Trở về từ chiến trường Campuchia, bệnh binh Nguyễn Đức Khả ở thôn Tân Xuân 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để tạo lập cuộc sống ổn định cho gia đình mình và đóng góp nhiều công sức vì cuộc sống cộng đồng, xây dựng nông thôn mới (NTM).
Một ngày đầu hạ, tôi tìm gặp ông Khả. Giữa khu vườn xanh um cây trái, chuyện làm ăn, chuyện làng, chuyện xóm thời xây dựng NTM cứ đan xen với câu chuyện chiến trường, những năm tháng ấm tình đồng đội cách đây hơn 40 năm về trước như mảnh hồi ức cứ lấp lánh trong từng dòng tâm sự của ông Khả. Không hiểu sao, khi nghe những câu chuyện dung dị, chân mộc ấy, những người cùng thời như chúng tôi luôn có sự thấu cảm, chia sẻ và trọn vẹn tình cảm trân quý như đã tìm và bắt gặp một thời tuổi trẻ sôi nổi của mình ở trong đó…
Ở một “cuộc chiến” khác, chiến thắng không dễ dàng gì
Sinh năm 1958, vào tháng 11/1977, ông Khả tạm biệt quê nhà Lê Xá, Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh lên đường nhập ngũ. Sau khi được huấn luyện chu đáo, tháng 6/1978, ông cùng đồng đội thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7 sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Là lính trinh sát trên một địa bàn ác liệt, những địa danh trên chiến trường Campuchia, từ Mondonkiri, Rattanakiri, Cô nhét, Báttambang, Pailin đến Tà Sanh, Xâm Lốt, Phnôm Mêlai, Xiêm Riệp, Prếchvihia... luôn hằn sâu trong ký ức của ông Khả những năm tháng sống đời chiến binh gian khổ.
Gian khổ đến nỗi người dân sở tại khi chứng kiến “đội quân nhà Phật” đến đóng quân ở đây đã phải thốt lên: “Nơi rừng thiêng nước độc, từ xưa đến nay to khỏe như con voi còn quay lưng bỏ đi, vậy mà bộ đội Việt Nam vẫn bám trụ kiên cường để cứu Nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng”…Trong thời gian có mặt tại chiến trường Campuchia, điều ám ảnh nhất chưa phải là những trận đánh với một kẻ thù rất xảo quyệt mà chính là thời tiết khắc nghiệt ở những vùng đất mà ông Khả và đồng đội đã sống và chiến đấu.
Mùa khô, một địa bàn mênh mông không đào đâu ra một giọt nước. Bộ đội luôn bị cơn khát dày vò. Mùa mưa, phần lớn khu vực đóng quân đều bị ngập úng, đi lại, tác chiến rất khó khăn và bệnh sốt rét hoành hành. Đơn vị ông Khả có trên 70% bộ đội từng bị sốt rét. Bản thân ông cũng từng bị sốt rét kéo dài, tiêu hao dần sinh lực. Sau gần 12 năm chiến đấu trên chiến trường Campuchia, đầu tháng 1/1990, ông Khả ra quân với chứng nhận bệnh binh, trở về sinh sống với vợ ở Nông trường Tân Lâm, Cam Lộ.
Trở về quê hương lập nghiệp, bệnh binh Nguyễn Đức Khả lại phải đối mặt với một “cuộc chiến" khác mà ông nghĩ, để chiến thắng là không hề dễ dàng. Lập gia đình, ra riêng, sống ở một nơi từng là vùng chiến địa như Tân Lâm, Cam Lộ này, đất đai thì phì nhiêu nhưng đầy rẫy bom mìn còn sót lại, rồi lau lách, cỏ dại bời bời đòi hỏi sức vóc và nghị lực vượt khó dạn dày mới trụ lại được. “Cuộc chiến” chống lại đói nghèo của gia đình ông Khả bắt đầu từ những nhát cuốc khai hoang đất đai để trồng cây hồ tiêu và chăn nuôi những vật nuôi có lợi thế ở vùng gò đồi.
Cần mẫn theo năm tháng, đến nay, gia đình ông Khả đã duy trì vườn hồ tiêu 1,1 ha, mỗi năm để thay thế những cây hồ tiêu bị thoái hóa và mở rộng diện tích, ông trồng mới thêm từ 100 - 120 gốc nữa. Ông Khả cho biết, dù giá cả có lúc lên, lúc xuống nhưng với địa bàn ông đang ở, hiện chưa có cây trồng nào có giá trị thay thế xứng đáng cây hồ tiêu. Trên diện tích cây hồ tiêu, có thời điểm thuận lợi, gia đình ông thu được từ 1,4 đến 1,5 tấn. Nếu cứ tính trung bình giá một tấn tiêu khoảng 90 triệu đồng thì gia đình ông cũng có được nguồn thu đáng kể.
