuôi thêm 5 con dê sinh sản, lợn nái, lợn thịt, gia cầm... Nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi nên đàn vật nuôi của gia đình anh phát triển tốt, riêng đàn dê đã tăng lên 15 con, lợn mỗi năm xuất bán khoảng 50 con.
Từ một thanh niên khuyết tật nhưng với ý chí, nghị lực vươn lên, anh Quang không chỉ làm ra của cải vật chật nuôi đủ bản thân mà còn làm giàu cho gia đình, mỗi năm từ bán nhung hươu, dê, lợn, gia cầm gia đình anh có thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trở thành một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên trong thanh niên địa phương.
Chưa dừng lại ở đó, hiện nay anh Quang đang có kế hoạch mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Đặc biệt là nuôi thêm hươu sinh sản và lấy nhung, vì đây là giống vật nuôi mới phù hợp với đặc điểm ở địa phương, kỹ thuật nuôi đơn giản, thức ăn chủ yếu là lá cây trong vùng hoặc các loại rau, củ quả có sẵn ở địa phương, hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, anh cũng đầu tư phát triển nuôi lợn sinh sản để cung cấp nguồn lợn giống cho người chăn nuôi ở địa phương.
Bí thư Xã đoàn Cam Nghĩa Nguyễn Ngọc Trinh cho biết thêm: "Anh Phạm Hữu Quang là một thanh niên khuyết tật nhưng không chịu khuất phục trước số phận, tàn nhưng không phế, từ trong hoạn nạn anh đã vươn lên để làm ăn kinh tế, biết tận dung lợi thế của địa phương, lựa chọn công việc phù hợp với bản thân để làm giàu. Từ một hộ khó khăn bây giờ anh trở thành hộ khá giả. Chung tôi xem đây là tấm gương vượt khó vươn lên để tuyên truyền cho các đoàn viên thanh niên khác học tập noi theo".
(Nguồn: QTRV)