Người mang hương vị biển cả đi muôn nơi

Trần Tuyền |

Từng bôn ba làm đủ nghề để mưu sinh, thậm chí đi làm việc theo diện hợp đồng lao động ở nước ngoài nhưng đều không thành công, phải đến khi khởi nghiệp từ con sứa, con tôm... ngay tại miền quê của mình thì anh Lê Bang (sinh năm 1983) mới gặt hái được “quả ngọt”. Hiện nay, cơ sở sản xuất, chế biến sứa Bang Thủy của anh đã định hình thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường. Người đàn ông chân chất, mộc mạc này đang ấp ủ nhiều kế hoạch, dự định để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng khắp muôn phương.

Khởi nghiệp thành công từ con sứa

Vựa hải sản, tổng kho đông lạnh Bang Thủy nằm trên tuyến đường ven biển, đoạn qua thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Hôm gặp tôi, sau cái bắt tay thật chặt, anh Bang phấn khởi khoe, cơ sở sản xuất, chế biến sứa của gia đình đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh, chế biến sứa ăn liền. Đây là một trong ít các cơ sở trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện quy định của pháp luật về kinh doanh thủy sản.

Cuối năm 2023, anh Lê Bang đầu tư xây dựng kho sấy hải sản bằng điện với máy sấy nhiệt hiện đại - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Cuối năm 2023, anh Lê Bang đầu tư xây dựng kho sấy hải sản bằng điện với máy sấy nhiệt hiện đại - Ảnh: TRẦN TUYỀN


Anh Bang kể: “Từ năm 2019, tôi bắt đầu thu mua thủy hải sản tươi, khô các loại, như: cá, mực, ruốc, tôm sú... và nước mắm của ngư dân để bán cho thị trường trong tỉnh. Vì ban đầu vốn ít nên tôi mua 1 cái tủ lạnh với giá 6,5 triệu đồng. Qua thời gian, nhu cầu của khách ngày càng tăng nên vào tháng 10/2020, tôi đầu tư xây dựng kho đông lạnh với sức chứa khoảng 2 tấn. Khi đã có kho đông lạnh, tôi thu mua cá từ ngư dân trong và ngoài huyện, sau đó bán cá tươi hoặc đưa vào kho lạnh bảo quản. Một năm sau, công việc thuận lợi nên tôi tiếp tục mở rộng kho đông lạnh với sức chứa khoảng 20 tấn”. Kho đông lạnh của anh Bang được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, như: máy làm lạnh, hệ thống lọc nước sạch, máy cắt cá, máy hút chân không, máy đóng gói... với tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 800 triệu đồng.

Là con dân vùng biển nhưng phải đến đầu năm 2022, anh Bang mới nghiêm túc nhận ra rằng con sứa ở vùng bãi ngang rất nhiều. Mỗi khi đến mùa sứa, ngư dân ra bờ biển hoặc đi thuyền vớt về sau đó mang đi chợ bán lẻ. Hết mùa, người tiêu dùng muốn thưởng thức món sứa thì đành... chịu. Trước thực tế đó, anh bắt đầu trăn trở, tìm hiểu thị trường và nắm bắt được tâm lý của khách hàng trong và ngoài tỉnh đều có nhu cầu tiêu thụ sứa nhưng cần phải chế biến sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, bảo quản được trong thời gian dài. Vì vậy, anh quyết định ra các tỉnh phía Bắc, như: Quảng Ninh, Thanh Hóa để “tầm sư học đạo”.

Trở về quê, anh huy động số vốn 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến sứa hiện đại với hệ thống bể ngâm, bể quay và làm sạch sứa; đồng thời mua sắm máy tời, xe kéo, máy cắt sứa, máy quay ép sứa, máy đóng gói... Khi thuyền của ngư dân cập bờ với bụng thuyền đầy ắp sứa, anh Bang dùng xe kéo, máy tời đưa lên tận xưởng rồi chế biến thành sứa mặn (ngâm nước muối) hoặc sứa ăn liền.