Bên cạnh phát triển kinh tế vườn, trồng thêm bắp, đậu, ông Khả còn tập trung đầu tư chuồng trại để nuôi dê nhốt. Hiện ông duy trì 14 con dê trong chuồng, mỗi năm dê sinh sản 2 lứa cũng được chục con. Xoay vòng vỗ béo, bán dê thịt, hằng năm ông có thêm nguồn thu khoảng 20 triệu đồng nữa.
Ông Khả chia sẻ rằng, bây giờ sau bao nỗ lực, cuộc sống đã tốt dần lên, khó khăn cũng đã qua đi khá lâu rồi, “cuộc chiến” với khó nghèo rất gian nan nhưng cũng dần dà vượt qua được. Các con của ông bà đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Nhà cửa đã xây dựng khang trang. Nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi đều đặn quanh năm. Nhờ đó, ông có thêm thời gian để gánh vác việc làng, việc xóm, việc xã hội một cách vén khéo, trôi tròn.
“Đứng mũi chịu sào” trong buổi đầu xây dựng NTM
Tháng 6/1995 thôn Tân Xuân 1, xã Cam Thành được thành lập. Lúc bấy giờ, ông Khả đảm đương cương vị bí thư chi bộ (năm 2003- 2005), trưởng thôn (2010-2015). Lúc ông đang là trưởng thôn, Tân Xuân 1 triển khai xây dựng NTM. Ông Khả kể lại rằng, thời điểm bắt tay xây dựng NTM, cũng như nhiều địa phương khác của xã Cam Thành, thôn Tân Xuân 1 đứng trước bộn bề công việc phải làm.
Là người “đứng mũi chịu sào” ở địa phương, bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã giao cho Ban phát triển NTM các thôn lựa chọn công trình đầu tư phù hợp trên cơ sở quy hoạch chung NTM của xã như: Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, khu tập luyện TDTT... ông Khả đã tổ chức các cuộc họp dân, bàn bạc và thống nhất huy động nguồn lực trong dân để triển khai theo phương châm việc dễ, việc ít cần nguồn vốn đầu tư thì làm trước, việc khó làm sau.
Ông và người dân xác định và tập trung cho việc hoàn thiện hệ thống đường bê tông nông thôn dài 5.500 m, hoàn thành vào năm 2013 (đến nay hệ thống đường bê tông này đã hoàn chỉnh đến từng đường làng, ngõ xóm); vận động người dân triển khai chương trình “Ánh sáng đường quê” với 26 bóng đèn điện thắp sáng ở những khu vực trung tâm (nay đèn điện đã thắp sáng ở 7 tuyến trong khu dân cư với gần 150 bóng đèn); lắp đặt 11 camera an ninh tại những khu vực trọng điểm, đến nay vẫn hoạt động tốt; xây dựng sân bóng chuyền ban đêm để người dân có nơi luyện tập thể thao sau những giờ lao động mệt nhọc.
Điều đáng ghi nhận là nhờ sự đồng thuận trong xây dựng NTM, khi làm đường bê tông nông thôn, điện thắp sáng từ nhà ra ngõ hay các cơ sở vật chất khác, người dân đều tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng mà không cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Thông qua công tác tuyên truyền của người trưởng thôn “miệng nói tay làm”, người dân đã nhận thức đúng và đầy đủ mục đích, ý nghĩa, vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” được phát huy hiệu quả tối đa.
Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm phát triển kinh tế của mình, ông Khả cũng đã vận động người dân trong thôn cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh chăn nuôi bò, dê nhốt chuồng, phục hồi, trồng mới cây hồ tiêu, cao su, trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng gia đình để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xem đây là mục tiêu xuyên suốt, là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Cùng với đó là đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa kết hợp với phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM để tạo sức lan tỏa những điều tốt đẹp trong các khu dân cư.
Ông Khả cho biết: “Thôn Tân Xuân 1 hiện có gần 150 hộ, 544 khẩu, địa bàn trải dài từ cầu Tân Lâm lên đến dốc Cam Phú, hơn 2,5 km theo dọc hai bên Quốc lộ 9. Cùng với quyết tâm của toàn xã, người dân Tân Xuân 1 đã nỗ lực vượt bậc để vươn lên trong xây dựng NTM và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tân Xuân 1 đã đạt NTM kiểu mẫu mức độ 2 đầu tiên của huyện Cam Lộ. Nhìn lại quá trình xây dựng NTM, là người có mặt từ buổi đầu tạo dựng, tôi cảm thấy rất tự hào về người dân quê tôi đã không quản khó khăn, gian khổ, góp sức, chung lòng để xây dựng quê hương mình ngày càng khang trang, giàu đẹp”…
Trong câu chuyện với tôi, ông Khả luôn bày tỏ niềm tự hào về người dân quê mình. Nhưng tôi cũng biết, người dân nơi ông đang sinh sống cũng luôn ghi nhận sự tận tâm, cống hiến của ông, người cựu chiến binh, bệnh binh, từng là bí thư chi bộ, trưởng thôn trong quá trình xây dựng Tân Xuân 1 trở thành một miền đất trù phú, nghĩa tình, một vùng quê đáng sống…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)