Người con gái Triệu Lăng kiên cường

Tuệ Anh |

Từ du kích xã Triệu Lăng, bà Đoàn Thị Hòa tình nguyện vào thanh niên xung phong của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), đóng góp sức mình trong những năm quê hương, đất nước chiến tranh. Nay ở tuổi 75, bà vẫn còn nhớ như in những ngày tháng hào hùng đó. Câu chuyện của bà khiến chúng ta càng thêm kính trọng và cảm phục về người con gái đất Triệu Lăng dũng cảm, kiên cường. Bà Hòa cũng như thế hệ thanh niên ngày ấy không tiếc máu xương, quyết tâm đấu tranh để giành lấy nền độc lập cho dân tộc.

Một lòng kiên trung

Bà Đoàn Thị Hòa là một người con của dòng họ Đoàn nổi tiếng ở Thôn 1, xã Triệu Lăng. Hiện bà đang sinh sống một mình trong ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội cựu thanh niên xung phong” được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ một phần tiền xây dựng cách đây gần mười năm. Tuổi đã cao nhưng bà hoạt bát tự lo liệu cho cuộc sống riêng của mình. Ngày mới 18 tuổi, bà tham gia du kích xã. Những ngày ấy ở Triệu Lăng tình hình chiến sự vẫn an toàn và bình yên hơn các chiến trường khác. Sau đó, bà tự nguyện xin vào thanh niên xung phong huyện Triệu Phong để hằng ngày được lên tuyến trước và được cấp trên đồng ý. Nhiệm vụ của bà cùng đồng đội theo sát các trận địa để đưa thương binh, liệt sĩ ra tuyến sau kịp cứu thương cũng như an táng. Gian nan, nguy hiểm bà không nản chí. Có lần từ miền Tây huyện Triệu Phong đưa thương binh về trạm phẫu ở xã Triệu Lăng điều trị, khi ngang qua xã Triệu Long, cả đoàn bị địch phát hiện, bắn pháo. Bà cùng một nam thanh niên xung phong nhảy xuống hầm cá nhân tránh đạn. Khi bom đạn ngớt, bà có cảm giác cả lưng áo mình ướt đẫm. Thì ra người thanh niên xung phong đó đã trúng đạn hy sinh để nhường sự sống cho bà. Những năm 1968 trở về sau, tình hình chiến trường phía Nam Quảng Trị rất khốc liệt. Địa bàn xã Triệu Lăng đã trở thành nơi đứng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, là nơi dự trữ lương thực, thực phẩm và các loại vũ khí của miền Bắc chuyển vào bằng đường biển. Vì vậy quân địch tổ chức càn quét ngày càng quyết liệt ở vùng này. Có những ngày bà Hòa cùng anh em thanh niên xung phong cáng đến 120 thương binh từ các trận địa về trạm phẫu cấp cứu. Những thương binh quá nặng, sau khi cấp cứu xong, bà cùng đồng đội chuyển lên chiến khu ở miền Tây huyện Triệu Phong hoặc dùng thuyền bí mật chuyển bằng đường biển ra Khu vực Vĩnh Linh tiếp tục điều trị kết hợp nhận vũ khí, thuốc men chuyển vào phục vụ chiến đấu.

Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Triệu Lăng Trần Thanh Hồng thăm và động viên bà Hòa -Ảnh: T.L
Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Triệu Lăng Trần Thanh Hồng thăm và động viên bà Hòa -Ảnh: T.L

Trong một lần gùi gạo lên miền Tây Triệu Phong, bà Hòa không may bị sa vào tay giặc. Địch đưa bà về giam và tra tấn giã man ở đồn Mỹ Thủy. Đỉnh điểm nhất là chúng dùng một hệ thống điện găm vào người bà để tra tấn, nhưng cũng không khai thác được gì nên sau gần hai tháng buộc phải thả bà ra. Trở về, bà lại tiếp tục tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong cho đến ngày tỉnh Quảng Trị được giải phóng vào năm 1972. Cho đến giờ bà vẫn nhớ như in giữa năm 1969, quân địch tập trung lực lượng xe tăng, pháo binh càn quét bao vây Triệu Lăng. Cuộc chiến đấu của bộ đội chủ lực và Nhân dân Triệu Lăng diễn ra nhiều ngày liền đánh lại quân địch. Đợi đêm xuống bà cùng đồng đội lại đi từng làng tìm để cáng các thương binh về cấp cứu kịp thời, nhờ vậy không ít người giành lại được mạng sống trong gang tấc.