“Được biết, sản phẩm sứa ăn liền của anh đã đến với thị trường trong và ngoài tỉnh. Vậy, để người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng, cần phải lưu ý những gì?” - tôi hỏi. Anh Bang không ngần ngại chia sẻ: “Quan trọng nhất là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn nước phải sạch và sứa phải tươi. Vừa đánh bắt vào là chế biến ngay. Khâu ép sứa càng kỹ, càng lâu thì sứa càng sạch và ăn sẽ giòn. Ngoài ra, quá trình ngâm muối cũng phải đúng độ mặn để sứa săn chắc. Bình quân 1 tấn sứa thành phẩm phải ngâm với 4 tạ muối hạt. Sau 15 ngày ngâm là có thể xuất ra thị trường”.

Mỗi năm, mùa sứa thường kéo dài khoảng 2 tháng, từ tháng 2 - 3 âm lịch. Trong quãng thời gian này, anh Bang bỏ ra trên 1 tỉ đồng để thu mua khoảng 350 tấn sứa tươi. Vào vụ sứa, cơ sở của anh tạo việc làm cho 25 - 30 thuyền trong xã với 60 - 70 lao động. Nhiều thuyền thu về 30 - 40 triệu đồng từ việc đánh bắt sứa bán cho anh Bang. Đáng chú ý, có 5 - 6 thuyền thu được trên 50 triệu đồng chỉ trong 2 tháng. Năm 2023, tại thôn Hà Lợi Trung có 7 chiếc thuyền được đóng mới để hành nghề đánh bắt sứa bán cho cơ sở sản xuất, chế biến sứa Bang Thủy.

Kho sấy hải sản bằng điện đầu tiên trong vùng

Dẫn tôi “mục sở thị” hệ thống kho đông lạnh, nhà chế biến sứa và kho sấy hải sản bằng điện, anh Bang cho hay, trong quá trình thu mua, chế biến, anh nhận thấy mỗi khi ngư dân đánh bắt được nhiều tôm, cá vào những ngày mưa gió thì không thể phơi khô được. Vì vậy, cuối năm 2023, anh đầu tư xây dựng kho sấy hải sản bằng điện với máy sấy nhiệt hiện đại. Đây là kho sấy hải sản bằng điện đầu tiên trong vùng bãi ngang.

Vợ chồng anh Bang trước cơ ngơi dày công gầy dựng trong 5 năm qua - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Vợ chồng anh Bang trước cơ ngơi dày công gầy dựng trong 5 năm qua - Ảnh: TRẦN TUYỀN


“Tôi đầu tư hơn 50 triệu đồng để xây dựng kho sấy này. Bình quân, một mẻ sấy được 3 tạ cá tươi, khoảng 5 giờ đồng hồ là cá khô. Sấy xong là có thể sử dụng được ngay. Chất lượng cá, tôm bãi ngang tươi ngon, đậm vị, được sấy bằng hệ thống điện an toàn, đảm bảo vệ sinh nên thủy hải sản sấy khô của tôi được thị trường ưa chuộng”, anh Bang chia sẻ.

Lời của anh Bang không phải khoe khoang. Bởi, sau mỗi mẻ sấy, anh chia sẻ sản phẩm của mình lên mạng xã hội facebook, zalo và nhận được rất nhiều lời khen ngợi, phản hồi về chất lượng cũng như những đơn đặt hàng mới. Không chỉ thu mua thủy hải sản tươi, anh Bang còn thua mua cá, ruốc khô của ngư dân trong vùng. Bình quân mỗi năm, cơ sở của anh Bang thu mua trên 100 tấn cá, ruốc, mực các loại; tạo việc làm thời vụ cho 2 - 8 người với tiền công 250 nghìn đồng/người/ngày, đã hỗ trợ ăn uống.

Trong vòng 5 năm khởi nghiệp, từ 1 cái tủ lạnh ban đầu với diện tích cơ sở chỉ rộng 50 m2, đến nay anh Bang có 2 kho đông lạnh, 1 xưởng chế biến sứa, 1 nhà chứa sứa nguyên liệu, 1 phòng đóng gói sứa, 1 kho sấy hải sản với tổng diện tích khoảng 400 m2. Cơ sở của anh Bang cung cấp thủy hải sản cho 8 chi nhánh trong và ngoài tỉnh, như: Lao Bảo (Hướng Hóa), TP. Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Bình Dương, Biên Hòa và sang đến nước Lào... Chưa kể, anh có hàng trăm bạn hàng bán lẻ. Gần đây, anh thường xuyên được các sở, ngành trong tỉnh mời tham gia các chương trình quảng bá mô hình nông nghiệp và phát triển nông thôn tiêu biểu.

