Nhằm góp phần tìm đầu ra cho nông sản tại địa phương, bước đầu chị Mai Thị Thanh Huyền, đoàn viên thanh niên ở khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai khá thành công mô hình sản xuất chuối sấy giòn. Với việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, chị thu mua số lượng chuối mật mốc khá lớn, tạo việc làm cho lao động địa phương, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Hướng Hóa được mệnh danh là “thủ phủ” của chuối mật mốc. Nhờ loại cây này, nhiều người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, đầu ra của chuối quả không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt là COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, thu nhập của người dân.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế ở địa phương và mong muốn góp phần giúp người dân tìm đầu ra cho chuối quả, cuối năm 2022 chị Huyền xây dựng Cơ sở sản xuất nông sản sạch Ánh Dương với tên sản phẩm chuối sấy giòn Chip Chip. Chị đã đầu tư công nghệ hiện đại sấy chuối có tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Để chuối sấy giòn thơm ngon, cơ sở sản xuất của chị tuân thủ theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt như chuối chín được lựa chọn, cắt, lột vỏ và đưa qua 2 lần rửa sạch, sau khi sơ chế sạch sẽ được đưa vào lò chiên chân không với thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ.
Sau đó, tiếp tục cho vào máy vắt ly tâm và cuối cùng là khâu đóng gói chuối sấy giòn thành phẩm. Sản phẩm chuối sấy giòn được sản xuất bằng công nghệ hiện đại và hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản nên đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm được bán sỉ với giá 75 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi tháng, chị Huyền lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng.
Nhằm quảng bá sản phẩm, chị Huyền tích cực đăng tải thông tin trên facebook, zalo và tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, sản phẩm chuối sấy giòn Chip Chip hiện có mặt khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị xuất bán khoảng 2 tấn chuối sấy. Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, cơ sở phát triển rất khả quan, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức tiền công 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Huyền chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình chuối sấy, bản thân tôi gặp khó khăn về vốn và kinh nghiệm. Không nản lòng, tôi kiên trì nghiên cứu, học tập các mô hình chuối sấy giòn trên mạng internet và thực tế để làm ra sản phẩm chất lượng. Tôi rất vui vì ngay sau khi sản phẩm ra đời đã được khách hàng đón nhận. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chú tâm đến chất lượng sản phẩm, mở rộng mô hình để cơ sở sản xuất của mình trở thành địa chỉ uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương”.
Với quyết tâm xây dựng thương hiệu đặc trưng vùng miền, mô hình sản xuất của chị Huyền đã thể hiện sự thay đổi tư duy theo hướng sản xuất hiện đại trong phát triển kinh tế của tuổi trẻ thị trấn vùng biên.
Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Lao Bảo Phan Thị Mỹ Liên cho biết: “Thanh Huyền là một đoàn viên thanh niên năng nổ, tâm huyết trong việc giải quyết đầu ra cho nông sản, xây dựng sản phẩm đặc trưng, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất ở địa phương. Huyền còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào đoàn tại khóm, thị trấn.
Thời gian tới, đoàn thanh niên thị trấn sẽ phối hợp tìm nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất của chị Huyền nói riêng và đoàn viên thanh niên trên địa bàn mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)