Ước mơ được làm mẹ

Hằng ngày, cứ vào buổi sáng, bà Hoa xuống bờ biển mua lại cá tôm của ngư dân để gánh đi bán ở các chợ trong vùng kiếm tiền sinh sống. Vẫn những chiếc thuyền ấy cập bến biển Triệu Lăng mỗi ngày nhưng ngư dân không phải chuyển vũ khí, lương thực như hồi chiến tranh, mà họ chuyển lên bờ những mẻ cá tươi óng ánh vừa được đánh bắt sau thời gian khôi phục sản xuất. Đất nước hòa bình, bà đã ở vào độ tuổi ba mươi, ôm khát khao được thực hiện thiên chức của người phụ nữ là làm mẹ, làm vợ. Nhưng những trận đòn tra tấn của kẻ thù khiến bà không thể thực hiện được ước mơ đó. Nhiều đêm bà trằn trọc suy nghĩ, bà quyết định xin một cháu bé làm con nuôi. Tình cờ hôm ấy bà và người bạn ra đồng gánh nước, nghe tiếng khóc của trẻ con thì lần theo và phát hiện một đứa bé chừng một tuổi bị bỏ rơi trong đêm tối mịt mù. Bà bồng đứa bé về nhà chăm sóc rồi làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định của pháp luật. Thế là ngôi nhà trống vắng của bà sớm hôm lại rộn vang tiếng cười nói của con trẻ. Chăm bẵm nuôi con, bà mong con khôn lớn thành người. Nhưng rồi thấy hoàn cảnh mẹ nuôi khó khăn nên khi vừa tốt nghiệp THCS, người con của bà xin mẹ được nghỉ học để vào Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân may mặc, đỡ đần phần nào vất vả cho mẹ. Yêu thương con, muốn mẹ con sớm hôm được ở với nhau nhưng bà không thể ngăn ước mơ vào miền Nam tìm việc làm của con. Hôm gặp tôi bà kể con mình nay đã lập gia đình, có hai người con và công việc may mặc ổn định ở TP. Hồ Chí Minh. Mỗi năm, vợ chồng người con lại đưa hai con nhỏ về quê thăm mẹ một lần. Thời gian ngắn ngủi được ở bên con cháu, bà thấy mình hạnh phúc nhất. Tiếng con gọi bà bằng mẹ, tiếng cháu gọi bà bằng ngoại khiến bà rưng rưng cảm động. Nhưng rồi con cháu ở với bà cũng không được bao lâu, phải vào lại thành phố để lao động, sinh sống, bà lại cảm thấy bơ vơ, da diết hơn khi nào hết.

Bà Đoàn Thị Hòa kể lại nỗi đau bị quân giặc tra tấn bằng điện -Ảnh: T.L
Bà Đoàn Thị Hòa kể lại nỗi đau bị quân giặc tra tấn bằng điện -Ảnh: T.L

Với khoản tiền Nhà nước trợ cấp người có công hằng tháng gần một triệu đồng, chỉ vừa đủ giúp bà đi thăm hỏi bà con ốm đau, đám đình ở làng, xã. Vậy là vẫn đôi quang gánh xưa, bà tiếp tục ra bờ biển mua cá mỗi ngày, gắng gổ đi các chợ quanh vùng bán lại kiếm tiền cùng với nuôi thêm gà, vịt trong vườn. Hôm nào buồn bà tìm đến gia đình anh em, hàng xóm để được khuây khỏa trong lòng. Ngôi nhà bà đang ở đã cũ kỹ, xuống cấp. Chiều chiều, những người cao tuổi ở Thôn 1 lại tìm đến nhà bà kể chuyện, chia sẻ tâm tình động viên bà vui vẻ để sống khỏe mạnh. Những lúc ấy, hình ảnh người con gái Triệu Lăng xinh đẹp, giỏi giang ngày nào lại hiện về trong từng câu chuyện của mỗi người.

Chia tay bà, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh đôi mắt già nua của bà ánh lên khi kể về những hy sinh gian khổ trong chiến tranh và những ước mơ bình dị trong cuộc đời của một người phụ nữ mà mình khó vươn tới được.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tìm hiểu về cuộc đời và những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

PV |

Công dân Việt Nam trong nước và nước ngoài tham gia cuộc thi bằng hai hình thức: trắc nghiệm tương tác trực tuyến và thi viết để tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Người thầy Võ Nguyên Giáp

Thái Lợi |

Trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng là thầy giáo. Thời loạn, thầy giáo làm tướng quân đánh giặc giữ nước, thời bình tướng quân chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Trong hành trình cách mạng ấy, dấu ấn người thầy với những phẩm chất tiêu biểu đã thêm phần khắc họa chân dung một vị tướng quân thật đặc biệt và khác biệt.

Tổng Bí thư Lê Duẩn với danh họa Lê Bá Đảng

Nguyễn Hoàn |

Đường dây 500 KV Bắc - Nam sải cánh vững chãi lượn qua núi, vượt trùng mây. Chiếc xe chở tôi vào Tây Nguyên này đâu biết rằng tôi thầm cám ơn nó, vì nó không chỉ chở tôi trong hiện tại mà còn chở tôi ngược về quá khứ, được sống với dư vang của một thời hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, được cảm và nghĩ tới mối liên hệ kỳ thú giữa hai tên tuổi lẫy lừng từng ôm con đường mòn Hồ Chí Minh vào trong trái tim thương nước nồng nàn của mình: Tổng Bí thư Lê Duẩn và danh họa Lê Bá Đảng.

Lê Bá Đảng, vĩnh cửu tình quê tình nước…

Lê Đức Dục |

Về Bích La Đông, đi qua ngôi đình làng trầm mặc, nhìn hồ nước và những vuông cỏ, tâm trí tôi lại hiện về cuộc triển lãm của họa sĩ Lê Bá Đảng gần 30 năm trước, tháng 3 năm 1992. Dịp ấy, những tác phẩm nghệ thuật của ông được trưng bày trên bãi cỏ, trước đình làng, trên tảng đá, ven hồ nước… Khách đến với triển lãm không chỉ có những tên tuổi trong giới nghệ thuật của cả nước và quốc tế mà còn là những người dân lam lũ từ làng quê của ông.