Chắp cánh những ước mơ

Bên cạnh làm ăn kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh Bang còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương. Năm 2022, anh Bang thành lập câu lạc bộ bóng đá Hải sản Bang Thủy, quy tụ những thành viên đam mê bóng đá dưới 25 tuổi trên địa bàn huyện Gio Linh. “Đến nay, câu lạc bộ có 23 cầu thủ, 2 huấn luyện viên, đều là những người có tài năng, đam mê với bóng đá. Mặc dù mới được thành lập nhưng câu lạc bộ thường xuyên tham gia các giải bóng đá phủi trong tỉnh. Năm vừa qua, câu lạc bộ đoạt 2 chức vô địch tại Giải bóng đá U19 Vĩnh Linh mở rộng tranh Cup Huỳnh apple và Giải bóng đá trẻ U17 Quảng Trị tranh cúp Juice BO”, anh Bang kể.

Cơ sở sản xuất, chế biến sứa ăn liền của anh Bang là một trong ít cơ sở trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện quy định của pháp luật về kinh doanh thủy sản - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Cơ sở sản xuất, chế biến sứa ăn liền của anh Bang là một trong ít cơ sở trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện quy định của pháp luật về kinh doanh thủy sản - Ảnh: TRẦN TUYỀN


Với vùng bãi ngang như xã Trung Giang thì những đóng góp của anh Bang đã giúp nhiều học sinh, thanh niên có môi trường để thực hiện ước mơ, niềm đam mê với môn bóng đá. Chị Trần Thị Minh - vợ anh Bang - cũng là “cây văn nghệ” và là “tay bóng chuyền” có hạng của thôn Hà Lợi Trung. Anh chị luôn nhiệt tình đóng góp, hỗ trợ địa phương về nhiều mặt từ nhân lực đến kinh phí khi được kêu gọi, vận động.

Ngót một buổi sáng chuyện trò, tôi cảm nhận được niềm khát khao chinh phục mọi khó khăn để vươn lên làm giàu của anh Bang. Tin rằng, người đàn ông rắn rỏi, giàu nghị lực này sẽ gặt hái thêm nhiều “quả ngọt” trên chặng đường mang hương vị biển cả đến với thực khách tứ phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Vợ chồng muốn quấn quýt, mặn nồng, nhất định phải học 4 cách hòa hợp này!

Mộc Diệp |

Nhớ những cách này để đời sống hôn nhân của bạn viên mãn hơn.

Hiện thực hóa ý tưởng tăng giá trị cho sản phẩm ném OCOP Hải Dương

Hiếu Giang |

Với trăn trở làm gì để tăng giá trị kinh tế cho cây ném quê nhà trên thị trường, chị Phạm Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã cùng các cộng sự xây dựng và thực hiện ý tưởng: Chế biến sâu sản phẩm ném OCOP Hải Dương bằng phương pháp sấy lạnh. Đây là một ý tưởng rất thực tế, khả thi cao và đã được trao giải Ba tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Trị năm 2023.

Thu nhập khá từ mô hình sản xuất chuối sấy giòn

Minh Long |

Nhằm góp phần tìm đầu ra cho nông sản tại địa phương, bước đầu chị Mai Thị Thanh Huyền, đoàn viên thanh niên ở khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai khá thành công mô hình sản xuất chuối sấy giòn. Với việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, chị thu mua số lượng chuối mật mốc khá lớn, tạo việc làm cho lao động địa phương, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tạo thu nhập cho phụ nữ vùng cao từ mô hình sấy măng

Trúc Phương |

Măng khô từ lâu được biết đến là một loại thực phẩm quen thuộc, có thể sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Tận dụng lợi thế về sản lượng măng dồi dào, với mong muốn tạo thêm thu nhập cho phụ nữ khó khăn, thông qua chương trình “Tiến về phía trước”, Tổ chức Plan International Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng mô hình sao sấy măng A Ho, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Dù mới đi vào hoạt động cách đây không lâu song mô hình này đã bước đầu cho thấy hiệu quả.